Monday 12 October 2009

Chia cổ phần trong IMF


October 09, 2009


Đỗ Quý Toàn-Việt Tribune

Hai cơ quan quốc tế có quyền hành rất lớn trong việc quyết định đem tiền đến cho các nước chưa phát triển sử dụng, là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Nhưng nước nào nắm quyền quyết định trong hai cơ quan đó? Tất nhiên là những quốc gia giầu nhất và góp nhiều tiền nhất. Nhưng có những quốc gia trước đây nghèo và nay giầu hơn, đang có tiền và sẵn sàng đóng góp thì quyền quyết định có được san sẻ lại hay không? Trung Quốc đang có nền kinh tế lớn gấp rưỡi nước Pháp nhưng quyền bỏ phiếu của Paris lớn gần gấp rưỡi quyền của Bắc Kinh. Brazil, Ấn Độ, Mexico, Nga cũng muốn được chia phần. Những nước sợ mất phần như Anh và Pháp thì muốn cưỡng lại, tất nhiên. Vấn đề này đã được bàn cãi trong cả chục năm qua và nay vẫn còn cãi cọ chưa xong.
Chủ nhật vừa rồi, đại diện 186 quốc gia trong Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã họp tại Istanbul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ và không đạt được một thỏa thuận nào về việc chia lại quyền bỏ phiếu trong cơ quan tài chánh quốc tế này, ngoài lời hẹn sẽ gặp nhau vào Tháng Tư năm tới để đặt ra các quy tắc trước khi hành động.

Dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình phản đối cuộc họp của IMF tại Istanbul. MUSTAFA OZER/AFP/Getty Images

Quyền bỏ phiếu không đồng đều

Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế được thành lập vào năm 1944. Trong lúc quân đội đồng minh chuẩn bị tấn công lên lục địa Âu Châu thì các nước lớn đã bàn nhau việc thiết lập một hệ thống tiền tệ quốc tế để bảo vệ sự ổn định trong thời hậu chiến. Cuộc họp tại Bretton Woods bên Mỹ đã chọn đồng mỹ kim làm đơn vị tiền tệ chính, tiền các nước khác được tính trên đồng đô la Mỹ. Từ thập niên 1970 quy tắc trên đã bị các nước bỏ qua, bắt đầu từ chính phủ Mỹ khi họ không dùng vàng để bảo đảm cho đô la nữa. Nhưng hai cơ quan tài chánh quốc tế thì vẫn được giữ với những vai trò được quy định từ 65 năm trước.

Theo hiến chương lập từ Hội nghị Bretton Woods thì Ngân hàng Thế giới có trách nhiệm cung cấp vốn dưới hình thức vay nợ cho các nước đang phát triển (nói lịch sự, thay vì nói chưa phát triển hoặc chậm tiến). Ngân hàng cũng làm cố vấn kỹ thuật cho các nước vay nợ để giúp họ phát triển kinh tế. Mục tiêu của các món nợ là giảm bớt nghèo đói và thiết lập những nền kinh tế phát triển vững bền.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế có nhiệm vụ ngắn hạn và liên quan đến thời sự hơn. Đó là nơi các nước gặp nhau thường xuyên để tham khảo về các vấn đề tài chánh thế giới, đề nghị các phương thức hợp tác bảo vệ cho hệ thống tài chánh, tiền tệ thế giới được ổn định. Trong vai trò này, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế được chú ý đến nhiều hơn Ngân hàng Thế giới.
Chúng ta nên biết rằng Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân hàng Thế giới không phải là những tổ chức có tính chất từ thiện. Khi cho vay, họ tính tiền lãi phải trả,mặc dầu lãi suất rất thấp so với giá trong thị trường.

Trong các tổ chức quốc tế, người ta thường theo quy tắc mỗi quốc gia có một lá phiếu như nhau, thí dụ trong đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Nhưng khi nói chuyện kinh tế thì “mạnh vì gạo, bạo vì tiền,” những nước mạnh và đóng góp nhiều vào quỹ thì có quyền bỏ nhiều phiếu hơn.

Từ khi được thành lập với 39 nước hội viên, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân hàng Thế giới đã theo quy tắc chia số cổ phần tức số phiếu bầu theo tỷ lệ của nền kinh tế mỗi nước, mà số tiền đóng góp của mỗi nước cũng lên xuống theo tỷ lệ đó. Khi có các nước hội viên mới, người ta căn cứ vào khối lượng sản xuất của các nước, đo bằng tổng sản lượng nội địa mà chia lại số phiếu bầu. Nhưng từ khi chế độ cộng sản sụp đổ, giao thương quốc tế gia tăng và các nước cộng sản đổi mới thì nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển tăng với tốc độ nhanh cho nên có nhu cầu phải xét lại số phiếu bầu cho cân xứng. Một trở ngại là muốn thay đổi điều lệ của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cần phải có 85% số phiếu chấp thuận. Vì vậy một số nước gộp lại có hơn 15% phiếu bầu là có thể ngăn cản không cho thay đổi. Riêng Hoa Kỳ là nước có nền kinh tế lớn nhất, từng chiếm 17% số phiếu bầu, có quyền phủ quyết bất cứ sự thay đổi nào. Tỷ lệ đó còn thấp hơn trọng lượng của kinh tế Mỹ cũng như phần đóng góp của Mỹ vào mỗi định chế trên, cho nên không ai đòi hỏi Mỹ phải giảm bớt quyền đầu phiếu.

Tuy Mỹ vẫn giữ quyền đầu phiếu cao nhất trong cả hai định chế tài chánh, nhưng khối quốc gia mạnh nhất là 27 nước trong Liên hiệp Âu Châu, với hơn 32% số phiếu bầu. Trong các quốc gia này, những nước Tây Âu chiếm nhiều quyền bỏ phiếu nhất, như Đức (5.88%), Anh và Pháp (4.86%). Nhật Bản đứng hạng nhì (6.02%) sau Mỹ vì đó cũng là quốc gia có nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới. Sau mấy nước trên, đứng hàng thứ sáu là Á Rập Sau đi và mấy vương quốc dầu lửa chung quanh, với 4.4% số phiếu bầu.
Các nước đông dân khác có số phiếu bầu rất thấp, như Trung Quốc (3.66%), Nga (2.69%), Ấn Độ (1.89%), Brazil (1.38%).

Cần cải tổ, Mỹ đối chọi với Âu Châu

Chính nước Mỹ đóng vai trò thúc đẩy việc thay đổi để cho các nước “đang lên” có thêm phiếu bầu.
Trong hội nghị G-20 họp tại Pittsburg trong tháng trước, các nước Nga, Ấn Độ, Indonesia, Brazil và Venezuella đã lên tiếng yêu cầu thay đổi tỷ lệ phiếu bầu tại Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân hàng Thế giới, và ông Robert Zoellick, chủ tịch Ngân hàng Thế giới ủng hộ. Theo thông lệ một người Mỹ làm chủ tịch ngân hàng này, và một người Âu Châu đứng đầu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, hiện nay là ông Dominique Strauss-Kahn, cựu bộ trưởng tài chánh Pháp.

Tại hội nghị G-20 Trung Quốc đề nghị chuyển 7% quyền đầu phiếu từ các nước tiên tiến sang các nước đang phát triển, mà khi nói đến các nước tiên tiến thì ai cũng biết đó là những nước Tây Âu. Bộ trưởng tài chánh các nước Brazil và Ấn Độ đề nghị chuyển 6%. Tại Pittsburg, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải đóng vai trung gian hoà giải giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
Sau hội nghị Pittsburg, các nước trong khối G-20 đồng ý sẽ tăng cho các nước “đang mở mang” thêm 3% số phiếu bầu trong Ngân hàng Thế giới và 5% trong Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Nhưng khi tăng quyền đầu phiếu cho các nước này thì phải giảm bớt quyền của nước khác, và các nước Âu Châu đã kỳ kèo phản đối. Vì vậy việc thay đổi không tiến thêm được trong hội nghị Istanbul, và gây ra mối bất đồng giữa Mỹ với Âu Châu.

Lần trước Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã thay đổi tỷ lệ quyền đầu phiếu là năm 2006 sau 12 năm bàn cãi, trong một cuộc họp tại Singapore. Năm đó, nước Mỹ đã đồng ý giảm quyền đầu phiếu của mình từ 17% xuống 16.7%, hai nước Singapore và Nam Hàn được tăng lên, cộng cả hai từ 1.2% lên 1.7%, đặc biệt là Trung Quốc đã được tăng từ 2.9% lên 3.6%.

Sau lần thay đổi đó, các “nước giầu” đã chịu giảm tỷ lệ quyền đầu phiếu của họ từ 52.7% xuống 52.3% trong khi các nước lớn đang lên mang tên chung là BRIC (Brazil, Russia, India và China) cùng Mexico đều được tăng số phiếu; tổng cộng tăng được 1%. Những quốc gia đang mở mang khác (163 trong số 185 nước) đã bị mất bớt quyền đầu phiếu, từ 37.1% xuống 36.6%.

Cuối hội nghị Singapore, các nước đồng ý sẽ thay đổi đợt thứ nhì, và đó là đề tài thảo luận trong cuộc hội nghị tại Istanbul cuối tuần rồi. Nhưng cuối cùng các nước Âu Châu vẫn không chịu nhường bớt quyền đầu phiếu của họ, đặc biệt là Anh và Pháp. Các nước Âu Châu muốn thay đổi phương pháp chia quyền đầu phiếu, thay vì chỉ chú trọng đến thống kê số sản xuất còn phải đem vào các chỉ số khác đo lường tính chất cởi mở của nền kinh tế mỗi quốc gia, biểu lộ bằng con số thương mại quốc tế. Hội nghị chỉ đồng ý tới tháng Tư sang năm sẽ thiết lập được các quy tắc mới trong việc phân phối quyền đầu phiếu. Theo dự định thì tới đầu năm 2011 Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế mới quyết định sẽ phân chia lại như thế nào. Khi IMF đã chia lại được rồi thì các cơ quan thuộc Ngân hàng Thế giới sẽ làm giống như vậy.

Trong hai định chế tài chánh quốc tế trên có hai khối các quốc gia. Một bên là những nước góp tiền để cho vay, bên kia là những nước nhận tiền trợ giúp hoặc xin vay. Khi biết rõ như vậy thì chúng ta hiểu rất khó theo nhưng quy tắc hoàn toàn dân chủ. Đại diện của Thụy Điển báo động với hội nghị rằng nếu các nước Tây Âu mất bớt quyền đầu phiếu thì họ cũng sẽ giảm bớt số tiền đóng góp cho Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân hàng Thế giới. Trong năm nay, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế sẽ cần tổng cộng 175 tỷ đô la Mỹ để cho các nước vay. Có những nước đang mở mang nhưng sẵn sàng đóng góp như Trung Quốc và Brazil, nhưng đối với các nước nghèo khác thì thà rằng được bỏ phiếu ít mà vay được hay được giúp tiền còn hơn là thêm quyền đầu phiếu![ ĐQT]

******************

source

Viet Tribune Online

No comments:

Post a Comment