Tuesday 29 December 2009

55.400m2 đất được thu hồi bằng quyết định... sai chính tả




Hà Nội:


Cập nhật lúc 08:58, Thứ Ba, 29/12/2009 (GMT+7)

- Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, cho hay: để xảy ra tình trạng cùng một mảnh đất xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM) có 2 chủ sở hữu, lỗi phần lớn thuộc về UBND quận Long Biên.

"Quận Long Biên làm chưa đúng luật"

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho hay: hiện tại, phần đất xây dựng TTTM (phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) có hai chủ sở hữu: một là Công ty cổ phần hóa nhựa, hai là hộ ông Trần Đình Hoàn (chủ thửa đất số 901, tờ bản đồ số 4 tại xứ đồng Mả Tre).

"Nếu nói về quy định của luật, chủ sở hữa của mảnh đất đó hiện tại là Công ty cổ phần hóa nhựa. Lý do là trước đó, ngày 16/9/2005, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định 6456/QĐ-UB, cho phép Công ty cổ phần hóa nhựa làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 3076m2 đất tại phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội và chuyển mục đích sử dụng để xây dựng TTTM và văn phòng.

Đáng lẽ sau khi có quyết định thu hồi đất từ phía TP Hà Nội, chính quyền địa phương phải mời hộ ông Hoàn đến để thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tiến hành chỉnh lý. Phía quận Long Biên đã thiếu sâu sát trong vấn đề này" - ông Nghĩa cho hay.

Quay trở lại vấn đề thu hồi đất tại xứ đồng Mả Tre nói chung và TTTM nói riêng, sau khi có quyết định tạm giao 55.400m2 đất tại phường Gia Thụy cho ban quản lý dự án quận Long Biên, ngày 16/9/2005, UBND TP. Hà Nội lại ra Quyết định 6456/QĐ-UB. Theo như quyết định này, phía Công ty cổ phần hóa nhựa được làm thủ tục nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 3076m2 đất tại phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội và chuyển mục đích sử dụng để xây dựng TTTM và văn phòng.

Mô tả ảnh.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho hay: để xảy ra tình trạng cùng một mảnh đất xây dựng Trung tâm thương mại (TTTM) có 2 chủ sở hữu, lỗi phần lớn thuộc về UBND quận Long Biên. Ảnh: Hoàng Sang.

Tiếp đến, ngày 6/10/2005, Công ty cổ phần hóa nhựa đã ký hợp đồng thuê đất số 155-2005/TNMTN\Đ-HĐTĐTN với Sở TN-MT Hà Nội.

Tuy nhiên, điều đáng nói là mãi đến tháng 7/2007, UBND quận Long Biên mới ban hành Quyết định 1353/QĐ-UBND để thu hồi số diện tích của các hộ dân.

Như vậy, rõ ràng về thời gian, trình tự thu hồi đất đã có độ "vênh" nhất định. Lẽ ra phải có quyết định thu hồi đất đến từng hộ gia đình từ năm 2005, sau đó các cơ quan chức năng mới được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty cổ phần hóa nhựa.

Đằng này, phía Sở TN-MT cũng như TP. Hà Nội đã giao đất cho Công ty cổ phần hóa nhựa từ những năm 2005, trong khi đó, đến 2007 thì các hộ gia đình nơi đây mới nhận được quyết định thu hồi đất từ chính quyền quận Long Biên.

Theo ông Nghĩa, để thu hồi đất, phải có quyết định thu hồi đất chung và quyết định thu hồi cụ thể đến từng hộ. Việc ra quyết định đến từng hộ gia đình là thẩm quyền của quận Long Biên.

Mô tả ảnh.

Những đơn thư tố cáo này bắt nguồn từ cách làm việc khó hiểu của các cơ quan chức năng. Ảnh: Hoàng Sang.

"Nếu đúng là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty hóa nhựa từ 2005 mà mãi đến 2007 mới có quyết định thu hồi cụ thể thì rõ ràng là phía quận làm chưa đúng luật. Phía quận đã không chỉnh lý kịp thời những biến động khi tiến hành thu hồi đất. Phía Sở thì căn cứ vào các quyết định của Thành phố, thấy đủ thì cấp thôi, chứ cũng không biết là phía dưới quận chưa tiến hành thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thực ra, việc ông Hoàn giữ trong tay là đúng thôi, bởi vì sổ ấy nó có nhiều thửa, trong đó có 1 phần diện tích hiện đang thuộc Công ty hóa nhựa quản lý. Việc quận chưa chỉnh lý, chưa thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sai, quận chưa hoàn thành đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình" - ông Nghĩa khẳng định.

Cũng theo ông Nghĩa thì không thể để xảy ra tình trạng cùng một mảnh đất lại có 2 chủ sở hữu, có 2 người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sắp tới, phía Sở TN-MT Hà Nội sẽ kiểm tra ngay để chỉ đạo phía quận làm đúng pháp luật. Về phía cơ quan chuyên môn, Sở TN-MT Hà Nội sẽ có ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn.

55.400m2 đất được thu hồi bằng quyết định... sai chính tả

Nói về Quyết định 6378/QĐ-UB về việc tạm giao 55.400m2 đất tại phường Gia Thụy, ông Nguyễn Hữu Nghĩa vẫn khẳng định đây là quyết định thu hồi đất. Ông Nghĩa cho hay, đối với dự án này, đúng ra là phải thu hồi để giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất để tiến hành GPMB, sau đó mới giao cho chủ đầu tư. Thế nhưng, do không có Trung tâm phát triển quỹ đất nên thành phố mới ra quyết định này để giao cho ban quản lý dự án quận Long Biên.

"Thực ra, câu từ trong văn bản này chưa được chặt chẽ, phải có thu thì mới có giao chứ. Câu chữ nó thiếu từ, đáng lẽ ra phải thu và tạm giao mới đúng. Luật có thể cho phép vừa thu vừa giao" - ông Nghĩa nói về Quyết định 6378 đang gây tranh cãi.

Mô tả ảnh.

Quyết định 6378 chỉ là quyết định tạm giao, thế nhưng trong nhiều văn bản, phía UBND quận Long Biên lại hô "biến" thành quyết định thu hồi đất. PGĐ Sở TN-MT Hà Nội thì cho rằng quyết định này thiếu đi một chữ "thu"(?!) Ảnh: Hoàng Sang.

Ông Nghĩa khẳng định quyết định này có sơ suất, và đây chỉ là lỗi chính tả. Tuy nhiên, bản chất thì đó vẫn là quyết định thu hồi đất.

Từ một quyết định "tạm giao" 55.400m2 đất, các cơ quan chức năng từ UBND quận Long Biên cũng như Sở TN-MT Hà Nội lại "mặc định" cho đây chính là quyết định thu hồi đất. Để lý giải cho những quyết định muốn hiểu thế nào thì hiểu, phía BQL dự án quận Long Biên cũng như Sở TN-MT cho rằng: do quyết định mắc lỗi chính tả, thiếu đi một từ, nhưng đó vẫn là quyết định thu hồi đất.

Người dân nơi đây thì cho rằng, hiện tại, mảnh đất 55.400m2 đất tại phường Gia Thụy, quận Long Biên bị thu hồi nhưng vẫn chưa có quyết định thu hồi đất. Và người dân lại tiếp tục khiếu kiện lên Tòa án TP. Hà Nội về những quyết định liên quan đến dự án tại xứ đồng Mả Tre.

  • Hoàng Sang
  • source
  • http://www.vietnamnet.vn/bandocviet/theodauthu/200912/55400m2-dat-duoc-thu-hoi-bang-quyet-dinh-sai-chinh-ta-886710/

Saturday 26 December 2009

"Cuộc chiến" về giá thuê cột điện giữa hai tập đoàn lớn lên đến đỉnh điểm buộc Bộ Công Thương phải vào cuộc


Theo VNPT, điện lực địa phương thường xuyên gây sức ép với VNPT tỉnh, thành phố để yêu cầu ký hợp đồng theo mức giá mới, bằng hình thức thông báo sẽ tháo dỡ cáp thông tin.

Vì vậy, Bộ Công Thương vừa yêu cầu EVN dừng ngay việc tháo dỡ cáp thông tin của VNPT treo trên cột điện, kể cả khi chưa đạt thoả thuận về giá thuê cột.

Yêu cầu này vừa được Bộ Công Thương nêu rõ trong văn bản mới đây, gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) để “tuýt còi" tạm thời việc tranh chấp giá thuê cột điện giữa hai tập đoàn này.

Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu EVN và VNPT phải tích cực đàm phán, để sớm thống nhất giá thuê cột điện treo cáp thông tin, tạo điều kiện cho VNPT chủ động trong việc mở rộng mạng lưới thông tin, đáp ứng nhu cầu cho xã hội.

Mô tả ảnh.
Nhiều loại cáp đang treo lộn xộn trên cột điện, gây mất an toàn (ảnh: cand)

Công văn này nêu rõ, trường hợp, hai bên vẫn chưa đạt được thoả thuận thống nhất về giá thuê cột điện để treo cáp thông tin, Bộ đề nghị EVN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc dừng việc tháo gỡ cáp thông tin treo trên cột điện lực, để thông tin được thông suốt, đảm bảo lợi ích xã hội.

Nếu việc đàm phán vẫn chưa đạt kết quả trước ngày 5/1/2010, Bộ Công Thương yêu cầu 2 đơn vị phải báo cáo chi tiết vấn đề để Bộ giải quyết.

Trong báo cáo, Bộ Công Thương yêu cầu EVN phải nêu rõ cơ sở và phương pháp tính giá thuê cột điện trước đây và giá thuê cột mới áp dụng cho VNPT.

Theo mức giá mới của EVN, cột cao từ 10,5- 12,5m, tăng giá mạnh nhất, từ 6000đồng/cột/tháng lên mức 48.469 đồng/cột/tháng, tăng 8,08 lần.

Cột cao trên 12,5m, tăng giá “nhẹ” nhất là từ 27.500đồng/cột/tháng lên 109.307 đồng/cột/tháng, tăng 3,98 lần.

Còn lại, cột điện cao dưới 8,5m, tăng giá từ 3.500 đồng lên 20.114 đồng/cột/tháng, tăng 5,74 lần.

Cột cao 8,5- 10,5m, tăng giá từ 5.800đồng/cột/tháng lên mức 28.340 đồng/cột/tháng, tăng 4,88 lần.

Ngược lại, VNPT cũng phải nêu rõ cơ sở, phương pháp tính giá để chứng minh được rằng, giá thuê cột mới của EVN là bất hợp lý.

Vụ việc tranh chấp về giá thuê cột điện để treo cáp thông tin giữa 2 Tập đoàn này đã nhùng nhằng từ hơn 1 năm qua.

“Nổ phát súng” đầu tiên cho cuộc tranh cãi gay gắt này là EVN với quyết định tăng giá thuê cột điện để treo cáp thông tin nhưng lại có mức tăng quá đột biến, gây sốc.

Từ tháng 9/2008, EVN đã đề nghị giá sàn thuê cột bê tông để treo cáp thông tin đối với doanh nghiệp viễn thông tăng từ 3,98 đến 8,08 lần. Mức giá cao ngất ngưởng này khiến các doanh nghiệp viễn thông kêu trời vì … tăng quá mạnh và không chấp thuận.

Sau đó, VNPT đã đàm phán nhiều lần với EVN và thậm chí, cầu cứu tới Bộ, ngành liên quan nhưng vẫn không đạt được thoả thuận một mức giá thuê cột “mềm” hơn với EVN.

Mới đây, tháng 11/2009, Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc hiệp thương giữa EVN và các doanh nghiệp viễn thông về vấn đề này nhưng vẫn không đạt kết quả.

Trong khi đó, VNPT phản ánh, các điện lực địa phương đã liên tục “ép giá” thuê cột mới đối với các đơn vị trực thuộc VNPT các tỉnh, thành phố như ở Kiên Giang, Tiền Giang, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Cà Mau…

Trên thực tế, các điện lực địa phương cũng đã “lên” chương trình tháo gỡ, cắt bỏ những cáp thông tin không rõ nguồn gốc, không có hợp đồng, treo không đúng qui định, gây ảnh hưởng lớn tới mạng viễn thông.

Tuy nhiên, về phía EVN, tập đoàn này đã cho biết, các doanh nghiệp viễn thông đã được lợi nhiều nhờ không phải đầu tư hạ tầng cột. Ngoài ra, việc tính phí giá thuê cột điện mới chỉ được EVN thực hiện từ năm 2003 đến nay. Và đến nay, đơn giá này chỉ còn mang tính tượng trưng.

Theo EVN, để đầu tư cột điện cao dưới 8,5m, là loại cột rẻ nhất thì EVN đã mất tới 4,5 triệu đồng. Cộng thêm lãi suất ngân hàng nên phí thuê cột như trên là hợp lý.

Động thái EVN kiên kiên quyết, mạnh tay với doanh nghiệp viễn thông là bởi, hiện trạng treo cáp thông tin trên hệ thống cột điện hiện nay không đúng qui định, cẩu thả, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự vận hành an toàn của hệ thống điện và mỹ quan đô thị.

Hơn nữa, mục tiêu xây dựng cột điên là để cung cấp điện năng liên tục cho xã hội, chứ không phải để treo các sợi cáp thông tin. Hiện nay, số cáp thông tin đã gấp quá nhiều lần cáp điện.

Rốt cục, Bộ Công Thương đã quyết định đứng ra làm trọng tài nhưng chắc chắn, vụ việc tranh chấp này cần phải sớm khép lại, vì lợi ích chung của người tiêu dùng và toàn xã hội.

  • Phạm Huyền
  • source
  • http://www.vietnamnet.vn/kinhte/200912/Dinh-diem-cuoc-chien-giua-EVN-va-VNPT-886252/
  • Đỉnh điểm 'cuộc chiến' giữa EVN và VNPT

    Cập nhật lúc 19:02, Thứ Sáu, 25/12/2009 (GMT+7)

Friday 18 December 2009

Bộ Xây dựng né trách nhiệm


Vụ thay đổi hướng tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài:
Bộ Xây dựng né trách nhiệm
19/12/2009 0:10
Hướng tuyến bị điều chỉnh đi qua khu dân cư tổ 82, 89 (P.2, Q.Tân Bình) đã sống ổn định hơn 20 năm qua, gây xáo trộn cuộc sống người dân và tăng chi phí giải tỏa - Ảnh: P.Thanh
Ngày 29.7.2009, Bộ Xây dựng có văn bản nhận định: Khiếu kiện của người dân về việc tùy tiện điều chỉnh hướng tuyến dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN - BL - VĐN) là có cơ sở. Thế nhưng đến ngày 17.12.2009, Bộ này lại có văn bản khác.

Bất nhất

Trong văn bản ngày 17.12, thay vì nhận định các giải trình của UBND TP.HCM xu­­ng quanh khiếu kiện tại dự án TSN - BL - VĐN là đúng hay sai, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân lại cho rằng: "Trong tình hình hiện tại, một số quy định pháp luật chưa đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo; đặc biệt trong chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, gây khiếu kiện trong dân. Mặt khác, do thời gian thực hiện dự án kéo dài, các quy định về pháp luật xây dựng có sự thay đổi qua các thời kỳ, cũng gây lúng túng trong quá trình thực hiện dự án ở các cấp cơ sở. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM hệ thống lại toàn bộ văn bản pháp luật của từng thời kỳ liên quan đến việc thực hiện dự án này, công khai giải thích cho người dân biết để người dân thực hiện".

Bên cạnh đó, dù khẳng định hiện nay Bộ Xây dựng đang tiếp tục nhận được nhiều đơn thư khiếu kiện của người dân về việc tùy tiện điều chỉnh dự án, song Bộ trưởng lại cho rằng chưa giao cho cơ quan thanh tra hoặc một cơ quan nào thuộc Bộ thu thập những tài liệu liên quan đến dự án này, cho nên không đủ cơ sở để giải thích cho người dân.

Thái độ này của Bộ trưởng hoàn toàn bất nhất với văn bản 205 do Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên ký ngày 29.7.2009. Trong đó, ông Yên nhận định: "Tuyến đường vành đai TSN - BL đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1997 có chiều dài hơn 13km, mặt cắt 60 - 65m là phù hợp với sự phát triển đô thị TP.HCM theo hướng hiện đại". Về việc triển khai xây dựng dự án, theo ông Yên, thiết kế cơ sở đã được Bộ Xây dựng thẩm định không có việc bẻ cong tuyến đường thành 2 nhánh như hiện nay. Ngoài ra, để thực hiện dự án, UBND TP cũng có văn bản 8145 (ngày 27.11.2007) báo cáo Thủ tướng xin điều chỉnh đoạn từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn, trong đó có nêu "về cơ bản chỉ có một nhánh rẽ rộng 20m đi theo hướng tuyến và nằm trong phạm vi quy hoạch rộng 60m của đường vành đai trong đã được phê duyệt trước đây". Ông Yên còn viện dẫn các văn bản 250 (ngày 25.6.2005) và 254 (ngày 25.2.2009) của Bộ Xây dựng xung quanh việc điều chỉnh dự án để cho thấy Bộ này chưa từng chấp thuận bẻ cong hướng tuyến. Từ đó, ông chánh thanh tra đi đến kết luận "khiếu kiện của người dân là có cơ sở", và khẳng định với báo chí sẽ kiến nghị Bộ trưởng thanh tra toàn dự án.

Thế nhưng, văn bản trả lời mới đây của Bộ trưởng khiến dư luận thắc mắc: Có gì đằng sau sự bất nhất của Bộ Xây dựng?

TP.HCM "qua mặt" các bộ?

Từ những tài liệu Thanh Niên thu thập được, không thể không đặt câu hỏi, phải chăng có sự khác nhau giữa những văn bản mà TP.HCM trình các cấp trung ương với những gì mà TP.HCM triển khai trong thực tế. Hay nói cách khác, TP.HCM đã báo cáo một đằng nhưng làm một nẻo?

Ngay trong hồ sơ thiết kế cơ sở trình Bộ Xây dựng thẩm định, UBND TP.HCM đã có sự nhập nhằng về hướng tuyến, gây sự ngộ nhận rằng TP.HCM chỉ đề xuất giảm lộ giới đường TSN - BL - VĐN đoạn qua Q.Tân Bình từ 60m xuống còn 20m (do thiếu kinh phí), chứ hoàn toàn không có chuyện bẻ cong đi hướng tuyến đã được phê duyệt. Do đó, trong kết quả thẩm định của Bộ Xây dựng có nêu "đoạn đầu tuyến từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn dài 1,5 km, rộng 20m (3 làn xe)", hoàn toàn không thẩm định thành 2 nhánh đường cong như TP.HCM đang triển khai giải tỏa trong thực tế.

Nghiêm trọng hơn, Quyết định 3585 (ngày 19.7.2005, về phê duyệt quy hoạch phương án tuyến dự án TSN - BL -VĐN) mà UBND TP.HCM trình Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế cơ sở lại dựa trên bản đồ 1/10.000 của đơn vị thiết kế là Công ty KCI (Hàn Quốc). Trong khi đó, vào thời điểm năm 2005, nhà thầu này chưa được cấp giấy phép thầu tại VN. Do đó, Quyết định 3585 hoàn toàn không đảm bảo về tính pháp lý. Dư luận đặt câu hỏi, có hay không việc nhà thầu "lậu" KCI cố tình thiết kế lệch hướng tuyến cắt vào đất công (khoảng 1,2 ha của Đoàn bay 919, Trung tâm huấn luyện bay, Đoàn tiếp viên) và đất Công viên Gia Định (khoảng 1 ha), để giảm chi phí cho đơn vị thi công là Công ty GS (cũng của Hàn Quốc)? Và phần tiết giảm này đã "chạy" đi đâu, trong khi TP vẫn phải đổi cho GS 7 khu đất "vàng"?

Một vấn đề khác nữa là sự mập mờ trong báo cáo tác động môi trường mà nhà thầu GS trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư vào năm 2006. Báo cáo này hoàn toàn không nhắc gì đến việc bẻ đường thẳng thành 2 nhánh đường cong, càng không nói gì đến việc "xẻo" hơn 1 ha Công viên Gia Định làm đường và những tác hại từ việc cắt đất công viên. Văn bản 1878 (ngày 30.11.2007) của Thủ tướng yêu cầu phải có đánh giá tác động môi trường của dự án. Sau đó, trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho GS (ngày 14.12.2007), Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng nhấn mạnh chỉ triển khai dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án vẫn được khởi công mà chưa có đánh giá tác động môi trường về việc điều chỉnh hướng tuyến cắt vào đất Công viên Gia Định - lá phổi xanh của TP.

Cơ quan nào giải quyết khiếu nại cho dân?

Từ khi phát sinh khiếu kiện của người dân vào năm 2002 đến nay, đã có nhiều văn bản chỉ đạo đích danh các bộ, ngành giải quyết khiếu nại cho người dân, song các đơn vị này đều thể hiện thái độ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm:

- Ngày 16.1.2009, Văn phòng Chính phủ có văn bản 55 chuyển khiếu nại đến UBND TP.HCM và Bộ GTVT giải quyết.

- Ngày 6.3.2009, Bộ GTVT lại có phiếu chuyển 1252 đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét giải quyết khiếu nại, vì cho rằng thẩm quyền thuộc Thanh tra Chính phủ.

- Ngày 3.8.2009, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước có công văn 457 gửi Bộ Xây dựng, nêu rõ: do đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại nhưng UBND TP.HCM không ban hành quyết định giải quyết, do đó thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo thuộc Bộ trưởng Bộ Xây dựng (theo điều 25 và 39, Luật Khiếu nại Tố cáo)

- Ngày 10.8.2009, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản 5446 truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu UBND TP.HCM phối hợp Bộ GTVT xem xét, xử lý khiếu kiện cho người dân.

Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc: Người dân có quyền kiện ra tòa

Theo Luật Khiếu nại Tố cáo, trong dự án này, việc giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của UBND TP.HCM. UBND TP có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người dân trong thời hạn 30 ngày, không quá 45 ngày. Nếu quá thời hạn nói trên, người dân có quyền khởi kiện ra tòa. Luật Khiếu nại Tố cáo cũng quy định, nếu người có thẩm quyền (trong trường hợp này là Chủ tịch UBND TP) không ra quyết định giải quyết khiếu nại thì phải bị xem xét kỷ luật. Người khiếu nại có quyền kiến nghị lên cấp trên trực tiếp của người không giải quyết khiếu nại để xem xét, kỷ luật người đó.

Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, Hội Kiến trúc sư TP.HCM: Làm chuyện ngược đời!

Chỉ xét trên góc độ quy hoạch, việc điều chỉnh đường TSN - BL - VĐN từ một đường rộng 60m thành 2 nhánh (mỗi nhánh rộng 20m, lưu thông một chiều) là không hợp lý. Đây là tuyến đường vành đai, có chức năng giải tỏa một lượng phương tiện khổng lồ từ sân bay quốc tế TSN đi các quận nên nhất thiết phải có lộ giới lớn để các phương tiện lưu thông hai chiều, thông suốt. Nếu vừa "thắt cổ chai" 20m, vừa phân luồng một chiều sẽ gây khó khăn cho việc lưu thông, vì các phương tiện phải đi vòng vèo làm tăng mật độ giao thông. Trên thế giới, không nước nào làm đường một chiều đối với dự án mới, mà chỉ áp dụng với các tuyến đường cũ, không có điều kiện mở rộng.

Phương Thanh

*******************

source

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200951/20091219001021.aspx

Friday 11 December 2009

Chủ đầu tư 'trốn', cư dân Phú Mỹ Hưng náo loạn


Thứ bảy, 12/12/2009, 00:56 GMT+7

Ngày 11/12, hơn 100 khách hàng đã kéo đến Phòng kinh doanh Công ty Phú Mỹ Hưng yêu cầu doanh nghiệp cung cấp hồ sơ pháp lý của các dự án. Họ bị bảo vệ ngăn cản, đôi bên suýt xô xát nhau, công an phải chốt chặn bên ngoài để ổn định trật tự.
> Gần 700 cư dân ký đơn 'tố' Phú Mỹ Hưng /Rắc rối tiền đất Phú Mỹ Hưng vượt tầm xử lý của TP HCM

Trưởng ban đại diện cư dân Phú Mỹ Hưng Nguyễn Hồng Hải cho biết, trước đó, ngày 8/12, trong buổi làm việc với phó giám đốc kinh doanh công ty này là Bùi Duy Toàn, các cư dân đã yêu cầu được gặp Giám đốc kinh doanh Trương Quốc Hưng vào 9h sáng ngày 11/12 để phản ánh bức xúc về: tiền sử dụng đất, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất các dự án ở khu đô thị này.

Bảo vệ Phú Mỹ Hưng đứng xếp hàng ở lối đi chốt chặn không cho khách hàng vào gặp chủ đầu tư. Ảnh: Vũ Lê.

9h30 sáng 11/12 khách hàng kéo đến rất đông nhưng đại điện chủ đầu tư không xuất hiện, chỉ có các nhân viên kinh doanh và rất nhiều bảo vệ chốt ở khắp nơi. Cư dân bị hàng rào bảo vệ chặn lại, mọi người suýt choảng nhau làm náo loạn cả khu vực. Khoảng 10h công an đã có mặt tại hiện trường để ổn định trật tự.

Những người có mặt tại phòng kinh doanh lúc đó không chỉ có cư dân cũ mà còn có khách hàng mới toanh, đang mua dự án River Park. Nhiều người bày tỏ nỗi thất vọng vì đang ôm bất động sản có nhiều tranh chấp như hiện nay.

Bà Nguyễn Bích Thu dở khóc dở mếu chia sẻ với VnExpress.net: "Trong năm nay, tôi và người nhà đã góp tiền mua căn hộ Riverpark (dự án mới nhất của Phú Mỹ Hưng), trị giá 4,925 tỷ đồng. Giờ vỡ lẽ ra tiền sử dụng đất ngất ngưỡng thì rút chân khỏi thuyền không còn kịp nữa".

Khách hàng Phú Mỹ Hưng đang tính đến chuyện xin gặp trực tiếp HĐND TP HCM để cầu cứu vì bế tắc bài toán tiền sử dụng đất. Ảnh: Vũ Lê.

Bà Thu kể thêm, người quen của bà đang có ý định rút khỏi dự án Riverpark vì ngao ngán cách hành xử cấm vận thông tin của chủ đầu tư.

Khách hàng tên Nghĩa cho hay, dù đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án Riverpark đồng thời đề nghị gặp người có trách nhiệm của doanh nghiệp để giải đáp thắc mắc, nhưng mọi yêu cầu đều không được đáp ứng.

Trao đổi với báo chí, Trưởng ban đại diện cư dân Nguyễn Hồng Hải cho biết: "Chủ đầu tư chọn giải pháp “trốn” như thế này thì bức xúc, căng thẳng sẽ càng tăng cao và vấn đề sẽ mãi còn đó, không giải quyết được".

Bà Hải kể thêm, do quá bức xúc và tuyệt vọng, rất nhiều khách hàng đã tính đến chuyện xin gặp trực tiếp HĐND TP HCM để cầu cứu, tìm lời giải cho bài toán tiền sử dụng đất là nguyên nhân gây tranh cãi triền miên tại khu đô thị này.

Phía Phú Mỹ Hưng, ngoài lời hứa hôm 8/12 sẽ sắp xếp lịch hẹn với từng khách hàng của Phó giám đốc kinh doanh Bùi Duy Toàn, chủ đầu tư không có ý kiến gì về sự cố ầm ỹ trong ngày 11/12.

Diễn biến tranh chấp tiền sử dụng đất Phú Mỹ Hưng:

Ngày 9/10, hàng trăm cư dân đã ký vào đơn khiếu nại tập thể phản đối khoản tiền sử dụng đất từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ cho căn nhà mình.

Ngày 10/10, trong cuộc đối thoại lần thứ nhất với chủ đầu tư, hàng trăm người biểu quyết không nộp tiền sử dụng đất.

Chiều 12/10, UBND TP HCM và các sở ngành đề xuất phương án thu tiền sử dụng đất hộ dân Phú Mỹ Hưng tại thời điểm ký hợp đồng mua bán nhà, thay vì đợi đến 2-3 năm sau mới tính thuế. Thành phố giao Sở Tài nguyên môi trường tham mưu để giải quyết nhanh vấn đề này nhưng đến nay chưa có kết quả.

Lo bị ế hàng trong tương lai, hôm 12/10 chủ đầu tư đã cầu cứu thành phố. Doanh nghiệp đề xuất không tăng giá đất khu đô thị này trong năm 2010 cũng như xem xét việc liên doanh này được miễn nộp tiền sử dụng đất.

Sau 2 cuộc chất vấn không có kết quả, ngày 31/10 chủ đầu tư đóng cửa phòng kinh doanh, tạm ngưng đối thoại với dân. Khách hàng ký đơn khiếu tố trình Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, các Bộ ngành liên quan từ trung ương đến thành phố về vấn đề này.

Ngày 6/11, gần 700 người đã gửi đơn khiếu tố tập thể từ Trung ương đến thành phố phản ánh sự bất hợp lý về tiền sử dụng đất tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Hà Thanh

**********************

source

http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/12/3BA1697C/

Thursday 3 December 2009

Lô cốt chặn đường làm ăn tết của người dân


Ngày 04.12.2009 Giờ 10:05

Thành phố Hồ Chí Minh

Lô cốt chặn đường làm ăn tết của người dân

SGTT - Không chỉ gây khó, gây khổ cho người đi đường vào những giờ cao điểm kẹt xe, những ngày này lô cốt còn chặn đường làm ăn tết của nhiều gia đình ở TP.HCM. Người có nhà mặt tiền muốn cho thuê thì không có khách thuê, người có cửa hàng thì buôn bán ế ẩm, đi không nỡ ở không đành.

Một góc bản đồ lô cốt do sở Giao thông vận tải lập

Từ lâu, cứ vào dịp mua sắm cuối năm, đường Lê Văn Sỹ kéo dài từ quận Tân Bình sang quận Phú Nhuận luôn diễn ra cảnh mua bán tấp nập, nhiều cửa hàng được trang hoàng rực rỡ. Thế nhưng năm nay, dù chỉ còn ba tuần nữa là đến Noel – mùa mua sắm sôi động nhất của người dân thành phố – nhưng vẫn còn đó hàng chục cửa hàng (đoạn từ vòng xoay Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trọng Tuyển của quận Tân Bình đến nhà thờ Ba Chuông của quận Phú Nhuận) tách biệt hoàn toàn với thế giới mua sắm nhộn nhịp xung quanh, toàn cảnh “đìu hiu chợ chiều”.

Bít cửa làm ăn

Bà Nguyễn Thị Thanh, chủ một cửa hàng kinh doanh giày dép trên đường Lê Văn Sỹ (phường 2, quận Tân Bình), bức xúc: “Mấy chú nhìn coi, chỉ một đoạn ngắn chưa đầy một cây số nhưng có tới bốn lô cốt thuộc dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM khu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè án ngữ. Mỗi lô cốt kéo dài cả trăm mét, lấy hết đường còn đâu mà mua với bán”.

Bà Phương, chủ một cửa hàng chuyên bán quần áo trẻ em trên đường Lê Văn Sỹ (phường 14, quận Phú Nhuận), cho biết những năm trước vào dịp mua sắm cuối năm, nhất là những ngày giáp Noel, trung bình mỗi ngày doanh thu của bà từ 2 đến 3 triệu đồng. Nhưng năm nay, dù ngồi dài cổ cả ngày cũng chỉ bán ra được vài ba bộ quần áo”.

Tương tự, trên đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến công viên Lê Thị Riêng, hiện vẫn còn tới năm lô cốt. Tất cả các lô cốt đều hết thời gian thi công rào chắn nhưng vẫn vô tư tồn tại, “bít hết cửa làm ăn” của hàng trăm cửa hàng kinh doanh nơi đây.

Trao đổi với chúng tôi tối 2.12, ông Ngô Văn Bản, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh các vật dụng trang trí mùa Noel (đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình), cho biết: “Cả ngày hôm nay cửa hàng của tôi có chưa đầy chục lượt khách đến mua. Nếu thời điểm này năm ngoái, khi đường còn thông thoáng, mỗi ngày tôi tiếp không dưới trăm lượt khách”.

Không có tết

So với hàng ngàn hộ kinh doanh bị lỡ dịp mua bán cuối năm do lô cốt thì bà Thanh, bà Phương, ông Bản dù có thiệt hại nhưng vẫn đỡ khổ hơn vì không phải thuê mặt bằng.

Bà Xuân, chủ một cửa hàng quần áo, ngay lô cốt gần ngã tư Lê Văn Sỹ – Phạm Văn Hai (phường 2, quận Tân Bình), cho biết suốt từ tháng 5.2009 đến nay, trung bình mỗi tháng cửa hàng bà lỗ khoảng 3 triệu đồng (cả tiền thuê nhà và tiền thuê nhân viên). Bà nói nhiều lúc muốn trả mặt bằng để kiếm địa điểm khác kinh doanh nhưng lại cố gắng vì thấy trên bảng thi công thông báo đến 31.7.2009 sẽ hết hạn thi công rào chắn. “Nhưng không ngờ, tới nay lô cốt vẫn còn ì ra đó. Không biết họ có hiểu mùa mua bán cuối năm là mùa làm ăn sống còn của những người đi thuê mặt bằng như chúng tôi không nữa. Họ làm ăn như vậy chẳng khác nào đang giết chúng tôi. Tội nghiệp mấy đứa nhỏ, coi như năm nay bọn chúng không có tết”, bà Xuân tâm sự.

Ông Nguyễn Hoài Thanh, chủ cửa hàng sửa xe trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 5, quận Tân Bình), lo lắng: “Từ nhiều năm nay, mỗi năm đến những tháng cuối năm ngày nào tôi làm cũng không hết việc còn năm nay thì ngồi không suốt ngày trong khi cả nhà tui trông chờ vào cái cửa hàng này. Bị lô cốt ám suốt như thế này không biết lấy đâu ra tiền tiêu tết”.

Tại TP.HCM hiện có hơn 200 lô cốt. Mỗi lô cốt không chỉ bít lối làm ăn của hàng chục nhà mặt tiền hai bên đường mà còn ảnh hưởng đến các cửa hàng mua bán trên cả con đường.

*************************

source

http://www.sgtt.com.vn/Detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=60177&fld=HTMG/2009/1203/60177