Friday 26 February 2010

Cấm sử dụng căn hộ làm văn phòng, kinh doanh: Có vi phạm luật doanh nghiệp?


Ngày 26.02.2010 Giờ 14:22

Cấm sử dụng căn hộ làm văn phòng, kinh doanh

Có vi phạm luật doanh nghiệp?

SGTT - Một lần nữa quy định cấm sử dụng các căn hộ chung cư làm văn phòng, nơi sản xuất, kinh doanh của bộ Xây dựng gây chú ý khi bộ này có văn bản yêu cầu các địa phương báo cáo về tiến độ kiểm kê về số lượng căn hộ được sử dụng với mục đích như trên để có cơ sở xử lý thì nhiều luật sư, nhà đầu tư, kể cả người dân đề nghị bỏ quy định này vì chưa phù hợp với thực tế.

Có khá nhiều công ty chọn cách sử dụng căn hộ trong các chung cư để làm trụ sở giao dịch tại TP.HCM. Ảnh: Lê Quang Nhật

Cơ sở để bộ Xây dựng đưa ra quy định này là việc sử dụng văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh xen lẫn với nhà ở gây xáo trộn, mất trật tự và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của các hộ dân sống trong các toà nhà chung cư.

Không phù hợp

Luật sư Nguyễn Văn Quynh, đoàn luật sư Hà Nội kiến nghị nên bỏ quy định này do nó gây chồng chéo với luật Doanh nghiệp. Ông Quynh phân tích, luật Doanh nghiệp quy định, doanh nghiệp có quyền chọn địa điểm để kinh doanh, kể cả ở chung cư. Đó là chưa kể, quy định của bộ Xây dựng còn không sát với thực tế bởi có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn nhỏ lẻ không có đủ điều kiện để đi thuê mặt bằng thì họ phải sử dụng căn hộ của mình làm nơi giao dịch làm ăn. Pháp luật đang khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh. Do vậy, nếu có quy định này sẽ hạn chế việc kinh doanh của người dân, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Mặt khác, khi quy định cấm sử dụng căn hộ để làm văn phòng sẽ hạn chế nguồn cung, khiến cho giá thuê có thể bị đẩy lên cao; tốn kém chi phí cho thời gian và kinh phí đi lại, dẫn đến sản xuất kinh doanh không hiệu quả.

Theo luật sư Quynh, việc sử dụng căn hộ làm văn phòng, nơi sản xuất kinh doanh đã có các quy định khác của pháp luật, của chính bản thân cộng đồng dân cư ấy điều chỉnh. Ví dụ như đã là nhà chung cư, có dân sinh sống thì anh không thể lấy căn hộ ấy làm nơi sản xuất.

Gây khó cho người nghèo

Ông Nguyễn Văn Thịnh, giám đốc công ty Trường Thịnh, ngụ tại quận 9 cho biết, việc doanh nghiệp đi thuê hoặc mua căn hộ hiện nay tại TP.HCM là rất phổ biến, đặc biệt là những công ty hoạt động với quy mô nhỏ, nhân viên chỉ có 5 – 7 người. Do vậy, nếu bộ Xây dựng cho triển khai quy định này sẽ vô tình gây khó khăn cho cả doanh nghiệp đi thuê và chủ đầu tư các toà nhà.

Ông Thịnh đề xuất, các cơ quan chức năng nên phân loại, dạng văn phòng, dịch vụ kinh doanh nào không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người xung quanh thì cho tồn tại; chỉ nên cấm những văn phòng, những dịch vụ kinh doanh sản xuất lớn, ồn ào…

Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, nhiều hộ dân tại các chung cư đang sử dụng căn hộ của mình để làm tiệm tạp hoá, quán càphê, tiệm gội đầu… đều cho rằng quy định trên của bộ Xây dựng ảnh hưởng nặng tới đời sống kinh doanh. Khá nhiều số người trong diện bị thu hồi đất chuyển đến tái định cư của các chung cư chỉ trông chờ vào việc buôn bán lặt vặt này để sống qua ngày. Bà Nguyễn Thị Lệ Hà, bán tạp hoá tại chung cư Đông Sài Gòn, quận 9 cho biết, nếu bây giờ cấm không cho buôn bán tại nhà thì kinh tế gia đình bà sẽ rất khó khăn.

Một cán bộ trong ngành xây dựng tại TP.HCM cũng cho rằng, nếu sử dụng làm văn phòng ở nơi ít người qua lại, không gây ảnh hưởng hay tiếng ồn gì cả thì không cần thiết bắt đóng cửa. Với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây mất trật tự trị an, mất ổn định cuộc sống bình thường của người dân, dứt khoát phải đưa ra ngoài nhà chung cư. Song nếu sản xuất, kinh doanh nhỏ, chủ yếu phục vụ tại chỗ và được người dân đồng tình và thấy có lợi thì cũng không nhất thiết phải cấm.

Theo ông, chính quyền địa phương phải tuyên truyền, vận động, giúp người dân và ban quản lý toà nhà phân biệt được trường hợp nào làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng của những chủ sở hữu bất động sản liền kề để xử phạt đối với những hành vi đó. Nếu xử phạt vẫn không đủ sức răn đe, thì khi ấy đóng cửa vẫn chưa muộn.

V. Nguyên

source

http://www.sgtt.com.vn/Detail5.aspx?ColumnId=5&newsid=63415&fld=HTMG/2010/0225/63415

Monday 22 February 2010

Đặt văn phòng tại chung cư: Bộ bảo cấm, dân bảo nên!

Thứ Bảy, 20/02/2010, 19:48

Kiểm tra việc dùng căn hộ chung cư làm cơ sở kinh doanh

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị báo cáo tình hình sử dụng căn hộ nhà chung cư làm cơ sở sản xuất, kinh doanh, văn phòng.

>> Dời văn phòng khỏi chung cư theo lộ trình
>> Nhà chung cư không được làm văn phòng
>> Hàng ngàn căn hộ đã cho thuê làm văn phòng: sẽ xử lý thế nào?

Theo Bộ Xây dựng, trước mắt, cần rà soát số căn hộ chung cư đang được sử dụng làm văn phòng, sau đó phân loại - Ảnh: H.TR.

Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội phản ánh tình trạng sử dụng căn hộ nhà chung cư làm cơ sở sản xuất, kinh doanh, văn phòng, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong nhà chung cư.

Bộ đã từng có công văn đề nghị một số địa phương có nhiều nhà chung cư lập kế hoạch, lộ trình phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương để chấn chỉnh kịp thời, đặc biệt liên quan đến việc phòng, chống cháy nổ. Đối với nhà có mục đích sử dụng hỗn hợp có thể tách riêng văn phòng với khu ở thì bố trí và quản lý văn phòng như đối với công trình kinh doanh, dịch vụ.

Từ nay đến ngày 30-3, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương kiểm tra, thống kê việc sử dụng căn hộ chung cư làm cơ sở sản xuất, kinh doanh, văn phòng để có phương án giải quyết phù hợp.

Theo Hà Nội Mới

source

http://diaoc.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=364437&ChannelID=204

- Trong khi Bộ Xây dựng cho rằng việc đặt văn phòng trong các khu chung cư sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng - cần tách bạch ra, thì người dân qua thực tế lại bảo chẳng có gì xáo trộn.

PV VietNamNet đã tìm gặp một số trưởng, phó ban quản trị các khu chung cư trên địa bàn TP Hà Nội để tìm hiểu về vấn đề này.

Ông Trần Kim Ngọc, phía sau là chung cư An Sinh. (Ảnh: Cao Minh)
Ông Trần Kim Ngọc, phía sau là chung cư An Sinh.
(Ảnh: Cao Minh)

Ông Trần Kim Ngọc - Trưởng ban Quản trị chung cư An Sinh (thị trấn Cầu Diễn, TP Hà Nội) cho biết, hiện nay tại chung cư này có trên 10 văn phòng các công ty đang hoạt động, vào thời gian cao điểm con số này là 16.

Ông Ngọc cho rằng, đối với các văn phòng “bàn giấy” đơn thuần hầu như không có vấn đề gì xảy ra, nhưng trong trường hợp các công ty lấy tiếng thuê văn phòng rồi lại biến thành kho hàng thì khu dân cư không chấp nhận.

Vị trưởng ban Quản trị lấy ví dụ: ngay tại chung cư An Sinh đã từng có công ty thuê văn phòng để chứa… hoá chất. Hoảng vì nguy cơ hoả hoạn có thể xảy ra, ban quản trị nơi đây đã phải can thiệp.

Tuy nhiên, ông Ngọc lại đánh giá cao mặt tích cực của sự hiện diện các văn phòng công ty trong khu dân cư: Trong trường hợp cần gây quĩ: từ thiện, an ninh, môi trường… khu dân cư có thể yêu cầu các công ty đóng góp, thường là họ đóng nhanh và nhiều hơn so với các hộ gia đình. Đặc biệt, đối với các công ty chuyên về thiết kế, nội thất, tư vấn luật… thì khá thuận tiện cho bà con sống trong chung cư khi có việc.

Mô tả ảnh.
Chung cư C6 (Ảnh: Cao Minh)
Còn ông Vũ Đức Quyển, Trưởng ban Quản trị chung cư C6 Mỹ Đình I (Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: Hiện không ai cấm việc sử dụng nhà riêng làm văn phòng, chung cư cũng là nhà riêng khi người dân có quyền sở hữu căn hộ. Nhà đất thổ cư hay căn hộ chung cư đều giống nhau ở khía cạnh này, vì vậy không có ngoại lệ cho căn hộ chung cư.

Nhà mặt phố hiện nay tại Hà Nội rất phổ biến hình thức cho công ty thuê tầng 1,2; còn gia chủ vẫn sinh sống bình thường ở các tầng trên. Các lô nhà cũng san sát nhau, nếu xét về mặt không gian thậm chí còn thua chung cư.

Điều quan trọng nhất là ngoài các qui định chung, thì mỗi chung cư của Hà Nội hiện nay đều có các nguyên tắc riêng của mình, được ban quản trị họp bàn thông qua dân đề ra, và tất cả các hộ sống trong khu chung cư đó đều phải tuân theo.

Tuy nhiên, theo ông Quyển, những nguyên tắc này đều để đảm bảo kỷ luật sinh hoạt cộng đồng, an toàn cho người dân. Như vậy các công ty khi đến thuê văn phòng tại các khu chung cư phải tuân thủ ít nhất 2 loại qui định.

Ông Quyển khẳng định, từ khi 2 khối nhà 1-2 của chung cư C6 được đưa vào sử dụng đến nay (trên 2 năm), các công ty có thuê văn phòng tại đây chưa hề gây ra một sự phiền hà, rắc rối nổi cộm nào cho người dân.

Về khía cạnh cần tách bạch giữa khối nhà ở và văn phòng, theo ông Quyển hiện nay khối nhà văn phòng quá thiếu, hơn nữa khi xây dựng xong giá thành bán hoặc cho thuê quá cao. Trong khi đó, Hà Nội còn rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, không phải đơn vị nào cũng có thể đủ nguồn lực tài chính để mua đứt, bán đoạn.

Mô tả ảnh.
Chung cư 17T10. (Ảnh: Cao Minh)
Chung cư 17T10 Trung Hoà - Nhân Chính thuộc diện tái định cư, nhưng do nằm trong điểm nóng về văn phòng cho thuê của Hà Nội nên lúc cao điểm có tới 40 công ty tìm đến đây để thuê văn phòng. Ông Phạm Đình Thái - Phó ban Quản trị chung cư này cho hay, hiện vẫn có khoảng 30 công ty đang thuê văn phòng hoạt động.

“Những văn phòng công ty tại đây thường chỉ có từ 5-7 nhân viên làm việc nên hầu như không gây xáo trộn gì cho khu dân cư”- ông Thái phân tích- “Thậm chí việc cho thuê văn phòng là nguồn sống chính cho một số hộ dân tại đây”.

Giống như ông Vũ Đức Quyển, ông Thái cũng nhấn mạnh đến vai trò của ban quản trị và tổ dân phố tại các chung cư, nếu thực sự mạnh thì có thể giám sát, quản lý tốt các công ty đóng tại toà nhà.

Ông Thái cũng không cho rằng, các nhân viên công ty sẽ chiếm mất chỗ gửi xe của người dân (vốn rất chật hẹp tại các khu chung cư), bởi khi một hộ gia đình đã cho thuê thì họ lại chuyển đi ở nơi khác.

“Thực ra hoạt động của các công ty cũng không có gì ghê gớm, gây ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. Thậm chí, nếu như xảy ra hoả hoạn thì chính nhân viên các công ty mới là người đầu tiên có mặt tại toà nhà để tham gia chữa cháy, còn các hộ, hầu như ban ngày con cái trưởng thành đều đi làm hết, ở nhà chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ" - ông Thái nói.

Ngay tại tầng 3 khu chung cư 17T10 - Trung Hoà Nhân Chính, chúng tôi đã tìm được một văn phòng công ty đặt tại đây. Vị giám đốc (không muốn nêu tên) cho biết: Đây chính là căn hộ anh đã mua, tuy nhiên gia đình có nơi ở khác nên lấy đây làm văn phòng. Căn hộ này rộng trên 80m2, được thiết kế 3 phòng, có tổng cộng khoảng 6 nhân viên làm việc.

“Tại sao nếu nhà đất thổ cư tôi được sử dụng làm văn phòng, thì căn hộ cũng đứng tên tôi lại không?”- Vị giám đốc này đặt câu hỏi - “Trong khi đó nếu phải đi thuê ở những khu văn phòng thì giá cao ít nhất gấp 3 lần tại đây. Đối với doanh nghiệp chúng tôi thì việc tiết kiệm chi phí là cực kỳ quan trọng, nhất là chi phí thuê văn phòng”.

Bộ muốn tách bạch văn phòng - nhà ở

Theo Công văn số 2544/BXD-QLN của Bộ Xây dựng về thực hiện các quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư thì hiện nay, một số căn hộ nhà chung cư được chủ sở hữu chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở sang làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh là trái với mục đích sử dụng, không đảm bảo an toàn.

Với số lượng người chỉ nhỉnh hơn hoặc bằng một hộ gia đình- liệu những nhân viên văn phòng có gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng? (Ảnh minh hoạ)
Với số lượng người chỉ nhỉnh hơn hoặc bằng một hộ gia đình - liệu những nhân viên văn phòng có gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng? (Ảnh minh hoạ)
Việc sử dụng văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh xen lẫn với nhà ở gây xáo trộn, mất trật tự và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của các hộ dân sống ở các nhà chung cư. Vì thế, chính quyền địa phương cần kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư dự án, các hộ dân sống trong nhà chung cư làm tốt công tác quản lý sử dụng nhà chung cư, đảm bảo quyền lợi của cả chủ đầu tư và các hộ dân.

Trường hợp nhà nhiều tầng có mục đích sử dụng hỗn hợp mà có thể tách riêng các văn phòng với khu ở thì cần bố trí và quản lý các văn phòng như đối với công trình kinh doanh, dịch vụ. Trường hợp văn phòng không đảm bảo điều kiện làm việc theo quy định thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Công văn này còn nhắc tới công tác phòng chống cháy nổ trong nhà chung cư: cần phải được các địa phương quan tâm đặc biệt thông qua việc kiểm tra định kỳ, hướng dẫn cho các chủ đầu tư, người dân sống trong các khu nhà chung cư chủ động phòng cháy, chữa cháy tại chỗ. Các nhà chung cư cần được thiết kế và bố trí đầy đủ những trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo tiêu chuẩn.

Các cán bộ, công nhân trực tiếp và gián tiếp tham gia quản lý vận hành nhà chung cư đều phải được tập huấn và tham gia diễn tập định kỳ công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu nhà chung cư…

  • Đỗ Minh
  • source
  • Cập nhật lúc 07:25, Chủ Nhật, 29/11/2009 (GMT+7)
  • http://www.vietnamnet.vn/xahoi/200911/Dat-van-phong-tai-chung-cu-Bo-bao-cam-dan-bao-nen-881388/

Wednesday 3 February 2010

Tiền bán 1m2 đất không mua được một ký thịt


Ngày 03.02.2010 Giờ 13:50

Vĩnh Long


SGTT - Đất thổ cư được bồi thường 45.000 đồng/m2, đất vườn 27.000 đồng/m2… Theo những người dân bị thu hồi đất để làm tuyến công nghiệp Cổ Chiên ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, số tiền đó không mua được một ký thịt heo.

Ông Dương Hồng Sơn bên con rạch vừa là đường vận chuyển nguyên liệu sản xuất, vừa là nguồn nước của cả xóm, nay đã bị bơm cát san lấp

Ông Dương Hồng Sơn, chủ ba miệng lò nung gốm, là một trong số 35 hộ ở ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức (Long Hồ) bị chính quyền Vĩnh Long thu hồi đất đai, nhà cửa, lò gốm để xây dựng tuyến công nghiệp Cổ Chiên. Gia đình ông vốn làm nghề gạch, gốm từ năm 1982, doanh thu hàng năm hơn một tỉ đồng, trị giá cơ ngơi sản xuất khoảng trên ba tỉ đồng, nhưng tổng số tiền được bồi thường (tính luôn vườn cây ăn trái, ao cá) chỉ có 2,6 tỉ đồng. “Với số tiền này đi chỗ khác mua đất, tui chỉ xây được một miệng lò là hết vốn, nên chúng tôi không ai chịu nhận tiền”, ông Sơn cho biết.

Đất rẻ như bèo

Những người bị thu hồi đất nói, họ sẵn lòng chấp hành chủ trương lấy đất xây dựng khu công nghiệp của tỉnh nếu họ được đền bù thoả đáng để có đủ điều kiện tái định cư, khôi phục sản xuất. Trong khi đó, chủ lò Thái Văn Hí cho chúng tôi xem bảng tính tiền đền bù đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật kiến trúc do hội đồng đền bù giải toả tỉnh Vĩnh Long ban hành: đất thổ cư 45.000 đồng/m2, đất vườn 27.000 đồng/m2 (trợ cấp thêm 13.500 đồng/m2), đất ruộng 23.000 đồng/m2 (trợ cấp thêm 11.500 đồng/m2), nhà ở cao nhất 518.000 đồng/m2, thấp nhất 285.750 đồng/m2. Ông Hí nói: “Giá đất theo thị trường hơn 400.000 đồng/m2 đất ruộng, đất vườn hơn 500.000 đồng/m2 mà UBND tỉnh chỉ bồi thường cho chúng tôi với giá rẻ như bèo, tiền bồi thường một mét vuông đất mua không được một ký thịt heo thì làm sao chúng tôi chấp nhận”.

Trong khi đó chủ lò Hồ Minh Châu cho biết UBND tỉnh chi trả cho việc phá dỡ, di dời lò gạch gốm chưa đến 75 triệu đồng một miệng lò, trong khi xây mới một lò nung tốn không dưới 200 triệu đồng, chưa tính tiền mua đất lấy mặt bằng xây lò.

Theo những tài liệu mà chúng tôi có được, từ tháng 4.2004, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định thu hồi hơn 300.000m2 đất ở xã Thanh Đức huyện Long Hồ để xây dựng tuyến công nghiệp Cổ Chiên (khu 4), nhưng cho đến nay vẫn không giải toả được vì người dân đòi được đền bù thoả đáng và UBND tỉnh phải ra quyết định thu hồi đất cho từng hộ gia đình. Sự việc nhùng nhằng suốt nhiều năm, đến trung tuần tháng 10.2009 UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành thông báo số 79 cho rằng “giá trị bồi hoàn đã hợp lý” và “huyện Long Hồ không ra quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân là đúng pháp luật”. Giải thích trên không được người dân đồng tình nên họ cương quyết không nhận tiền bồi thường và không giao đất.

Lò nung bị cô lập

Suốt nhiều năm, do bị quy hoạch treo nên những chủ lò gạch, gốm, ở ấp Sơn Đông bỏ hoang ruộng vườn, lò nung hoạt động cầm chừng. Hai năm gần đây do khủng hoảng kinh tế, nghề gốm ở Thanh Đức suy sụp. Cuối năm 2009, nhiều chủ lò ký được hợp đồng giao hàng cho năm 2010. Tuy nhiên, mới đầu năm 1.2010, các lò nung bị cô lập khi UBND huyện Long Hồ cho người kéo đường ống bơm cát san lấp ruộng, vườn, đường nước của người dân.

Chủ lò Thái Văn Hí gương mặt hằn sâu nét âu lo, nói: “Mấy năm gần đây nghề gốm suy sụp, nay chúng tôi mới ký được hợp đồng giao hàng, UBND huyện Long Hồ và tỉnh Vĩnh Long cho bơm cát san lấp đất đai và sắp tới sẽ lấp cả lò nung để đuổi chúng tôi đi. Không sản xuất được, phải bồi thường hợp đồng là sạt nghiệp”.

Chủ lò Dương Hồng Sơn cùng tâm trạng: “Ngày 15.3 tới tui phải giao lô hàng gốm mỹ nghệ đầu tiên của năm 2010 cho khách, nhưng mấy bữa nay chẳng làm ăn gì được. Năm nay tui ký được hợp đồng trị giá hơn 860 triệu đồng, nhưng sắp tới phải bỏ lò chạy… cát, sản xuất đình đốn, không có hàng giao, khó tránh khỏi chuyện bồi thường cho khách”.

bài và ảnh Hùng Anh

source

http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=62782&fld=HTMG/2010/0202/62782