Monday 29 November 2010

Thu hồi hơn 20 tỷ đồng của bảo hiểm Bảo Việt


29/11/2010 | 14:12

Thu hồi hơn 20 tỷ đồng của bảo hiểm Bảo Việt

Kết thúc quá trình thanh tra Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bảo Việt thu hồi hơn 20 tỷ đồng từ các đơn vị, nộp về tài khoản tạm giữ chờ xử lý của cơ quan thanh tra.

Kết thúc quá trình thanh tra Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phát hiện nhiều thiếu sót, khuyết điểm trong công tác đầu tư xây dựng, đầu tư tài chính, thực hiện bồi thường bảo hiểm...

Theo đó, TTCP kiến nghị lãnh đạo tập đoàn Bảo Việt chỉ đạo họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời những bất cập, có hình thức xử lý đối với các tập thể cá nhân liên quan đến thiếu sót, khuyết điểm; yêu cầu Bảo Việt thu hồi hơn 20 tỷ đồng từ các đơn vị, nộp về tài khoản tạm giữ chờ xử lý của cơ quan thanh tra.

Nhiều sai sót trong hoạt động bảo hiểm

Giao dịch tại sàn chứng khoán Bảo Việt.

Qua thanh tra cho thấy, Tập đoàn Bảo Việt cùng các đơn vị thành viên mắc những sai sót trong cho vay, ủy thác cho vay và cả hoạt động bảo hiểm.

TTCP đánh giá, Tổng Cty Bảo hiểm Việt Nam và các đơn vị đã thiếu chặt chẽ trong quản lý tài sản đảm bảo khoản vay nợ, chậm thực hiện các biện pháp để thu hồi nợ vay, khiến nhiều khoản nợ rơi vào tình trạng "thả gà ra đuổi" như khoản nợ 4,6 tỷ đồng (gồm cả lãi) cho Cty TNHH Dòng Sông Xanh vay từ năm 1999, nay phải khởi kiện ra tòa; khoản tiền 3 triệu USD ủy thác cho Cty TNHH Đèn hình Orion Hanel vay, đến nay vẫn còn hơn 2 triệu USD chưa đòi được, trong khi Cty này đã nộp đơn xin phá sản.

Kiểm tra xác suất một số hồ sơ bồi thường bảo hiểm tại một số Cty bảo hiểm trực thuộc Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt cho thấy, nhiều hồ sơ được bồi thường trái nguyên tắc.

Đơn cử: Kiểm tra 11 hồ sơ bồi thường bảo hiểm hàng hóa cho Cty Thương mại XNK Thanh Lễ (Bình Dương) và 2 hồ sơ bảo hiểm hàng hóa cho Cty TNHH Vedan Việt Nam (Đồng Nai) phát hiện có việc sửa đổi bổ sung đơn bảo hiểm về tên tàu vận chuyển, số vận đơn, số lượng hàng, giá cả được thực hiện khi việc bốc dỡ lên tàu đã hoàn thành.

Hoặc Cty Bảo Minh còn cấp đơn bảo hiểm cho Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh sau ngày xảy ra tổn thất, phí bảo hiểm đơn vị mua còn chưa nộp.

Ngoài những sai sót trên, TTCP còn yêu cầu Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Việt và các đơn vị thành viên chấn chỉnh ngay những khuyết điểm khác về thủ tục, trình tự thực hiện bồi thường bảo hiểm...

680 tỷ đồng đầu tư... mắc cạn

Qua kiểm tra hoạt động đầu tư tài chính, TTCP phát hiện, từ năm 2007 – 2009, Tập đoàn Bảo Việt và các đơn vị thành viên mua 680 tỷ đồng trái phiếu của Tập đoàn Vinashin (bao gồm cả số trái phiếu Cty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt mua theo ủy thác của quỹ BVF1). Trong đó, giá trị mệnh giá trái phiếu đáo hạn trong các năm 2012, 2013 là 200 tỷ đồng; trái phiếu đáo hạn trong năm 2017 là 480 tỷ đồng. Tuy nhiên, loại trái phiếu của Vinashin mà Bảo Việt cùng các đơn vị thành viên đã đầu tư là trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm.

Cơ quan chức năng nhận định, ngay khi đầu tư 160 tỷ đồng vào trái phiếu của Vinashin phát hành tháng 12-2008, các phòng ban chuyên môn của Bảo Việt và các đơn vị thành viên đã không nắm đầy đủ thông tin về thực trạng hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Việc đầu tư trong tình trạng thiếu thông tin đã khiến một số tiền lớn của Bảo Việt và các Cty con mắc kẹt tại đây.

Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư tài chính của Bảo Việt vào một số Cty, quỹ đầu tư đều không có kết quả tốt do các đơn vị này bị thua lỗ. Cụ thể: Tại thời điểm 31-12-2009, Cty CP Chứng khoán Bảo Việt lỗ lũy kế hơn 122,2 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Việt Long lỗ 112,8 tỷ đồng; Quỹ đầu tư chứng khoán Bảo Việt chỉ còn 95,2% giá trị đơn vị quỹ so với khi mới thành lập.

Ngoài ra, TTCP cũng chỉ ra việc kém hiệu quả trong hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, bất động sản, vui chơi giải trí của Bảo Việt.

Theo TPO
source
http://danviet.vn/23003p1c25/thu-hoi-hon-20-ty-dong-cua-bao-hiem-bao-viet.htm

Friday 26 November 2010

Rau ngoại “đè” rau nội


Rau ngoại “đè” rau nội

(Dân Việt) - Thuế nhập khẩu 0%, các "hàng rào” khác như kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… gần như bỏ rơi mặc cho dòng lũ rau ngoại tràn vào nhấn chìm rau của người nông dân Việt Nam.

Chưa vụ nào mà người dân trồng rau ngoại thành Hà Nội lại thê thảm như vụ đông năm nay. Cánh đồng rau thôn Do Hạ, huyện Mê Linh - một trong những vựa rau của Thủ đô nay thưa thớt người chăm bón.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, người đã 20 năm sống bằng nghề trồng rau ở đây cho biết: Trồng rau bây giờ phải "lách" rau Trung Quốc, mã đẹp, giá rẻ bằng 2/3 rau ta, theo sao nổi. Bên cạnh ruộng rau nhà chị Hoa, bãi đất rộng hàng mấy hecta đang hoang hóa, trâu bò thong dong gặm cỏ. Hầu hết dân trồng rau đã bỏ lên thành phố kiếm việc làm.

Vụ đông này, thị phần rau ngoại lại tăng thêm vài phần, các chợ rau đầu mối như Vân Nội, Mai Dịch, Long Biên dù trái vụ hay trúng vụ vẫn chất đống rau ngoại đẹp mã, rẻ tiền.

Một phần cánh đồng rau của thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, Mê Linh, Hà Nội giờ để trống cho trâu ăn cỏ.
Cụ bà Nguyễn Thị Bảy, 70 tuổi, thôn Do Hạ đang nhặt từng mớ cải xanh bán chạy bữa hàng ngày, giá 1.000 đồng/mớ.
Khoai tây nhập khẩu tại chợ rau Dịch Vọng.
Bắp cải nhập khẩu chất đống tại chợ Long Biên.
Chị Nguyễn Thu Hiền - công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, mua củ cải "ngoại" vì rẻ.
Chị Phạm Thị Vân ở xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm thức khuya dậy sớm với ruộng rau cũng chỉ kiếm được 50.000 đồng/ngày.
Loanh quanh từ 3 giờ sáng, người phụ nữ này cố bán nốt mấy mớ rau muống tại chợ Dịch Vọng. Không chừng rồi tới đây rổ rau muống này cũng bị rau ngoại đánh bại.

Tuesday 23 November 2010

Ðấu giá lấy tiền cứu lụt, bị lừa


Ðấu giá lấy tiền cứu lụt, bị lừa
Tuesday, November 23, 2010



SÀI GÒN (TH) -
“12 ngày sau khi công bố bức tranh đá quý, viên rubi nặng 10 kg, chiếc trống đồng, được nhiều nhà hảo tâm chịu mua với giá hàng chục tỷ đồng ủng hộ (nạn nhân lũ lụt) miền Trung, chiều 23 tháng 12, Hội Chữ Thập Ðỏ thành phố Sài Gòn cho biết họ đã bị lừa.”

Viên đá ruby khổng lồ được đấu giá lên tới 11 tỷ đồng. (Hình: VNX)

Bản tin VNExpress ngày Thứ Ba cho hay như vậy và kể tiếp rằng “Bộ Tứ Linh (Long-Ly-Quy-Phụng) - tác phẩm nhận giải xuất sắc tại triển lãm sinh vật cảnh cao cấp toàn quốc trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - có giá đấu khởi điểm là 40 tỷ đồng, chỉ sau vài phút số tiền cho linh vật này tăng dần từ 42 lên 45 rồi dừng lại ở con số 47.9 tỷ đồng. Người thắng cuộc để sở hữu tác phẩm nghệ thuật này là đại diện của công ty gốm sứ Bảo Long.

Các vật phẩm quý khác gồm chiếc trống đồng kỷ vật 1000 năm Thăng Long được một người xưng tên Lương Ðức Hải trả mua với giá thu về 12 tỷ đồng; bức tranh đá quý có chữ ký của khoảng 80 thí sinh Miss Earth một người tên Thanh Bình trả mua mức giá 3 tỷ đồng và viên đá rubi khổng lồ được người tên Phát xưng là đại diện công ty Bình Ðiền, Long An mua giá 11 tỷ đồng...”

Tuy nhiên khi Hội Chữ Thập Ðỏ liên lạc để nhận tiền thì “người mua bức tranh đá quý và trống đồng đều không bắt máy. Ðại diện công ty Bình Ðiền thì cho rằng không có cá nhân nào tên đó tham gia đấu giá,” chủ tịch Hội Chữ Thập Ðỏ Sài Gòn là Nguyễn Thị Huệ nói.

Trống đồng cũng được đồng ý mua giá 12 tỷ đồng. (Hình: VNX)

Trên danh nghĩa, cuộc đấu giá thu được từ đêm đấu giá là 74 tỷ đồng mà Hội Chữ thập Ðỏ thành phố “chỉ thu được hơn 1 tỷ đồng (bao gồm số tiền 1 tỷ đồng ủng hộ của Bảo Long, 100 triệu đồng của công ty TNHH một thành viên dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất và vài triệu đồng của các cá nhân).”

Bà Huệ cho hay hội của bà đã bị lừa nhiều lần trong các cuộc quyên góp từ thiện nhưng đây là vụ lừa nặng nhất.

source

Nguoi-Viet Online

Thursday 18 November 2010

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình: Tôi không chơi đồ cổ, chỉ con tôi chơi


Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình: Tôi không chơi đồ cổ, chỉ con tôi chơi

(Dân Việt) - Trao đổi với phóng viên NTNN chiều 16-11, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đinh Văn Hùng cho rằng, ông không sở hữu đôi lọ lục bình và chiếc trống đồng 2.000 năm tuổi.

Chiều 16-11, phóng viên NTNN có mặt tại trụ sở Tỉnh ủy Ninh Bình. Phòng Bí thư Tỉnh ủy vẫn sáng đèn nhưng những nhân viên ở đây cho biết, ông Đinh Văn Hùng hiện không còn làm việc tại cơ quan mà đã về nghỉ tại nhà riêng.

Bào tàng Võ Hằng Gia đóng cửa dù ngoài cửa có rất nhiều ô tô đỗ và trong đại sảnh nhộn nhịp người đi lại

Đi qua một số tuyến phố đông đúc của TP. Ninh Bình, tôi thấy người dân đang chuyền tay nhau những tờ báo NTNN số ra ngày 16-11, có đăng bài viết đầu tiên trong loạt bài "Hồ sơ về Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình".

Nhà riêng Bí thư là một ngôi nhà 3 tầng, nằm trên mặt đường Trần Hưng Đạo. Sau nhiều lần bấm chuông, một người phụ nữ trạc 50 tuổi ra mở cửa. Khi nghe chúng tôi giới thiệu là nhà báo, người phụ nữ ngập ngừng cho biết, ông Hùng không có nhà.

Tôi không sở hữu 2 món đồ cổ đó. 2 cổ vật này các anh nên làm việc với Công an Hà Nội để làm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tôi cũng không chơi đồ cổ mà chỉ có con cái tôi chơi.


Ông Đinh Văn Hùng

Chỉ chiếc xe ô tô 4 chỗ biển 80B đậu trước cửa nhà, chúng tôi đề nghị chị báo lại nội dung báo NTNN muốn trao đổi với ông Hùng. Ít phút sau, ông Hùng xuất hiện với khuôn mặt và dáng vẻ mệt mỏi.

Vị Bí thư tỉnh nói: "Thực sự bây giờ tôi không muốn tham gia gì vào việc này nữa. Bây giờ tôi nói sẽ không khách quan, các anh nên tìm hỏi chỗ các cơ quan liên quan thì hay hơn".

Về đôi lục bình bị mất trộm trong nhà thờ xứ Hà Hồi và chiếc trống đồng 2.000 năm tuổi, ông Hùng khẳng định:

"Tôi không sở hữu 2 món đồ cổ đó. 2 cổ vật này các anh nên làm việc với Công an Hà Nội để làm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tôi cũng không chơi đồ cổ mà chỉ có con cái tôi chơi. Tôi không tham gia vào việc này. Bây giờ tôi nói thì thành nói đi nói lại không hay, tôi rất ngại và không muốn lên diễn đàn. Có những việc quan trọng hơn mà tôi còn chẳng thanh minh nữa là chuyện này".

Về hình thức kỷ luật mà Ban Chấp hành T.Ư Đảng vừa ra thông báo, ông Hùng nói: Bây giờ có nói cũng không giải quyết được gì cả, chỉ là “mang gậy chống trời”.

Hiện mới chỉ có thông báo chung về quyết định kỷ luật cảnh cáo chứ chưa có quyết định riêng về việc tôi nghỉ công tác và thôi chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.

(Còn nữa)

Wednesday 10 November 2010

Cô gái “bí mật” với ông Cù Huy Hà Vũ khởi kiện


TP.HCM:
Cô gái “bí mật” với ông Cù Huy Hà Vũ khởi kiện
,

- Sáng 10/11, bà Hồ Lê Như Quỳnh (SN 1974, ngụ Q.6, TP.HCM) – người bị tạm giữ cùng ông Cù Huy Hà Vũ tại khách sạn Mạch Lâm, số 28, đường số 10, P.11, Q.6 vào rạng sáng 5/11 – đã có đơn mời Luật sư Trần Đình Triển. Được biết, những nội dung mà bà Quỳnh mời luật sư Triển vào cuộc là: tư vấn làm việc với các cơ quan chức năng, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện 1 tờ báo tại TP.HCM đăng sai sự thật, xúc phạm danh dự nhân phẩm của bà Quỳnh trong vụ có liên quan đến ông Cù Huy Hà Vũ. Để chuyển đến bạn đọc thông tin nhiều chiều và từ nhiều phía khác nhau, VietNamNet xin giới thiệu những thông tin liên quan đến vụ việc này.

Trao đổi với VietNamNet khi vừa có mặt tại TP.HCM, Luật sư Trần Đình Triển cho biết, trong buổi làm việc sáng 10/11 với ông Triển, bà Quỳnh đã cung cấp nhiều thông tin xung quanh việc bà này bị bắt giữ cùng ông Cù Huy Hà Vũ (Tiến sĩ luật, ngụ tại số 24 phố Điện Biên Phủ, Q.Ba Đình, TP. Hà Nội).

Được biết, bà Hồ Lê Như Quỳnh hiện hành nghề tư vấn kinh doanh bất động sản. Trước đây, bà Quỳnh đã có thời gian là nhân viên giúp việc cho một số văn phòng luật sư tại TP.HCM. Trong thời gian này, bà Quỳnh đã gặp, quen biết với ông Cù Huy Hà Vũ – mà bà Quỳnh cho rằng “tình cảm giữa ông Vũ và bà như là một người anh, người bạn thân thiết".

d
Bà Hồ Lê Như Quỳnh trong buổi làm việc với luật sư Trần đình Triển sáng 10/11. Ảnh: Đ.Đ

Theo trình bày của bà Quỳnh với luật sư Triển, trưa 4/11, bà ra sân bay đón ông Cù Huy Hà Vũ đến TP.HCM. Sau đó 2 người đi ăn cơm và dẫn ông Vũ đi mua một số đồ như: áo quần, giày dép, trang sức… mà bà Quỳnh cho biết đó là “anh Vũ mua để tặng vợ (tức luật sư Nguyễn Thị Dương Hà – P.V)”.

Khoảng hơn 20h cùng ngày, 2 người về đến khách sạn. Tại đây, 2 người đã trao đổi, tranh cãi về việc bà Quỳnh nhờ ông Vũ tư vấn một vụ kiện tranh chấp đất đai của một người thân bà Quỳnh.

Sau đó, đến khoảng 0h rạng sáng 5/11 thì lực lượng công an ập vào khách sạn để kiểm tra hành chính. Lúc này bà Quỳnh vẫn mặc đầy đủ trang phục, còn ông Vũ tình trạng… không mặc áo.

d
Đơn mời luật sư của bà Hồ Lê Như Quỳnh. Ảnh: Đ.Đ
Lý giải về vấn đề này, bà Quỳnh cho biết: “Do tôi không chịu được lạnh nên đã tắt điều hòa. Anh Vũ bị nóng nên cởi áo ra”.

Ngay sau đó, bà Quỳnh đã ký vào biên bản vi phạm hành chính do lực lượng công an xác lập và bị tạm giữ tại công an P.11, Q.6 đến trưa 5/11. Người phụ nữ này kể thêm: “Sau đó vụ việc được Cơ quan An ninh Điều tra - Bộ Công an thụ lý. Tôi bị tam giam, tạm giữ đến ngày 8/11; đồng thời nhà tôi cũng bị khám xét”.

Được biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhiều tờ báo đã đăng thông tin về vụ việc nói trên. Tuy nhiên, sáng 10/11, bà Quỳnh đã có đơn mời luật sư Trần Đình Triển vào cuộc để khởi kiện dân sự một tờ báo có trụ sở tại Q.1, TP.HCM, vì bà cho rằng tờ báo này đã xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của bà.

Trả lời VietNamNet vì sao đã là luật sư bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ nhưng nay lại tiếp tục bảo vệ quyền lợi cho bà Hồ Lê Như Quỳnh, Luật sư Trần Đình Triển cho biết: “Việc đó là đúng quy định pháp luật. Vì giữa ông Vũ và bà Quỳnh không có quyền lợi mâu thuẫn. Đồng thời, tôi bảo vệ cho ông Vũ là trong vụ án hình sự; còn bà Quỳnh là trong vụ kiện dân sự”.

  • Đ.Đ
  • source
  • http://www.vietnamnet.vn/xahoi/201011/Co-gai-bi-mat-voi-ong-Cu-Huy-Ha-Vu-khoi-kien-946937/

Tuesday 2 November 2010

Thủy điện xả lũ, hạ lưu căng thẳng


Thứ Tư, 03/11/2010, 07:08 (GMT+7)

Thủy điện xả lũ, hạ lưu căng thẳng

* Hàng ngàn dân sơ tán * 10 người chết và mất tích * Sạt lở đèo, cả trăm người bị kẹt * Đưa trực thăng đến Ninh Thuận cứu dân

TT - “Nếu cứ tự xả lũ với lưu lượng lớn thế này, hạ du có vấn đề gì, các anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm!” - ông Nguyễn Bá Lộc, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã bức xúc nói như vậy.

Thủy điện Sông Ba Hạ uy hiếp hạ lưu

“Nếu cứ tự xả lũ với lưu lượng lớn thế này, hạ du có vấn đề gì, các anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm!” - ông Nguyễn Bá Lộc, phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh Phú Yên, đã bức xúc nói như vậy tại cuộc họp với lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ trưa 2-11.

Đường tỉnh và đường liên xã ở Phú Yên bị chia cắt vì lũ, người dân phải mạo hiểm vượt lũ về nhà - Ảnh: NGUYỄN AN BANG

Sáng 2-11, khi đang kiểm tra tình hình xả lũ tại thủy điện Sông Hinh, ông Nguyễn Bá Lộc nhận được điện báo của lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ về việc thủy điện này phải xả lũ. Ông Lộc chỉ đồng ý cho thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 3.500-4.000m3/giây. Tuy nhiên, đầu giờ chiều cùng ngày, khi đến thủy điện này kiểm tra, ông Lộc mới hay thủy điện Sông Ba Hạ đã “đổ” lũ về hạ du với mức 5.700 m3/giây và dự kiến sẽ xả đến mức 7.000m3/giây!

Cuộc làm việc giữa phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và lãnh đạo Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ vì vậy khá căng thẳng. Ông Nguyễn Đắc Phú, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết: “Trưa 2-11, mực nước tại hồ thủy điện Sông Ba Hạ đạt cao trình 104,7m (thấp hơn mực nước thiết kế 0,3m). Nguyên nhân thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng nhanh và lớn như vậy là do thủy điện Krông H’năng ở bậc trên của hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 2.000m3/giây. Việc xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ là đúng quy trình”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Lộc cho rằng việc xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ không có sự phối hợp với kế hoạch của địa phương, lưu lượng xả lũ của hồ này quá lớn. Đến 14g ngày 2-11, UBND tỉnh cũng như Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên chưa nhận được bất cứ một báo cáo hay kế hoạch nào về việc xả lũ của hồ thủy điện Sông Ba Hạ.

Việc quyết định xả lũ với lưu lượng lớn của ban giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Sông Ba Hạ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với vùng hạ du, UBND tỉnh Phú Yên sẽ có văn bản kiến nghị vấn đề này lên Tập đoàn Điện lực VN và Ban chỉ huy PCLB-TKCN trung ương...

Chiều 2-11, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng hơn 5.700m3/giây - Ảnh: NGọC CHUNG

Hàng ngàn dân sơ tán

Theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, đến chiều 2-11 các hồ thủy điện tiếp tục xả lũ với lưu lượng ngày càng tăng. Tổng lưu lượng xả lũ cả ba hồ thủy điện Sông Hinh, Krông H’năng và Sông Ba Hạ khoảng 8.300m3/giây làm mực nước các sông lên nhanh. Trong ngày 2-11, lượng mưa ở Phú Yên rất lớn, phổ biển trong khoảng 225-551mm. Theo thông báo lũ khẩn cấp của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Phú Yên, lúc 14g30 cùng ngày, trong 12-24 giờ tính từ thời điểm trên, tất cả các sông ở Phú Yên đều đạt và vượt mức báo động 3, trong đó có ba sông là Kỳ Lộ, Bàn Thạch và sông Ba vượt báo động 3 từ 1-2m.

10 người chết và mất tích

Đến 19g ngày 2-11, theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Khánh Hòa, toàn tỉnh đã phát hiện năm người chết và một người mất tích, di dời 840 hộ dân (2.928 nhân khẩu); 481 nhà bị ngập, 114 nhà bị hư hỏng; hơn 1.000ha lúa, hoa màu và hơn 100ha thủy sản bị ngập. Do lượng mưa lớn trong nhiều ngày liên tục, hiện hầu hết các hồ chứa nước trong toàn tỉnh Khánh Hòa đều đang xả lũ.

Cũng theo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên, tính đến chiều tối 2-11, có thêm hai người chết và một người mất tích vì lũ, nâng tổng số người chết và mất tích tại tỉnh này lên bốn người.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, lũ các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai trong ngày 2-11 đang lên nhanh, các sông ở Ninh Thuận đang xuống chậm nhưng còn ở mức cao. Trong đêm 2-11, mực nước phần lớn các sông từ Bình Định đến Khánh Hòa có khả năng đạt và vượt mức báo động 3.

Các sông ở Quảng Nam và Gia Lai lên mức báo động 2, có nơi trên báo động 2. Tình trạng ngập lụt ở tỉnh Ninh Thuận giảm dần nhưng các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng, đồng bằng hạ lưu các sông, suối.

* Ngày 2-11, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện khẩn gửi các bộ, ngành và các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Gia Lai, Kon Tum chủ động đối phó, triển khai các biện pháp phòng chống lũ.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận huy động mọi lực lượng, phương tiện thực hiện việc sơ tán dân.

Đến chiều tối 2-11, nhiều vùng ở hạ du sông Ba thuộc các huyện Đông Hòa, Phú Hòa và đến 21g30 TP Tuy Hòa đã ngập trong nước lũ, có nơi ngập đến 1m. Huyện Phú Hòa đã tổ chức sơ tán 622 hộ với 2.260 dân khỏi vùng ngập lụt. Huyện Đông Hòa có kế hoạch sơ tán 523 người dân ở năm vùng trũng thấp ven sông Ba là các thôn Phú Lễ, Phước Lộc 1, Phước Lộc 2, Phước Bình Bắc và Lộc Đông của xã Hòa Thành. TP Tuy Hòa di dời hàng trăm hộ dân các phường 1, 3, 4, 6, Phú Đông, Phú Thạnh, Phú Lâm cư trú dọc sông Đà Rằng...

Ở phía bắc tỉnh Phú Yên, các huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu đều bị lũ chia cắt, cô lập nhiều vùng. Ba địa phương này đã sơ tán 321 hộ với gần 1.200 dân. Riêng huyện miền núi Đồng Xuân từ lúc 4g30 sáng 2-11 đã bị lũ cô lập hoàn toàn với các vùng khác vì đường tỉnh 641 nối quốc lộ 1A đến huyện này chìm trong lũ, nhiều đoạn ngập 1-1,5m, người dân phải leo lên đường sắt để đi. Ở thị xã Sông Cầu, 87 hộ dân sống ven sông Bình Bá đã phải sơ tán đến nơi khác vì lũ làm sông sạt lở, ăn sâu vào đất liền gần 20m...

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, vào lúc 7g ngày 1-11, hồ chứa Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) có dung tích 2,4 triệu m3 bị vỡ ngang thân đập sâu 4m, dài khoảng 30m (khi vỡ mực nước hồ còn dưới mực nước thiết kế, hồ đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa bàn giao). Các hồ có cửa tràn: Suối Dầu, Am Chúa, Láng Nhớt (Khánh Hòa); Tân Giang, Sông Châu, Sông Sắt (Ninh Thuận); Lòng Sông (Bình Thuận) đang xả lũ theo quy trình, vẫn an toàn. Tuy nhiên, nhiều hồ mực nước đã vượt qua đỉnh tràn từ 20-120cm đang tràn tự do về hạ du.

Bình Định: lũ ngày càng dâng cao

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định xuất hiện mưa lớn, lượng mưa đo được từ 113-258mm. Mưa lớn cộng với nước từ đầu nguồn đổ về nên nước lũ dâng lên rất nhanh, sáng 2-11 nước lũ đã làm cô lập nhiều địa phương.

Các xã khu đông: Phước Hòa, Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Sơn (Tuy Phước), Cát Tiến, Cát Chánh, Cát Thắng (Phù Cát), phường Nhơn Phú, Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) bị ngập sâu 0,5-1m. Tuyến đường tỉnh 640 từ thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đến các xã khu đông đã có nhiều đoạn đường ngập sâu, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, phải dùng thuyền để đi lại.

Ông Nguyễn Văn Thiện, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết trước diễn biến bất thường của cơn lũ, tỉnh đã huy động mọi lực lượng trực sẵn sàng 24/24 giờ để chủ động ứng cứu kịp thời người dân ở những vùng bị ngập sâu trong lũ đến nơi an toàn.

Đưa trực thăng ra Ninh Thuận cứu 57 người dân bị cô lập

Đây là yêu cầu của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải trong buổi làm việc tại Ninh Thuận vào chiều 2-11 trước thông tin 57 người dân bị kẹt tại cù lao Phú Thọ (TP Phan Rang - Tháp Chàm) và thôn Hòa Thạnh (An Hải, Ninh Phước) vẫn chưa được giải cứu vì canô không thể vào do nước xoáy.

Phó thủ tướng yêu cầu trung đoàn không quân 937 đóng tại Ninh Thuận, trong hôm nay (3-11) chọn lựa thời điểm thời tiết tốt nhất cho cất cánh ngay máy bay trực thăng để đưa dân vào nơi an toàn. Phó thủ tướng cũng yêu cầu điều thêm trực thăng từ TP.HCM ra trực sẵn tại sân bay Cam Ranh để sẵn sàng ứng cứu các tỉnh miền Trung vì trong các ngày tới lũ có thể dâng cao.

Cũng tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lưu ý cao trình của các đập thủy lợi và thủy điện đang “lỗi thời” so với mưa lũ. Điển hình là lượng mưa trung bình của Ninh Thuận chỉ 600mm/năm nhưng riêng Phan Rang trong ba ngày qua đã mưa tới 860mm. Phó thủ tướng yêu cầu trước mắt gia cố các hồ đập đã có để bảo đảm an toàn, sau đó phải có một mức chống lũ mới trong các công trình thủy lợi xây sau.

Sạt lở đèo, cả trăm người bị kẹt

Tin từ Sở GTVT Lâm Đồng chiều 2-11 cho biết hiện tuyến đường 723 nối Nha Trang - Đà Lạt đang bị sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Hòn Giao thuộc địa phận Khánh Vĩnh, Khánh Hòa làm hơn 15 ôtô các loại với trên 100 người bị mắc kẹt giữa đèo Hòn Giao từ sáng 1-11.

Đây là đoạn đường đèo nằm trên độ cao 500m so với mặt biển, giáp ranh giữa khu vực K’Long K’Lanh, tỉnh Lâm Đồng và Khánh Lê, tỉnh Khánh Hòa, cách TP Đà Lạt chừng 60km, có nhiều khúc cua nên ôtô rất khó xoay trở để quay lại. Do bị đói và lạnh nên nhiều người phải đi bộ băng qua những đoạn sạt lở về hướng Khánh Lê tìm thức ăn và nước uống.

Một số lái xe đang bị kẹt giữa đèo cho biết hiện lực lượng cứu hộ của tỉnh Khánh Hòa đã tiếp cận được người dân bị kẹt giữa đèo nhưng cho biết là rất khó khăn vì cần phải nổ mìn phá đá và dọn dẹp trong khoảng 2-3 ngày nữa mới thông xe được. Trong khi đó ông Trương Hữu Hiệp, giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng, đã đích thân đến hiện trường chỉ đạo lực lượng cứu hộ của tỉnh Lâm Đồng tìm cách thông đường, để sớm đưa xe và người quay về Đà Lạt.

Hiện các hãng xe Phương Trang và Mai Linh cũng đang tạm ngưng lưu thông tuyến Đà Lạt đến các tỉnh miền Trung và ngược lại vì hiện đường 723 đang bị ách tắc, còn quốc lộ 27A vẫn chưa thông suốt hoàn toàn, không bảo đảm an toàn cho hành khách.

NHÓM PV TUỔI TRẺ

source

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/409013/Thuy-dien-xa-lu-ha-luu-cang-thang.html