Tuesday 10 January 2012

Mâu thuẫn dẫn đến nổ súng chống đối ở Hải Phòng


Mâu thuẫn dẫn đến nổ súng chống đối ở Hải Phòng

Cho rằng bị UBND huyện Tiên Lãng "bội ước", một số người trong gia đình ông Vươn tuyên bố sẽ phản kháng. Sự chống đối sau đó khiến vụ việc ngày 5/1 trở thành tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế tại Hải Phòng với 6 cảnh sát, bộ đội bị bắn trọng thương.
> 'Vụ nổ súng ở Hải Phòng ly kì hơn phim hành động'/ Cận cảnh vụ cố thủ trong nhà, bắn trọng thương 4 cảnh sát

Hơn 20 năm trước, cống Rộc, vùng đất ven sông cửa biển thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phong vẫn còn hoang hóa. Theo người dân địa phương, mỗi mùa mưa bão đến, sóng biển thường xuyên đánh vỡ tuyến đê đất, gây ngập lụt.

Khu đất nhà ông Vươn. Ảnh: Hà Anh

Với bằng đại học nông nghiệp, năm 1992 ông Đoàn Văn Vươn đã về đây xin khai khẩn đất hoang. Năm 1993 UBND huyện Tiên Lãng có quyết định giao đất tại vùng ven biển xã Vinh Quang cho hàng chục hộ có nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản, thời gian dưới 20 năm. Gia đình ông Vươn được nhận 20 ha.

Sau khi nhận đất, các hộ dân đã đào đắp đất đá, lấn biển, trồng rừng chắn sóng che chắn cho đê... Hàng chục ha đất bãi bồi ven biển hình thành, trở thành các đầm thủy sản. Nhiều bậc cao niên tại xã Vinh Quang cho biết, hộ ông Vươn là những người đầu tiên đấu thầu nuôi trồng thủy sản. Gia đình này sống hòa đồng với hàng xóm, chủ đầm Vươn được hàng xóm đánh giá là hiền lành, chẳng mất lòng ai.

Khi cuộc sống của các hộ dân bắt đầu ổn định thì từ năm 2004 đến 2007, UBND huyện Tiên Lãng đã ra các quyết định thu hồi gần 100 ha đầm nuôi trồng thủy sản của các hộ dân do “hết thời hạn giao đất”. Nhiều chủ đầm đã kiến nghị với các cấp, đề nghị UBND huyện Tiên Lãng giao đất nuôi trồng thủy sản có thời hạn tối thiểu 20 năm như Luật Đất đai.

Cuộc chiến pháp lý giữa UBND huyện Tiên Lãng và các chủ đầm bắt đầu. UBND huyện Tiên Lãng tiếp tục ra văn bản cương quyết thực hiện việc thu hồi đất, trong khi ông Vũ Văn Luân, Đoàn Văn Vươn khởi kiện các quyết định thu hồi đất của UBND huyện ra tòa án cùng cấp. Sau khi bị TAND huyện bác bỏ cuối năm 2009, ông Vươn và ông Luân tiếp tục kháng cáo lên cấp thành phố

Bước ngoặt của vụ kiện xảy ra khi các chủ đầm và chính quyền địa phương đồng ý ký vào “Biên bản tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án” do ông Ngô Văn Anh, thẩm phán TAND Hải Phòng lập, ký đóng dấu. Theo biên bản trên, đại diện UBND huyện Tiên Lãng đã thỏa thuận: "Nếu nguyên đơn rút đơn kháng cáo, UBND huyện sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê đất để nuôi trồng thủy sản".

Ngay sau khi các chủ đầm rút đơn kháng cáo, ngày 20/4/2010 thẩm phán Ngô Văn Anh đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, bản án hành chính sơ thẩm của TAND huyện có hiệu lực. Tuy nhiên, thay vì thực hiện thỏa thuận "tạo điều kiện để người dân được tiếp tục thuê đất", UBND huyện Tiên Lãng đã liên tục ra công văn, hối thúc việc thu hồi đất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Luân - người cùng khởi kiện quyết định của UBND huyện Tiên Lãng như ông Vươn, cũng là người nhận được quyết định cưỡng chế thu hồi đất cùng ngày với ông Vươn - bức xúc: “UBND huyện Tiên Lãng đã bội ước với tôi. Sau thỏa thuận ở TAND Hải Phòng, tôi rất tin tưởng chính quyền huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục giao mảnh đất mà chúng tôi đã gắn bó. Nào ngờ họ đã bội ước, thỏa thuận đặt bút ký vào rồi mà về địa phương thì họ bảo cứ phải giao đất rồi mới giải quyết sau”.

Sau 4 tiếng giằng co, 12h trưa ngày 5/1, các lực lượng mới tiếp cận được ngôi nhà. Lúc này, Vươn cùng người thân đã kịp bỏ trốn, ngôi nhà trống không.
Sau 4 tiếng giằng co, 12h trưa ngày 5/1, các lực lượng mới tiếp cận được ngôi nhà của Đoàn Văn Vươn. Ảnh: Báo Hải Phòng.

Cho rằng đã bị UBND huyện Tiên Lãng bội ước, các hộ dân không chấp hành. Khi thông báo cưỡng chế được phát đi, một số người dân nằm trong diện phải thu hồi đất đã thể hiện tinh thần không chấp thuận bằng những tuyên bố sẽ có phản kháng.

Và ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. 4 cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng.

Hai trung đội cảnh sát đặc nhiệm cùng nhiều lực lượng cảnh sát bảo vệ được điều xuống Tiên Lãng tăng cường. Giám đốc, 4 phó giám đốc CA thành phố Hải Phòng trực tiếp có mặt hiện trường. Tuy nhiên, khi cảnh sát tiếp cận ngôi nhà, những người nổ súng đã biến mất.

Ngay sau đó ông Đoàn Văn Vươn (52 tuổi) đã bị bắt giữ. Chiều 7/1, ông Đào Văn Quý (46 tuổi), em trai ông Vươn, được công an xác định là nghi can nổ súng - đã trình diện.

7 người liên quan hiện đã bị bắt giữ, 2 người đang bị truy bắt. Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca thừa nhận, đã không lường được hết tính chất phức tạp của vụ cưỡng chế.

Trao đổi với VnExpress về tính pháp lý trong quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành từ chối bình luận. "Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm đã có kết luận cụ thể về vấn đề này rồi", ông Thành nói.

Bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND Hải Phòng cho biết, sẽ yêu cầu thẩm phán Ngô Văn Anh, người đã lập và ký "Biên bản tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án" giải trình vụ việc.

Luật tố tụng hành chính không có điều luật nào cho phép trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, thẩm phán được phép lập “biên bản thỏa thuận”. Nếu căn cứ vào biên bản thỏa thuận này để “vận động” nguyên đơn rút đơn kháng cáo, đi đến việc ra quyết đình đình chỉ giải quyết vụ án là vi phạm thủ tục tố tụng hành chính.

Xuân Hoa

source

http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2012/01/mau-thuan-dan-den-no-sung-chong-doi-o-hai-phong/

Thursday 5 January 2012

'Thu phí lưu hành xe là đổ gánh nặng cho dân'


'Thu phí lưu hành xe là đổ gánh nặng cho dân'

Trước việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí lưu hành xe máy 500.000-1 triệu đồng và ôtô 20-50 triệu mỗi năm, các chuyên gia cho rằng việc này không hiệu quả mà chỉ thêm gánh nặng cho người dân.

Ngày 30/12/2011, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Theo đó, cả ôtô và xe máy đều phải đóng thêm một loại phí gọi là "phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ". Ôtô tùy theo dung tích xilanh sẽ phải đóng thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất 50 triệu đồng mỗi năm. Với môtô, xe máy tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) phải đóng 500.000 đồng cho xe có dung tích dưới 175 cm3 và 1 triệu đồng cho xe có dung tích lớn hơn.

Ngoài thu phí lưu hành, Bộ cũng đề xuất thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm (buổi sáng là từ 6h đến 8h30, buổi chiều từ 16h đến 19h hằng ngày, trừ ngày nghỉ, ngày lễ), trong đó miễn thu phí với xe công và xe buýt. Việc thu phí áp dụng tại khu vực nội đô thành phố, thu qua các trạm thu phí ở chiều vào với mức dự kiến là 30.000 đồng một lượt xe ôtô đến 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại ôtô còn lại. Khu vực thu và mức thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định.

ịlty
Các chuyên gia cho rằng, việc thu phí chỉ có thể tăng nguồn thu chứ không thể hạn chế được sự gia tăng của các loại phương tiện cá nhân...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP HCM, trước hết phải đặt câu hỏi đề xuất thu phí "lưu hành phương tiện giao thông đường bộ" với mục đích gì? Nếu để hạn chế xe cá nhân và giảm ùn tắc giao thông thì không thực tiễn bởi hiện nay tình trạng kẹt xe do rất nhiều nguyên nhân chứ không chỉ vì gia tăng các loại phương tiện.

Theo ông Phúc, nếu chỉ để hạn chế xe cá nhân thì không hiệu quả. "Đa số người dân có thói quen thích đi xe riêng hơn xe công cộng. Nếu thu 1 triệu đồng mỗi năm, tức là mỗi tháng khoảng 80.000 đồng thì tôi nghĩ 99,9% người dân sẵn sàng đóng để được đi xe của mình", ông Phúc nhận định.

Còn việc chỉ thu phí ôtô cá nhân vào nội đô mà không thu tiền xe công là sai luật và bất bình đẳng. Hơn nữa, người sử dụng ôtô là người giàu nên vào trung tâm phải đóng 30.000-50.000 đồng không là gì đối với họ. Họ sẽ vẫn đi xe ôtô chứ không sử dụng phương tiện công cộng. "Như thế Nhà nước chỉ thu được nhiều tiền nhưng không thể đạt được mục tiêu hạn chế xe cá nhân", ông Phúc phân tích.

Cùng quan điểm, luật sư Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP HCM cho rằng, việc thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân và giảm kẹt xe trong thời điểm này là không hợp lý vì tình trạng kẹt xe còn do đường sá chật hẹp, ý thức người tham gia giao thông...

"Người dân đã phải chịu quá nhiều loại phí trong khi giá cả mọi thứ đều tăng cao. Giờ phải đóng thêm phí lưu hành thì chẳng khác nào tăng gánh nặng cho họ", ông Đằng bức xúc.

...và dù có thu phí, việc ùn tắc giao thông cũng không thể thuyên giảm. Ảnh: H.C.

Cũng theo ông Đằng, giao thông công cộng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân mà cứ muốn hạn chế phương tiện cá nhân là không đúng. "Bộ GTVT thu phí như vậy chẳng khác nào đẩy khó khăn của ngành sang cho người dân gánh hộ. Đó không phải là một giải pháp hay, không thể giảm phương tiện cá nhân và kẹt xe", ông Đằng đánh giá.

Còn tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC) cho rằng, với đặc thù của các đô thị Việt Nam hiện nay nếu chỉ đơn thuần đánh thêm phí lưu hành và phí lưu thông giờ cao điểm thì không thể giảm được xe cá nhân. Đó là loại phương tiện đi lại và làm ăn hiệu quả nhất của người dân. Do vậy có thu phí cũng không cản trở nhu cầu này, mà chỉ là một điều kiện để người dân lựa chọn phương tiện đi lại.

Trong khi đó, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM nhận định, nhà nước thu phí cao chưa chắc người dân từ bỏ phương tiện cá nhân. Họ không có lựa chọn nào khác bởi xe buýt không đáp ứng đủ nhu cầu mà tàu điện ngầm thì còn lâu mới có.

Hữu Công

source

http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/01/thu-phi-luu-hanh-xe-la-do-ganh-nang-cho-dan/