Wednesday 23 November 2011

Giá bất động sản sẽ còn giảm thêm


Thứ Tư, 23/11/2011, 18:53

Giá bất động sản sẽ còn giảm thêm

TTO - Giá nhà đất tại thị trường Việt Nam năm 2011 đã giảm mạnh 20-30%, nhiều công ty đã phải bán căn hộ giá rẻ để trả nợ vay ngân hàng. Tuy nhiên động thái giảm giá ở những dự án căn hộ cao cấp thời gian tới có thể còn thấp hơn.

Đó là nhận định của ông Marc Townsend, giám đốc điều hành Công ty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, tại hội thảo quốc tế "Khủng hoảng tín dụng: Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đi về đâu?" do Hãng luật DFDL Mekong phối hợp Công ty TNHH tư vấn bất động sản CBRE và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức sáng 23-11 tại TP.HCM.

>> Thị trường căn hộ: Kêu lỗ nhưng vẫn lời
>> Gán nợ cho ngân hàng
>> Bán rẻ căn hộ để trả nợ

Nhiều dự án căn hộ cao cấp đã phải giảm xuống còn 20 USD/m2 nhưng người đi thuê vẫn còn muốn thương lượng lại giá - Ảnh: H.NHỰT

Giảm chưa sát giá

Ở phân khúc văn phòng cho thuê, ông Marc Townsend cho rằng nhiều dự án cao cấp đã phải giảm xuống còn 20 USD/m2 nhưng người đi thuê vẫn còn muốn thương lượng lại. Hiện điều mà khách thuê văn phòng quan tâm nhất là giá cạnh tranh, và đây cũng là thời điểm nhiều công ty có cơ hội dời văn phòng từ những khu vực vùng ven như Q.7, Tân Bình... về các quận trung tâm thành phố.

Để duy trì và lôi kéo khách thuê, các chủ đầu tư cần duy tu lại các tòa nhà hiện có, gia tăng thêm giá trị tiện ích cho toàn tòa nhà như nâng cấp tầng hầm, trang trí lại văn phòng, tiết kiệm năng lượng và cần tìm cơ hội để đàm phán lại giá cho thuê...

CBRE Việt Nam dự báo thị trường bất động sản 2012 ở tất cả các phân khúc vẫn tiếp tục ảm đạm. Riêng phân khúc bất động sản phục vụ lĩnh vực giáo dục, trường mầm non quốc tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp và dịch vụ ăn uống vẫn làm ăn tốt.

Tương tự, theo ông Michael Kokalari - trưởng bộ phận nghiên cứu thông tin Công ty chứng khoán Kimeng, qua tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ các quốc gia Mỹ, Nhật và khu vực châu Âu cho thấy các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất hành vi tiêu dùng của tầng lớp trung lưu trẻ ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Cụ thể trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư Nhật, Mỹ đã mua lại cổ phần của các công ty công nghiệp tiêu dùng của Việt Nam như Masan, Hương Thủy... vì nhìn thấy được tiềm năng phát triển ở lĩnh vực này chứ không hẳn là bất động sản.

Ông Michael Kokalari nhận định giá bất động sản tại thị trường Việt Nam tuy đã giảm 20-30% như công bố của Công ty PVL thời gian qua nhưng vẫn chưa giảm tới mức giá cân bằng của nó. Nhiều công ty lớn gặp khó khăn về thanh khoản, nợ ngân hàng nhưng cũng không đến nỗi tuyệt vọng, vì nợ tăng là điều bình thường trong giai đoạn khủng hoảng.

Nhiều thay đổi tích cực

Ông David Trần, phó chủ tịch kiêm giám đốc Hiệp hội Đầu tư bất động sản khu vực châu Á tại Mỹ (AREAA), cho rằng khi thị trường mất thanh khoản, các chủ đầu tư cần tìm đến những nguồn tiền bên ngoài ngân hàng, và kiều hối sẽ là lối thoát cho các dự án bất động sản. Ông nói nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường pháp lý, giảm bớt những rào cản về luật hợp đồng, pháp luật thuế cho nhà đầu tư nước ngoài... sẽ đón nhận một lượng kiều hối khá lớn từ hơn 4,5 triệu kiều bào ở nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản.

Trong khi đó, bà Tạ Châu, giám đốc nhóm bất động sản Công ty tư vấn thuế và luật DFDL Mekong, rất hào hứng với những thay đổi pháp lý của Việt Nam trong năm 2012.

Theo bà Châu, việc Bộ Tài chính đề xuất mở Quỹ tín thác bất động sản (REITs), nếu được vận hành tốt sẽ tạo ra một thay đổi mạnh cho thị trường bất động sản trong những năm tới. Thông qua REITs, tạo cơ chế thoái vốn cho nhà đầu tư một cách dễ dàng khi cần thiết rút vốn. Nhóm các chuyên gia kinh tế, luật pháp cũng đã đề xuất 16 thay đổi trong lĩnh vực pháp luật, trong đó có Luật đất đai, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp sẽ tạo tính tích cực về pháp lý cho Việt Nam trong 5 năm tới.

Bà Châu cho rằng thị trường bất động sản trong năm 2012 phụ thuộc vào các quyết sách của Chính phủ. Nếu Chính phủ tiếp tục có những quyết sách hạn chế giao dịch mua bán vàng, trong khi kênh đầu tư chứng khoán khá lình xình trong thời gian dài thì thị trường bất động sản sẽ là kênh tăng trưởng mạnh nhất. Cùng với đó, những dự án nhà thu nhập thấp đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân vẫn phát triển ổn định.

H.NHỰT

source

http://diaoc.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=466383&ChannelID=204

Sunday 20 November 2011

Tai họa liên tiếp giáng xuống “đầu“ giới địa ốc“



Khi tên tuổi của doanh nghiệp "gắn" với quá nhiều những điều không hay thì có lẽ người đứng đầu của doanh nghiệp đó hiểu hơn ai hết "số phận" của doanh nghiệp đó
Đang phải thở ô xi, lại lãnh thêm những cú “trời giáng”, doanh nghiệp địa ốc quả thực sức tàn lực kiệt.

Khách hàng tính một đằng, chủ đầu tư tính một nẻo

Cty CP Quốc Cường Gia Lai - Cty mẹ của Cty Nhà Quốc Cường (chủ đầu tư chung cư Quốc Cường Gia Lai 1) – vừa phải giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tranh chấp ở chung cư Quốc Cường Gia Lai 1.

Trước đó, do Cty này chậm giao nhà, khách hàng đã kiện yêu cầu DN này phải giải quyết vấn đề liên quan đến chất lượng nhà ở và thanh toán lãi phạt do không bàn giao nhà đúng cam kết. Theo giải trình của Cty Quốc Cường Gia Lai, công ty có phần trách nhiệm trong việc chậm bàn giao nhà, nhưng là do những lý do khách quan, bất khả kháng. Dự án không thể xây dựng đúng tiến độ vì chỉ có ¾ lượng khách hàng nộp tiền đúng tiến độ.

“Có một điều rất bất cập là nếu khách hàng nộp chậm thì tính lãi theo số tiền nộp thiếu, nếu công ty giao nhà chậm thì công ty phải chịu lãi cho khách hàng trên toàn bộ số tiền khách hàng đã góp. Công ty thu tiền của khách hàng góp theo tiến độ từng lần 5% tổng giá trị hợp đồng/mỗi đợt cách nhau 45 ngày và công ty đã sử dụng số tiền này để xây dựng công trình, công ty không dùng tiền để kinh doanh thì không lấy khoản nào để trả lãi cho khách hàng” – DN này giải trình.

Một lý do khác là giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến nhưng khách hàng lại không đồng ý tăng giá hợp đồng nên buộc công ty phải cho ngưng thi công một thời gian chờ giá nguyên vật liệu giảm xuống. Cuối cùng, giá nguyên vật liệu không giảm, và DN chậm bàn giao nhà, nhưng theo Cty Quốc Cường Gia Lai, trường hợp này được xem là bất khả kháng.

Đến nay, Cty Nhà Quốc Cường đang đối mặt với vụ kiện đã được Tòa án thụ lý. DN và khách hàng không tìm được tiếng nói chung, vì thế, Cty Nhà Quốc Cường trông mong vào “Tòa án phán xét công bằng”.

Không được đấu thầu vì… lỗi của người khác

Cty CP bêtông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai vừa bị UBND tỉnh Quảng Ninh cấm tham gia dự đấu thầu bất kỳ gói thầu, dự án nào thuộc nguồn vốn ngân sách do UBND tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, với lý do DN này cùng với nhà thầu liên danh nhận gói thầu trị giá hơn 161 tỷ đồng để làm đường ven biển, nhưng trong quá trình thực hiện, do năng lực yếu kém, hai nhà thầu trên đã không đảm bảo tiến độ, gây ảnh hưởng xấu đến dự án, vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu.

Liên quan đến “lệnh cấm” này, Cty Vinaconex Xuân Mai cho hay, liên danh Cty CP Xây dựng số 9 Thăng Long (là đơn vị đứng đầu liên danh) và Vinaconex Xuân Mai đã ký hợp đồng thi công tại "Dự án tuyến đường bao biển Lán Bè - Cột Đồng Hồ đấu nối với đường bao biển núi Bài Thơ (giai đoạn I) và mặt bẳng công viên văn hóa Hạ Long, TP Hạ Long", trong đó, Vinaconex Xuân Mai thực hiện công việc sản xuất và cung cấp cọc bê tông cốt thép dự ứng lực đến chân công trình, có trị giá 45,8 tỷ đồng (tương đương 28% tổng giá trị hợp đồng). Vinaconex Xuân Mai đã hoàn thành 100% khối tượng công việc đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Như vậy, do đơn vị đứng đầu Liên danh không thực hiện hoàn thành phần việc đã được phân chia trong gói thầu trên theo đúng tiến độ chủ đầu tư yêu cầu làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của tỉnh Quảng Ninh, nên Vinaconex Xuân Mai bị “vạ lây”.

Quốc Cường Gia Lai và Vinaconex Xuân Mai chỉ là một trong số các DN BĐS đang phải đối mặt với khó đơn khó kép trong bối cảnh thị trường BĐS ảm đạm, nhưng những cái khó đó có thể là “giọt nước tràn ly” tác động tới sức chống đỡ của DN trong lúc này.

Theo Bách Nguyễn

ĐTCK

source

http://land.cafef.vn/20111118115016956CA43/tai-hoa-lien-tiep-giang-xuong-dau-gioi-dia-oc.chn

Wednesday 16 November 2011

Vụ Vinashin và 21 công ty con bị kiện tại Anh


Vụ Vinashin và 21 công ty con bị kiện tại Anh

“Vinashin vay thì Vinashin phải tự trả”

SGTT.VN - Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị chiều ngày 14.11 bên hành lang Quốc hội xung quanh vụ việc này, phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay: vụ kiện liên quan đến khoản tiền Vinashin tự đi vay và không có bảo lãnh của Chính phủ, vì vậy “Vinashin phải lo, Vinashin tự vay thì Vinashin phải tự trả thôi”.

Theo phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: vụ kiện liên quan đến khoản tiền Vinashin tự đi vay và không có bảo lãnh của Chính phủ. Ảnh: Phan Quang

Dẫu vậy, khi được hỏi nếu vụ kiện không chỉ có Vinashin là bị đơn duy nhất mà trong trường hợp có cả công ty con đã di chuyển sang tập đoàn khác thì sao, ông Vũ Văn Ninh nói rằng “cần phải xem xét cụ thể nội dung kiện là gì” và theo ông, “việc này Vinashin phải xem xét, đồng thời xem xét lại tất cả pháp luật có liên quan, và Vinashin đang lập phương án xử lý”.

Ngày 15.11, bên lề hội thảo khoa học “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước” do học viện Tài chính tổ chức, ông Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết theo thông tin mà ông có được, thì công ty Elliott VIN của Hà Lan đâm đơn kiện Vinashin là chủ nợ của khoảng 9% trong số khoản nợ nước ngoài 600 triệu USD của Vinashin, và công ty này mua lại trên thị trường mua bán nợ thứ cấp chứ không phải là chủ nợ đầu tiên.

“Dù họ kiện chỉ 9% khoản nợ nói trên, tức khoảng 54 – 60 triệu USD nhưng nếu kiện thì khả năng họ sẽ thắng và sức lan toả của vụ kiện sẽ rất lớn, nó sẽ làm cho chỉ số tín nhiệm về nợ của Chính phủ ta giảm xuống, sẽ khó đi vay trên thị trường tín dụng quốc tế hoặc đi vay được nhưng sẽ chịu lãi suất cao, ví như đáng ra ta chỉ phát hành trái phiếu hay vay với lãi suất 8% thì nay phải chịu lãi 12%”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, bản chất vụ việc không chỉ dừng lại ở số tiền thua kiện mà có thể “vì cái nhỏ sẽ mất cái lớn hơn” nếu một khi vụ kiện xảy ra, cho nên, “dù đây là khoản tiền không có bảo lãnh của Chính phủ, nghĩa là Chính phủ không phải trả thay, nhưng Chính phủ phải bằng cách này hay cách khác, ví dụ cho Vinashin tạm ứng (vay) để trả nợ. Song, khi đó, Chính phủ phải công khai, minh bạch cho Quốc hội và nhân dân được biết”.

Ông Thành nhận định thêm: về bản chất, có thể công ty Elliott VIN vẫn muốn đàm phán, vì thực chất đã có đàm phán rồi, song họ không chấp nhận được cái giá cũ.

Ngoài ra, ông Thành còn cho biết, có thể có cách đàm phán gián tiếp khác thông qua một chủ nợ khác, chủ nợ mới này sẽ mua lại khoản nợ trên và chúng ta đàm phán với chủ nợ mới bằng một số điều kiện.

Trung Đức

source

http://sgtt.vn/Goc-nhin/155755/%E2%80%9CVinashin-vay-thi-Vinashin-phai-tu-tra%E2%80%9D.html

Wednesday 2 November 2011

Nhạc sĩ Hà Dũng bị kiện đòi nợ 1,3 triệu USD


Thứ năm, 3/11/2011, 01:00 GMT+7

Nhạc sĩ Hà Dũng bị kiện đòi nợ 1,3 triệu USD

Bảo lãnh món nợ hơn 1,3 triệu USD cho công ty Hàng không Đông Dương nhưng ông Hà Hùng Dũng (nhạc sĩ Hà Dũng) không thực hiện nên bị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hoãn xuất cảnh từ nhiều tháng nay.

TAND TP HCM vừa xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại về "hợp đồng tín dụng" trị giá hơn 1,3 triệu USD giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, có trụ sở tại quận 3) và công ty Cổ phần Hàng không Đông Dương (Indochina Airline).

Theo đơn khởi kiện, tháng 10/2008, ACB ký kết hợp đồng tín dụng với công ty Đông Dương bằng hình thức bảo lãnh. Đến ngày 12/1/2010, Ngân hàng ACB thay công ty này thanh toán cho Ngân hàng Komercni Banka số tiền gần 1,2 triệu USD.

Nhạc sĩ Hà Dũng phái đối mặt với khoản nợ lớn.

Sau đó, khoản nợ này được ghi vào tài khoản của công ty Đông Dương tại ACB với lãi suất 6,5% mỗi tháng và thời hạn trả nợ là ngày 12/4/2010. Ngoài thời hạn thanh toán, lãi suất sẽ tăng lên 9,75%.

Khoản vay trên được công ty Đông Dương đảm bảo bằng hợp đồng thế chấp giấy tờ căn nhà số 80/10 Bà Huyện Thanh Quan (quận 3) do bà Phùng Trịnh Thị Vinh đứng tên (nhưng không được công chứng, không đăng ký giao dịch bảo đảm) và chứng thư bảo lãnh của nhạc sĩ Hà Dũng cam kết trả nợ thay cho công ty.

Ngày 4/9/2010, do công ty Đông Dương không thanh toán tiền nên ACB đã gửi đơn kiện, yêu cầu TAND TP HCM buộc công ty này phải trả toàn bộ cả vốn lẫn lãi là hơn 1,3 triệu USD. Nguyên đơn cũng đề nghị cơ quan xét xử buộc ông Hà Dũng phải chịu trách nhiệm về số nợ trên nếu công ty Đông Dương không có khả năng thanh toán.

Hơn 3 tháng sau, Ngân hàng ACB tiếp tục yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời "ngăn chặn hành vi xuất cảnh đối với ông Hà Dũng" để đảm bảo quyền lợi cho mình. Yêu cầu này đã được cơ quan xét xử chấp thuận và ban hành quyết định "tạm hoãn xuất cảnh" với vị nhạc sĩ vào ngày 16/3.

Theo phán quyết của bản án ngày 26/7, TAND TP HCM đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc công ty Đông Dương phải trả số tiền hơn 1,3 triệu USD cho Ngân hàng ACB. Nếu công ty Đông Dương không còn khả năng thanh toán thì ông Hà Hùng Dũng phải có nghĩa vụ trả thay.

"Duy trì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Hà Hùng Dũng cho đến khi ông Dũng thi hành án xong", bản án nêu.

Ngoài ra, tòa đã bác yêu cầu của Ngân hàng ACB về việc được phát mãi căn nhà của bà Vinh để thu hồi nợ bởi biện pháp bảo đảm bằng Hợp đồng thế chấp bị vô hiệu. ACB phải trả lại giấy tờ căn nhà cho bà Vinh.

Ngay sau đó Ngân hàng ACB đã có đơn kháng cáo đề nghị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM phúc xử theo hướng buộc công ty Đông Dương phải trả toàn bộ số tiền gốc và lãi đến ngày 26/7 là gần 1,4 triệu USD và lãi phát sinh sau đó cho đến khi trả hết nợ. Đồng thời quy trách nhiệm cho bà Vinh về việc Hợp đồng thế chấp tài sản bị vô hiệu.

Trao đổi với VnExpress.net, nhạc sĩ Hà Dũng cho biết đã ủy quyền cho luật sư tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn đầu của vụ án nên không biết TAND TP HCM đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh với ông.

"Tôi không được luật sư cho biết vấn đề này, bản thân cũng không có ý định xuất cảnh nên không quan tâm đến quyết định trên của tòa án. Vấn đề tôi quan tâm bây giờ là làm sao cho công ty của mình có thể hoạt động trở lại", vị nhạc sĩ nói.

Hải Duyên
source
http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2011/11/nhac-si-ha-dung-bi-kien-doi-no-1-3-trieu-usd/

Chính quyền Thái Lan cố biện minh cho ưu tiên cứu trung tâm Bangkok


Chính quyền Thái Lan cố biện minh cho ưu tiên cứu trung tâm Bangkok

Các nạn nhân trận lũ tạm trú tại một trường học, sau khi được sơ tán khỏi nơi ở bị lũ, Bangkok, 1/11/2011
Các nạn nhân trận lũ tạm trú tại một trường học, sau khi được sơ tán khỏi nơi ở bị lũ, Bangkok, 1/11/2011
REUTERS/Bazuki Muhammad

Minh Anh

Hôm nay, 01/11/2011, nhằm xoa dịu cơn giận dữ của những người dân trong các khu phố ngoại ô, vẫn còn đang bị chìm ngập dưới nước, chính quyền Bangkok đã cố sức trấn an. Theo giới lãnh đạo, chính quyền không thể nào đến cứu giúp tất cả những người bị ảnh hưởng thiên tai, trong lúc việc bảo vệ trung tâm thủ đô phải là ưu tiên hàng đầu.

Hàng trăm người dân Thái ở vùng ngoại vi Bangkok đã hết sức tức giận, vì cho rằng chính phủ đã hy sinh họ chỉ để bảo vệ trung tâm thủ đô. Nhiều người trong số này đã tìm cách chọc thủng nhiều đoạn đê bảo vệ trung tâm, gây ô nhiễm một số đường ống dẫn nước sạch. Chính quyền tại Bangkok buộc phải kêu gọi sự giúp đỡ của quân đội để bảo vệ các con đê.

Các trận mưa rào như trút nước từ vùng trung du Thái Lan đã gây ra lũ lớn tràn về thủ đô cuốn theo đất bùn, rác rưởi và gây ô nhiễm nguồn nước. Tuy nhiên, theo ghi nhận của AFP, người dân tại nhiều quận nằm ở phía Bắc thủ đô từ nhiều ngày phải sống chung với nước lũ.

Ngoài việc tài sản đã bị lũ cuốn trôi hết, họ còn phải đối mặt với nạn khan hiếm lương thực, bệnh tật và đôi khi với cả cái chết. Trong khi đó, phía Tây của con sông Chao Phraya, cách thủ đô khoảng 45 phút đường ô tô, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, như không có chuyện gì xảy ra.

Phát ngôn viên của chính quyền thành phố Bangkok giải thích với AFP rằng, do hạn chế về thuyền bè và các phương tiện quân sự, nên chính quyền không thể nào đi đến mọi ngõ ngách để phân phát nước và lương thực ba lần trong ngày. Ông kêu gọi mọi người dân nỗ lực, tìm hiểu rõ những nơi nào cung cấp lương thực để có thể tự đi lấy.

Do lũ lụt tại Thái Lan, hôm qua, 31/10/2011, hãng sản xuất xe hơi Honda của Nhật thông báo kể từ hôm nay 1/11, mức sản xuất của các dây chuyền lắp ráp của sáu nhà máy tại Canada và Mỹ sẽ giảm xuống còn một nửa trong khoảng 10 ngày. Lý do đến từ tình trạng thiếu hụt linh kiện phụ tùng.

source

RFI Vietnamese