Tuesday 29 September 2009

Giá xăng dầu Việt Nam vẫn 'ngược chiều' giá thế giới


- 10 ngày qua kể từ khi Bộ Tài chính quyết định giữ giá xăng dầu, giá xăng thành phẩm tại Singapore đã giảm sâu tới 11%. Vẫn chưa có doanh nghiệp nào đăng ký giảm giá xăng.

Cập nhật lúc 01:06, Thứ Tư, 30/09/2009 (GMT+7)

Trao đổi với VietNamNet hôm 29/9, các công ty đầu mối xăng dầu cho biết, ngày 28/9, tại thị trường Singapore, giá xăng thành phẩm A92 là 66,66USD/thùng, giá dầu diesel 0,25S là 70,43 USD/thùng, dầu diesel 0,5S là 70,78USD/thùng và dầu madut là 408,76USD/tấn.

Mô tả ảnh.
Giá xăng trong nước khó giảm giá nếu tăng thuế và trích Quỹ (ảnh: Phạm Huyền)

So với phiên giao dịch liền kề trước, giá xăng A92 thành phẩm đã giảm 92 cent, giá dầu diesel 0,25S giảm 87 cent, diesel 0,5S giảm 62 cent và madut giảm 2 USD/tấn.

Các doanh nghiệp này cũng đã tính toán, mức giá xăng dầu thành phẩm bình quân 20 ngày qua tính từ ngày 18/9 đến ngày 28/9 là: xăng A92: 74,611USD/thùng, dầu diesel 0,05: 75,511USD/thùng, dầu diesel 0,25S là 75,305USD/thùng và dầu madut: 427,842USD/tấn.

Trung bình giá của 30 ngày qua, kể từ ngày 30/8 đến nay là giá xăng A92: 76,234 USD/thùng, dầu Diesel 0,5S: 76.935USD/thùng, dầu diesel: 0,25S là 76,722USD/thùng và dầu madut: 431,243USD/tấn.

Các doanh nghiệp khẳng định, giá xăng dầu thành phẩm có xu hướng đi xuống rất rõ rệt. Trong đó, mức giá 66,66USD/thùng là mức giá thấp nhất trong vòng 30 ngày qua.

Có thể thấy, chỉ trong 10 ngày qua, sau quyết định giữ giá bán lẻ trong nước của Bộ Tài chính, giá xăng A92 thành phẩm trên thế giới đã giảm mạnh tới 8,97SD/thùng, tương ứng giảm tới 11%.

Dầu diesel 0,5S cũng đã giảm tới 5,28USD, tương ứng giảm 6%, dầu madut giảm tới 21,43USD/thùng, tương ứng giảm tới 4% so với giá 10 ngày trước.

Ngày 30/8, cũng với quyết định tăng giá tới 1.000đồng/lít xăng, Bộ Tài chính đã đưa ra căn cứ là do mức giá xăng A92 thành phẩm đứng ở mức cao, trung bình 20 ngày là 79,72USD/thùng.

Như vậy, so với mốc giá trên, sau 30 ngày, giá xăng cập nhật mới nhất đã giảm tới 13,06USD/thùng, giảm 16%. Giá xăng A92 thành phẩm trung bình 20 ngày gần đây giảm tới 5,11USD/thùng, giảm 6,4%. Còn giá trung bình 30 ngày qua của mặt hàng này giảm tới 3,49USD/thùng và tương ứng là giảm 4,3%.

Với tình hình này, ước mức lãi trên một lít xăng dầu vào khoảng 700-1.000đồng/lít.

Các điều kiện trên cho thấy, cơ hội giảm giá xăng dầu trong nước là nằm trong tầm tay. “Dư địa” để giảm giá bán lẻ trong nước là rất lớn.

Kèm theo quyết định giữ giá xăng dầu và ưu tiên trích Quỹ bình ổn, hôm 18/9, Bộ Tài chính đã khẳng định về nguyên tắc điều hành giá xăng, theo đó, sau khi trích Quỹ bình ổn giá, nếu xu hướng giá thế giới giảm và ở mặt hàng nào có điều kiện thì sẽ giảm giá ở mặt hàng đó.

Như vậy, kịch bản các điều kiện giảm giá bán lẻ trong nước hiện nay đã diễn ra đúng như nguyên tắc này.

Tuy nhiên, đến nay, tất cả các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đều chưa gửi đăng ký giảm giá.

Lý do là các đơn vị này chờ tín hiệu điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu. Nhiều luồng thông tin cho rằng, Bộ Tài chính có thể rục rịch tăng thuế nhập khẩu xăng dầu lên 10% hoặc cho trích Quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng. Bởi lẽ, đến nay, riêng mặt hàng này vẫn chưa thực hiện trích Quỹ bình ổn lần nào.

Các doanh nghiệp cho biết, nếu thuế nhập khẩu xăng và dầu diesel tăng từ 20% lên tới 30% và đòi hỏi trích quỹ thì sẽ không còn dư địa để giảm giá xăng.

Phạm Huyền
*******************
source
http://www.vietnamnet.vn/kinhte/2009/09/871183/

Monday 28 September 2009

Kinh tế VN đã 'thoát hiểm'?


Kinh tế VN đã 'thoát hiểm'?

Xuất khẩu của VN trong 8 tháng năm 2009 giảm 14%

"Vượt nạn nhưng chưa thắng lợi" là ý chính của bài mới nhất trên The Economist về tình hình kinh tế Việt Nam.

Bài "V not yet for victory" trên tạp chí có uy tín của Anh 24/9/2009 cho rằng dù kinh tế Việt Nam phục hồi có ấn tượng nhưng còn hai nhiệm vụ rất cần thiết phải làm.

Một là chính phủ Việt Nam phải tìm cách kiềm chế mức chi công, giảm thâm hụt ngân sách, để không rơi vào cảnh lạm phát cao 28% như tháng 8/2008.

Hai là để thoái khỏi tầm của một quốc gia thu nhập dựa vào sản xuất hàng rẻ, Việt Nam cần giải quyết tệ nạn tham nhũng, cơ chế quan liêu bằng các cải cách.

Nói tóm lại, dù đã thoát hiểm trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu, Việt Nam đang trở lại với các vấn đề cơ cấu kinh tế y nguyên như cũ.

The Economist cũng cảnh báo rằng chính phủ có thể đã để mắt quá nhiều vào chương trình kích cầu mà lãng đi việc cải tổ.

Tờ báo này nhận định nhịp cải cách là "đáng thất vọng" kể từ khi Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2007.

Bài báo trích lời quan chức Ngân hàng Thế giới nói Việt Nam cần tập trung vào (giải quyết) "những cản trở mang tính cơ bản đối với sự cạnh tranh của nền kinh tế", thay vì bị "lạc đề" vào chuyện phục hồi.

Phục hồi có bền vững?


Nhìn chung, bài của tạp chí uy tín số một về kinh tế-chính trị quốc tế ra ở London nói kinh tế Việt Nam có dự báo tích cực trong vài năm tới.

Từ trước tới nay trung ương thường chi tiêu phóng khoáng trước đại hội đảng để lấy lòng đảng bộ cấp tỉnh

The Economist

Dù có các suy đoán về kinh tế tụt lùi, mức tăng GDP của Việt Nam được Credit Suisse dự báo ở mức 5,3% năm nay và 8,5% vào năm sau.

Gói kích cầu 1 tỷ USD của chính quyền đã thành công trong việc hạn chế làn sóng đóng cửa sản xuất.

Tất nhiên, bài báo cũng nói đến yếu tố chính trị trước đại hội 5 năm một lần của đảng Cộng sản Việt Nam vào 2011.

Theo tâm lý này thì việc tung tiền ra cho các địa phương còn có yếu tố 'đắc nhân tâm' trước kỳ họp.

Nhưng các nhà kinh tế lại lo ngại về nguy cơ chính quyền chi tiêu quá nhiều và việc cho vay tín dụng rẻ.

Theo Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), thâm hụt ngân sách Việt Nam tăng từ 4.1% GDP năm ngoái lên 10,3% năm nay.

Dự trữ ngoại hối thì sụt giảm từ 23 tỷ USD tháng 12/2008 xuống 17,3 tỷ vào cuối tháng 6 vừa qua.

Có vẻ như sự thiếu hiệu quả thể hiện qua việc các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn "nặng nề, bao trùm".

Để kết luận, có thể trích lời bài báo gợi ý rằng Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi hàng các nước nghèo nếu cải tổ cơ bản để vươn lên thành một nền kinh tế "đa dạng hơn, giàu có hơn".

Và theo The Economist thì Việt Nam "có thể trở thành" nền kinh tế như vậy.

*********************

source

BBC Vietnamese

Wednesday 9 September 2009

Khủng hoảng ‘sẽ tái diễn’


Khủng hoảng ‘sẽ tái diễn’


Ông Greenspan vốn được đánh giá là nhân vật có thể điều tiết được thị trường.

Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Alan Greenspan nói với BBC rằng thế giới sẽ hứng chịu một cuộc khủng hoảng tài chính nữa.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC Two thuộc loạt bài The Love of Money ông nói: "Cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra lần nữa, nhưng sẽ khác".

Ông nói thêm rằng ông từng dự đoán xảy ra suy thoái vì đó là sự phản hồi đối với một giai đoạn hưng thịnh kéo dài.

Tuy nhiên ông nói mặc dù cần nhiều thời gian để phục hồi và sẽ có nhiều khó khăn nhưng cuối cùng nền kinh tế thế giới sẽ “qua khỏi suy thoái”.

Ông nói: "Các cuộc khủng hoảng tài chính đều khác nhau, nhưng có cùng nguyên nhân cơ bản".

"Đó là bản năng cố hữu của con người khi thấy hưng thịnh kéo dài thì cho rằng mọi chuyện sẽ diễn biến theo hướng đó”.

Ông nói: “Cuộc khủng hoảng hiện nay được khởi đầu từ tín dụng thứ cấp liên quan tới cho vay mua nhà trả góp, tuy nhiên bất kỳ yếu tố nào liên quan tới nợ xấu đều có thể có ảnh hưởng qui mô như vậy”.

Rủi ro

Bản năng cố hữu của con người là khi thấy hưng thịnh kéo dài thì cho rằng mọi chuyện sẽ diễn biến theo hướng đó

Alan Greenspan

Ông Greenspan, người điều hành ngân hàng trung ương Hoa Kỳ vốn được đánh giá là nhân vật có thể điều tiết được thị trường, cũng nói rằng các định chế tài chính quốc tế hẳn đã phải nhận thấy cuộc khủng hoảng rồi sẽ xảy ra.

"Giới chuyên viên ngân hàng biết rằng đến lúc nào đó cũng phải chỉnh sửa lại những giá trị không thực”.

Ông cũng cảnh báo rằng kinh tế Anh sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn kinh tế Mỹ trong suy thoái hiện nay.

"Sẽ mất thời gian khá lâu để Anh quốc qua được cơn suy thoái này," ông Greenspan nói.

Cựu chủ tịch ngân hàng trung ương nói, “Để phòng khủng hoảng tài chính tái diễn, khu vực tài chính và chính phủ các nước phải ngăn chặn tình trạng lừa đảo và bắt buộc tăng vốn dự trữ”.

Tức là các ngân hàng sẽ buộc phải dự trữ đủ tiền để trang trải các hoạt động bình thường của mình và đáp ứng nhu cầu rút tiền khi phát sinh.

Tuy nhiên ông cũng cảnh báo rằng con đường phục hồi sẽ gặp khó khăn nếu xuất hiện các biện pháp bảo hộ mà chính phủ các nước đưa ra.

**************************************

source

BBC Vietnamese