Wednesday 26 August 2009

Nhà máy Dung Quất tạm ngừng hoạt động




Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đang tạm ngưng hoạt động chờ sửa chữa

Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam không đạt tiến độ chạy thử 100% công suất vào ngày 25/8 trong khi Quốc hội Việt Nam tới giám sát.

Nhà máy đã tạm dừng hoạt động từ hôm 18/08, trong khi dự kiến ban đầu là Dung Quất sẽ được đưa vào vận hành 100% công suất vào ngày 25/08.

Ban Quản lý dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất nói với đoàn giám sát thuộc Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội rằng lý do là một van dầu bị rò rỉ. Ngoài ra báo chí trong nước cũng nói nhà máy ''thiếu dầu thô để pha trộn nguyên liệu'' và nhiều vấn đề kỹ thuật đã được phát hiện.

Trang tin VnExpress nói:

''Trong quá trình thi công các nhà thầu đã xác nhận tại nhà máy lọc dầu Dung Quất có trên 172.000 vấn đề tồn tại về kỹ thuật và trong quá trình chạy thử cũng đã nảy sinh một số sự cố kỹ thuật.''

Tuy nhiên giới chuyên gia nói rằng một công trình như Dung Quất có thể có tới hàng chục triệu chi tiết kỹ thuật và số lượng các vấn đề kỹ thuật không quan trọng bằng mức độ nghiêm trọng của các vấn đề đó.

Bàn giao nhà máy

Liên quan tới sự cố mới nhất, một nguồn tin từ dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất nói với BBC:

''Hiện tại nhà máy gặp sự cố của van, nó bị rò rỉ dầu ra ngoài và nhà thầu Technip đề nghị tạm ngưng để khắc phục sự cố."

''Chỉ là cái van trên đường ống, nhưng nó là một phần của hệ thống và phải dừng lại để sửa chữa."

''Thiết kế này là của nước ngoài nên không có sản phẩm ở trong nước thay thế; phải tạm ngưng hoạt động để chờ thiết bị về.''

Nguồn tin này nói kế hoạch bàn giao nhà máy để đưa vào hoạt động sẽ vẫn diễn ra vào cuối tháng 10 năm nay như theo hợp đồng ban đầu.

Trang tin VnExpress trích lời ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Trưởng đoàn giám sát của quốc hội vừa tới Dung Quất nói:

''Nhà thầu cần tập trung sớm tìm ra nguyên nhân, khắc phục sự cố nhanh vận hành 100% công suất nhà máy đúng tiến độ kế hoạch đề ra.''

Tăng vốn đầu tư

Thông Tấn xã Việt Nam mới đây cũng đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có quyết định tăng vốn đầu tư cho dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất lên ba tỷ đô la từ con số 2,5 tỷ đô la.

Một số chuyên gia trong và ngoài nước từ lâu đã cảnh báo về tính phi kinh tế của dự án và có người cho rằng nhà máy sẽ có lợi nhuận âm với mức đầu tư như hiện nay.

Cũng chính vì hiệu quả kinh tế bấp bênh của dự án mà các nhà đầu tư nước ngoài từ Pháp, tới Nga và các nước khác đã lần lượt ra đi và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phải đứng ra một mình làm chủ đầu tư dự án.

----------------------------------------

source

BBC Vietnamese

Sunday 23 August 2009

Đề ri va ti rất lắm trò


August 21, 2009


Đỗ Quý Toàn-Việt Tribune

Hồi 1994, Quận Cam ở tiểu bang California, là đơn vị quận (county) giầu nhất nước Mỹ phải tuyên bố phá sản. Lý do: Vì đầu tư vào derivatives. Năm 1998 công ty đầu tư Long-Term Capital Management (LTCM) bị mất gần hết vốn 4 tỷ đô la trong một năm, cũng vì chuyên mua bán derivatives. Trong cuộc khủng hoảng tín dụng và tài chánh năm 2008, 2009, nhiều công ty đầu tư phá sản cũng vì những derivatives. Năm ngoái “đại công ty” bảo hiểm AIG lớn nhất thế giới bị sập vì bán quá nhiều giấy bảo hiểm cho các trái khoán, những “swap” đó cũng là những derivatives. Nên gọi derivatives là cái gì trong tiếng Việt? Chúng tôi thấy không nên dịch mà nên phiên âm thành “đê ri va ti” cho nó gọn. Bởi vì dịch ra chữ ta hay chữ Tầu thì nó cũng khó hiểu chẳng khác gì phiên âm. Cũng giống như ngày xưa Hoàng Xuân Hãn đề nghị gọi tên chất át xít, chất ba dờ, thay vì gọi bằng tên chữ Hán vậy. Nếu tra tự điển kinh tế tài chánh của người Trung Hoa thì có thể dịch là “phái khoán,” hoặc “diễn khoán,” những chữ này cũng cần giải thích mới hiểu được.

Vậy đê ri va ti là cái gì?

Cái tên derivative do động từ “derive” tức là nó do một thứ nào khác mà vẽ ra, từ một “cái gì” khác sinh ra. “Cái gì” đó có thể là bất cứ cái gì có giá trị và giá trị có thể thay đổi theo thời gian.

Một nhân viên chứng khoán gãi đầu khi thị trường xuống hôm 17 tháng 8, 2009. Chris Hondros/Getty Images

Những giấy bảo hiểm cho trái khoán (credit deafault swap) của AIG chỉ là một trong nhiều thứ hợp đồng do thế giới tài chánh sáng chế ra. Nó là một trong nhiều thứ “đê ri va ti” bùng phát trong giới đầu tư ở Mỹ, chẳng hạn các options (tạm dịch là hứa phiếu), futures (lai phiếu), vân vân. Nói chung, những hợp đồng này được tạo ra thêm trong thị trường sau khi đã có những chứng khoán khác đã hiện hành, tức là mua bán rồi. Việc sáng chế ra các đê ri va ti đó là để chia sẻ rủi ro cho nhiều người cùng chịu. Tất nhiên, trong thị trường nếu muốn ai chia sẻ bớt rủi ro với mình thì phải trả tiền người ta! Số tiền đó là cái giá của các đê ri va ti.

Chẳng hạn, hứa phiếu là một hợp đồng mà người ta trả tiền để được hứa hẹn sẽ có quyền mua (call option) hoặc bán (put option) một thứ cổ phiếu nào đó với giá cố định, trong một khoản thời gian có hạn định. Người ta mua hoặc bán các hứa phiếu để giảm bớt rủi ro về các cổ phiếu mình đang giữ.

Thí dụ, nếu tôi đang làm chủ cổ phiếu của công ty BGE, bây giờ giá 43 đồng nhưng tôi lo trong tháng tới giá nó xuống dưới 40 đồng, thì làm sao đây? Tôi có thể mua thêm một hứa phiếu cho tôi có quyền bán cổ phiếu BGE với một giá cố định (thí dụ 40 đồng) trong tháng tới. Nếu tới kỳ hạn mà giá GE xuống dưới 40 đồng, thí dụ 37 đồng, thì tôi thi hành quyền của mình, bán cổ phiếu GE cho người kia lấy 40 đồng, nếu bị lỗ cũng lỗ ít hơn. Còn nếu giá GE cao hơn 40 đồng thì tôi vứt bỏ cái hứa phiếu, chịu mất một số tiền nhỏ lúc mua hứa phiếu. Như vậy người bán hứa phiếu (đây là một put option) sẽ chia bớt rủi ro với tôi, và tôi cũng chia bớt một chút lợi nhuận cho người đó khi tôi trả tiền mua hứa phiếu.

Có thể “viết” các thứ đê ri va ti dựa trên các món hàng không phải cổ phần hay các chứng khoán. Các nhà viết sách Tài chánh học (Finance) thường kể một câu chuyện trong Kinh Cựu Ứơc làm thí dụ. Có một lão trượng Do Thái hứa hẹn với một thanh niên rằng nếu anh ta làm việc không công cho ông ta trong ba năm thì sau đó anh có quyền cưới con gái ông mà chỉ cần trả một con cừu thôi.

Các chuyên gia tài chánh học, rất nhiều người gốc Do Thái, mô tả câu chuyện trên là một “call option.” Xin lập lại, nếu bạn mua một call option (hứa phiếu mua) thì bạn có quyền mua một cổ phiếu với một giá ấn định sẵn, vào một thời điểm ấn định trước. Có quyền, tức là bạn thấy lợi thì mua, nếu không thì thôi.

Trong thí dụ Jacob cưới vợ trên đây, cô gái con ông trưởng lão cũng giống như cái cổ phiếu, kỳ hạn thi hành hứa phiếu là 3 năm, giá mua cổ phiếu là một con cừu. Và cái giá anh Jacob phải trả để nắm được tờ hứa phiếu trong tay là 3 năm lao động sản xuất! Nếu sau ba năm anh thấy không ưng cô gái thì anh cứ “bye bye” còn nếu ưng, anh chỉ trả một con cừu cũng cưới được vợ.

Người mua một lai phiếu dựa trên một món hàng nào đó thì có quyền mua thứ hàng đó với giá cố định khi đáo hạn, và giá trị của lai phiếu mua bán trong thị trường sẽ được điều chỉnh liên tục từ khi ký kết. Gọi là “món hang” cho tổng quát, nhưng nó có thể là ngũ cốc, kim loại, thịt bò hoặc là những trái khoán, tức giấy nợ, vân vân. Thế giới đê ri va ti ngày càng phát triển, vì khi thấy cần là người ta đặt ra những đê ri va ti mới.

Một thí dụ về đê ri va ti rất lạ

Những hứa phiếu hoặc lai phiếu là các đê ri va ti quen thuộc, có mua bán trong thị trường ở Chicago. Người ta chỉ cần vô thị trường này, bảo mình muốn mua (hay muốn bán) một đê ri va ti nào đó, thị trường sẽ thấy có một “đối tác” (counterpariy) để hai bên mặc cả và trao đổi. Vai trò của thị trường là bảo đảm các hợp đồng trên được thi hành, chứ không phải cứ hứa bừa đi rồi chạy làng.

Nhưng có nhiều loại hợp đồng đê ri va ti rất lạ, có thể do một người nào đó mới đặt ra, không theo quy thức nào cả. Khi đó, họ phải đi tìm đối tác để trao đổi. Xin kể một thí dụ trong câu chuyện công ty Long-Term Capital Management (LTCM) bị phá sản, theo cuốn sách do Roger Lowenstein kể.

Năm 1995 công ty Westinghouse đề nghị sẽ mua cả công ty CBS (gọi là merger, hợp nhất) với giá 82 đô la một cổ phần. Tin vừa đưa, giá CBS tăng vọt thêm 20%, thành 78 đô la. Nếu ai đánh cá rằng việc mua bán sẽ thành, mua ngay CBS thì đến khi hợp nhất sẽ lời 4 đô la mỗi cổ phần, được 5% trên giá mua. Nhưng nếu việc hợp nhất không thành thì giá CBS có thể tụt xuống dưới 65 đô la.
Thí dụ công ty đầu tư CM muốn đánh cá. Họ sẽ “mua” các cổ phiếu của CBS với 100 triệu đô la để hy vọng kiếm lời. Nhưng bỏ ra 100 triệu đô la cũng khó, mà nếu đi vay thì phải theo luật, khi đi cổ phiếu chỉ được vay một nửa số tiền đó thôi, ngoài ra phải bỏ tiền túi. Cho nên các người lãnh đạo CM nghĩ ra một hợp đồng đê ri va ti để không cần mua cũng giống như mua 100 triệu đô la cổ phiếu của CBS. Họ điều đình với một ngân hàng ký một cái “swap.” Chữ này, có nghĩa là “trao đổi” thường dùng cho các hiện vật hơn là dùng tiền bạc. Xin gọi là “soap” trong tiếng Việt cho tiện.

Theo cái swap này, CM sẽ trả cho một ngân hàng mỗi tháng một số tiền tương đương với tiền lãi nếu vay 100 triệu đô la, từ nay cho đến ngày việc kết hợp của Westinghoue ngã ngũ (thành, hoặc bại), lãi suất bao nhiêu hai bên mặc cả rồi thoả thuận. Tới ngày biết kết quả vu kết hợp, ngân hàng và CM sẽ tính toán với nhau. Nếu thành công, thì ngân hàng sẽ trả cho LTCM 5 triệu đô, số tiền tương đương với tiền lời nếu CM mua cổ phiếu CBS bây giờ, tức là 5% của 100 triệu đô la. Còn nếu cuộc lương duyên không thành thì giá cổ phiếu CBS xuống, CM sẽ bù cho ngân hàng số tiền bị lỗ.

Đối với CM, ký hợp đồng này không khác gì họ đi vay 100 triệu đô la để mua cổ phiếu của CBS, mà trong thực tế họ không phải mua thật. Do đó, không phải bỏ ra đồng xu vốn nào mà vẫn giống như có mua; họ cũng không bị chính phủ hoặc ngân hàng nhòm ngó vào sổ sách tài chánh của họ nữa.

Đối với ngân hàng, họ không cần cho vay mà vẫn được trả tiền lãi trên 100 triệu đô la. Họ có thể bị mất tiền nếu vụ kết hợp CBS thành công, và được lợi nếu nó thất bại. Như vậy cũng giống như họ đánh cá nguợc lại với LTCM. Nhưng các ngân hàng thường rất bảo thủ, không đi đánh cá rủi ro như vậy. Để loại trừ mọi rủi ro, ngân hàng này có thể đi mua đúng 100 triệu đô la cổ phiếu của CBS! Nếu cổ phiếu lên, họ có lời, đem trả cho CM. Nếu giá nó tụt xuống vì kết hợp không thành, ngân hàng bị lỗ nhưng lại được CM trả tiền bù vào, tứclà đằng nào cũng hoà vốn! Cuối cùng họ được lời với số tiền lãi mà CM trả trên 100 triệu đô la trong mấy tháng, mà không thực sự phải cho vay đồng nào cả.[ĐQT]

---------------------------------------------

source

Viet Tribune Online

Tuesday 18 August 2009

Vụ nhà máy thủy điện Nga gặp sự cố


Vụ nhà máy thủy điện Nga gặp sự cố: 11 người chết, 65 người mất tích

TTO - Theo thông tin cập nhật mới nhất của Hãng tin AP, đã có 11 người chết và 65 người mất tích sau khi nhà máy Sayano - Shushenskaya, nhà máy thủy điện lớn nhất nước Nga, bất ngờ bị nước tràn vào hôm 17-8.

Các nhà điều tra liên bang cho biết một máy biến thế đã phát nổ lúc các công nhân đang tiến hành sửa chữa nhà máy, phá hủy tường và trần một phòng máy nơi đặt các tuôbin khiến nước tràn vào.

Roman Dotsov, phát ngôn viên Bộ Các tình trạng khẩn cấp Nga tại Siberia, nói trong số những người thiệt mạng, một số bị chết đuối, số khác bị tường sập đè trúng. Ngoài ra còn có 14 người bị thương.

Nhà máy Sayano - Shushenskaya bị hư hại nặng sau sự cố - Ảnh: AFP

Sự cố khiến nhà máy phải đóng cửa, gây thiếu điện trên khắp khu vực dù chính quyền đã huy động các nhà máy điện khác hỗ trợ. Nhiều công ty nhôm trong khu vực bị ảnh hưởng, trong đó có Rusal, nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. Rất may là đập của nhà máy trên sông Yenisei không bị hư hại nên cư dân sống tại các thị trấn dọc con sông không gặp nguy hiểm.

Bộ Tài nguyên thiên nhiên thông báo sự cố đã gây tràn dầu và vệt dầu này đang loang trên sông, bao phủ trên diện tích 25km2.

Theo Vasily Zubakin, quyền giám đốc điều hành Công ty RusHydro, đơn vị sở hữu nhà máy Sayano - Shushenskaya, hai trong số 10 tuôbin của nhà máy bị phá hủy, tuôcbin thứ ba bị hư hỏng nặng. Hiện công ty vẫn đang đánh giá tình trạng của bảy tuôcbin còn lại.

Trả lời đài truyền hình nhà nước, Bộ trưởng Bộ Các tình trạng khẩn cấp Sergei Shoigu nói việc sửa chữa rất khó khăn. “Việc phục hồi ba tuôcbin này có thể mất nhiều năm chứ không phải nhiều tháng”, ông nói.

Hiện chưa rõ nguyên nhân sự cố.

Hai tuôcbin tại nhà máy đã bị phá hủy - Ảnh: AFP

Một khu vực tại Nhà máy Sayano - Shushenskaya bị hư hại sau sự cố - Ảnh: Reuters

TƯỜNG VY (Theo AP)

source

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=332324&ChannelID=2

Sunday 16 August 2009

Đầu Độc Thế Giới Bằng Melamine



Đầu Độc Thế Giới Bằng Melamine

Ngọc Thụy
OneViet.com

Chỉ còn vài tuần trước lễ hội Halloween, khi hàng đoàn trẻ em trong trang phục hóa trang, kéo nhau đến từng nhà để hù dọa “Treat or Trick” và xin kẹo thì kẹo bẩn bắt đầu xuất hiện tại California và Connecticut. Kẹo bẩn vì bị nhiễm melamine. Hóa chất này được pha trộn trong nguyên liệu sữa nhằm làm tăng (giả tạo) lượng protein đã gây bệnh cho hàng ngàn trẻ em Trung Quốc và làm thiệt mạng cho ít nhứt bốn em. Sữa (cố tình) cho nhiễm độc đã lan sang kẹo bánh bán tại nhiều quốc gia vùng châu Á và Úc. Mới đây kẹo mang nhãn hiệu White Rabbit do công ty Queensway Foods Inc. phân phối đã thấy bày bán ở California và tại bốn siêu thị ở Connecticut.

Giới chức y tế của California và Connecticut cho thu hồi các sản phẩm nhiễm bẩn và khuyến cáo khách hàng nào lỡ mua rồi phải hủy bỏ ngay. Tính đến nay 54,000 trẻ em Trung Quốc bị nhiễm bệnh, và hơn 13,000 em phải nhập viện cùng lúc 27 người liên hệ đến việc sản xuất sữa bị bắt. Melamine, giàu nitrogen, được dùng để chế tạo nhựa plastic cùng phân bón và theo các nhà chuyên môn, hóa chất này có thể lẫn với thực phẩm trong quá trình chế biến nhưng rất ít. Tại Trung Quốc, nhà sản xuất muốn tăng sản lượng tức tăng lợi nhuận đã tìm cách pha trộn melamine vào sữa – vì với hàm lượng nitrogen cao, sữa pha melamine sẽ làm tăng lượng protein (giả) khi trải qua thí nghiệm. Melamine có thể gây bệnh sỏi thận, làm suy thận, đặc biệt nguy hại cho trẻ.

Nhà nước Trung Quốc cho biết tổng cộng 20 nhà máy sản xuất sữa đưa ra thị trường sữa nước và sữa bột hoặc kem có trộn melamine. Sữa nhiễm bẩn này lại được các nhà máy khác dùng làm nguyên liệu chế biến bánh, kẹo, yaourt và xuất khẩu đi khắp thế giới.
Tuần trước, cơ quan FDA Hoa Kỳ cho hay kẹo White Rabbit và cà-phê Brown, phần lớn bán trong khu Chinatown có thể bị nhiễm melamine và khuyến cáo người tiêu dùng phải hủy bỏ. Kẹo White Rabbit cũng bị thu hồi tại Hawaii, Anh quốc, Singapore, New Zealand trong số 50 quốc gia nhập khẩu kẹo này từ công ty Guan Sheng Yuan Co. có trụ sở ở Thượng Hải. Trong cùng lúc Việt Nam xác nhận 18 mẫu sữa, nguyên liệu sữa và bánh quy chứa chất gây sạn thận.

Kiểm Duyệt

08-1010-01-01-sanlu.jpgTheo tin tức, vụ sữa nhiễm bẩn chỉ bột phát từ vài tuần nay trong khi vụ làm ăn gian dối này đã bị phát hiện từ năm ngoái. Từ tháng Mười Hai, 2007 hãng sản xuất đã nhận được lời ta thán từ người tiêu thụ và mãi đến chín tháng sau mới có lệnh thu hồi. Báo đảng Trung Quốc cho hay ngay trước thế vận hội Bắc Kinh 08/08/08, chính quyền thành phố Shijiazhuang đã được công ty Tam Lộc yêu cầu giúp ém nhẹm tin tức về sữa nhiễm melamine để không ảnh hưởng đến thế vận hội mà Tam Lộc là nhà cung cấp sữa chính thức.
Ngay sau tin này được loan ra, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cho hay Bắc Kinh đã ra lệnh cho các cơ quan truyền thông phải im tiếng về vụ nhiễm bẩn này trước và trong khi đang diễn ra các cuộc tranh tài thế vận. Theo tổ chức này nhiều nhà báo Trung Quốc nói rằng ngày càng thấy rõ chính nhà nước đã ngăn mở cuộc điều tra về sữa nhiễm độc này từ tháng Bẩy để không phương hại đến hình ảnh nước Trung Hoa. Trong thư ngỏ gởi bác sĩ Margaret Chan, người đứng đầu tổ chức y tế quốc tế WHO, nhóm nhà báo không biên giới đặt vấn đề tại sao WHO có thể chỉ khuyến cáo các bà mẹ nên cho con dùng sữa mẹ và làm ngơ chuyện kiểm duyệt thông tin từ phía Trung Quốc. Thư có đoạn:
“Cớ gì bà (Margaret Chan) lại chấp nhận chuyện WHO chỉ được thông báo về sữa nhiễm độc vào ngày 11 tháng Chín qua trong khi tin tức về vụ việc này đã lan truyền từ tháng Mười Hai, 2007? Từ tháng Bẩy, nhà báo He Feng, đã có chứng cớ về hàng loạt trẻ thơ phải nhập viện. Tuy nhiên chính quyền Bắc Kinh, qua bộ Tuyên Truyền, đã ban lệnh cấm phổ biến những thông tin về những tai tiếng liên quan đến thực phẩm trước và trong khi đang diễn ra tranh tài thế vận. Vì vậy chủ bút He Feng quyết định không đưa tin vì sợ trừng phạt từ chính quyền. Ngay trước ngày khai mạc thế vận, bộ Tuyên Truyền cho phổ biến danh sách 21 điều cấm kỵ báo chí không được đăng tải. Chẳng hạn điểm thứ 8 liên quan đến an toàn thực phẩm, thông tư ghi: Tất cả mọi đề tài liên hệ đến an toàn thực phẩm, chẳng hạn như nước suối gây ung thư, đều bị cấm đưa tin.”
Sau cùng thư ngỏ nhắc đến vụ cúm SARS, khi chính quyền lục địa che đậy bằng cách kiểm duyệt truyền thông hàng nhiều tháng trước khi tiết lộ, và hỏi rằng bài học đó chưa đủ sao? (http://www.rsf.org/article.php3?id_article=28791)

Đây không phải lần đầu sản phẩm Made In China có vấn đế:

• Tháng Ba, 2007, FDA loan báo nguyên liệu để chế biến thực phẩm súc vật nuôi trong nhà kể cả gà, vịt, lợn …nhập từ Trung Quốc bị nhiễm melamine và gây tử vong cho hàng ngàn chó mẹo do suy thận. • Vụ thực phẩm nhiễm độc vừa êm thì đến đồ chơi trẻ em nhiễm chì – cũng xuất xứ từ Trung Quốc, khiến các công ty nhập phân phối và cửa hàng đồ chơi phải hối hả thu hồi hàng loạt vào tháng Mười Một, 2007. ---------------------------------------------
source
OneViet.com

Friday 14 August 2009

2.500 tấn thịt đông lạnh nằm “chết” tại cảng


Ngày 14.08.2009 Giờ 08:05

2.500 tấn thịt đông lạnh nằm “chết” tại cảng

Từ khi vụ thịt bẩn bị phanh phui, cơ quan thú y mới siết chặt lại quy trình cấp phép, chứng nhận kiểm dịch thông quan cho các lô hàng nhập về. Điều này đã dẫn đến tình trạng, hàng trăm container thịt đông lạnh nhập về cảng nằm “chết” gí. Thực tế này một lần nữa phản ánh tình trạng, cơ quan nhà nước luôn phải bất cập chạy “theo đuôi” thực tế.

Trưa ngày 13.8, giữa cái nắng như đổ lửa, theo chân chủ một doanh nghiệp nhập khẩu thịt, chúng tôi thâm nhập vào được khu vực xếp container thịt đông lạnh nhập khẩu ở bãi B, cảng Cát Lái, TP.HCM. Vừa bước chân lên cầu cảng, chúng tôi đã nhìn thấy ngay container thịt đông lạnh, xếp chồng lên nhau cao như núi.

“Cháy nhà” ra “nghĩa địa” thịt đông lạnh

Hàng trăm container thịt đông lạnh tại cảng Cát Lái. Ảnh: Đặng Hoàng

Tiếng máy nổ ình ình phát ra từ hệ thống làm lạnh của container như để chứng tỏ, trong “ruột” chúng đang còn đầy hàng. Chỉ tay vào dòng chữ ghi tên tuổi hãng tàu lớn như CSAV, MAERSK, WAN HAI, KMTC Line, MOL, NYKLOGISTICS… trên mỗi container, anh bạn đi cùng nói, số hàng này nhập chủ yếu từ Mỹ, Brazil về từ nhiều tuần nay, nhưng chưa thể làm thủ tục thông quan.

Qua kiểm tra, hàng còn kẹt lại tại đây khoảng 100 container, tương đương 2.500 tấn. Trong đó, nhiều lô hàng chưa có giấy phép nhập khẩu, hoặc chưa ghi đầy đủ thông tin nhà phân phối, nhà máy sản xuất từ nước ngoài nên cơ quan thú y không cấp phép thông quan.

Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu tiết lộ, theo quy định, doanh nghiệp phải có giấy phép mới được nhập khẩu thịt về bán. Tuy nhiên, trước đây do quy định còn lỏng lẻo nên doanh nghiệp vẫn có thể “hành xử” được theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” – nhiều trường hợp hàng về cảng doanh nghiệp mới lo “chạy” giấy phép, và vẫn được cơ quan thú y “du di” ký nhận. Nhưng nay, ông này nói, do phát hiện ra vụ thịt “bẩn” nên thú y dè dặt trong việc cấp phép, hơn nữa còn “siết” chặt các thủ tục nhập khẩu. Chính vì vậy mà doanh nghiệp cho dù gửi giấy đăng ký xin kiểm dịch thông quan từ nhiều tuần mà vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài việc “vướng” thủ tục giấy tờ, nhiều container thịt đông lạnh nhập khẩu sở dĩ nằm “chết” tại cảng còn do doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”. Từ hơn tháng nay, tiêu thụ thịt đông lạnh ảm đạm, giá giảm thê thảm. Theo tính toán, so với giá ký hợp đồng cách đây ba tháng, thì tại thời điểm này, cứ mỗi ký cánh hoặc đùi gà bán ra, doanh nghiệp bị lỗ 10.000đ.

Trong khi đó, hàng về cảng từ đầu tháng 8, đến nay vẫn chưa được thông quan, doanh nghiệp phải chịu thêm phí lưu cảng, phí quá hạn tàu trung bình mỗi ngày 150 USD/container. “Doanh nghiệp buộc phải bỏ hàng, chấp nhận mất tiền cọc 25%, nếu cố lấy thì tiền lời bán ra không đủ trả phí lưu cảng và lưu container cho hãng tàu”, giám đốc một doanh nghiệp cho hay.

Theo nguồn tin riêng của Sài Gòn Tiếp Thị, hiện nay còn khoảng 100 container thịt lạnh khác đang trên đường về, sẽ cập cảng TP.HCM trong tháng 8 này. Trong số đó có những đại gia vừa bị phát hiện thịt “bẩn” sở hữu tới 50 container. Nếu thú y tiếp tục kiểm soát chặt, cộng thêm việc thực hiện quy định mới vừa ban hành về lô hàng phải giữ lại cảng chờ kết quả xét nghiệm, chắc chắn tình trạng kẹt hàng sẽ gia tăng.

Mất bò thì lo làm chuồng

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc trung tâm Thú y vùng VI, đơn vị cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho thông quan thịt lạnh nhập về cảng TP.HCM cho biết, những lô hàng còn kẹt lại cảng Cát Lái do còn thiếu thủ tục, trường hợp hồ sơ hợp lệ thì vẫn cấp giấy để doanh nghiệp đưa hàng về kho. Còn ông Phạm Văn Đông, trưởng phòng kiểm dịch động vật nhập khẩu cục Thú y thì trả lời: “Chưa kiểm tra cụ thể số doanh nghiệp gửi đơn xin đăng ký kiểm dịch nên không biết lượng thịt còn kẹt lại cảng là bao nhiêu?”

Theo quy định vừa ban hành, thịt lạnh nhập về phải để tại cảng, chờ thú y lấy mẫu xét nghiệm, ra kết quả doanh nghiệp mới đưa về kho. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể từ phía cục Thú y nên Thú y vùng VI vẫn cho phép doanh nghiệp đưa về kho, sau đó mới lấy mẫu xét nghiệm. Do đó, theo ông Bình, hiện nay trung bình mỗi ngày đơn vị này vẫn làm thủ tục cho thông quan khoảng 250 – 300 tấn thịt lạnh nhập khẩu.

Ông Bình cũng cho rằng, việc siết chặt quản lý thịt nhập khẩu là cần thiết. Có trường hợp, trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, doanh nghiệp đã tự ý bán hết, đến khi thú y phát hiện không đạt chất lượng thì chẳng còn nữa. Hay như có doanh nghiệp từng được “nợ” giấy phép nhập khẩu, nhưng đến hẹn cơ quan thú y hỏi thì không có trả.

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp cũng phản ánh, cảng Cát Lái chỉ có bốn cán bộ thú y phụ trách lấy mẫu, trong khi có ngày hàng về tới 60 – 70 container. Nếu không cho doanh nghiệp đưa hàng về kho mà yêu cầu để lại cảng theo quy định vừa ban hành thì năng lực lấy mẫu, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thông quan sẽ quá tải.

Ông Bình cũng thừa nhận tình trạng này, và cho hay, đang đề nghị bộ chấp thuận tuyển thêm nhân viên. Còn trước mắt, nếu giải quyết nhanh nhất thì cũng mất năm ngày mới cho ra kết quả xét nghiệm để cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm ngày đó, doanh nghiệp cho biết phải chi thêm 750 USD/container phí lưu cảng và tàu.

Hoàng Bảy

source

http://www.sgtt.com.vn/Detail41.aspx?ColumnId=41&newsid=55582&fld=HTMG/2009/0813/55582

Wednesday 12 August 2009

Lịch sử hình thành logo của những thương hiệu lớn



Lịch sử hình thành logo của những thương hiệu lớn (1)

Boeing đã dùng tới 11 logo trong khoảng 70 năm trước khi sử dụng logo hiện tại từ 1997. Siemens, Shell hay Yamaha... cũng đều đã phải có những sự lựa chọn khó khăn cho hình ảnh của thương hiệu mình.













Tâm Anh (theo Best-ad, Logoorange)

source

http://vnexpress.net/GL/Doi-song/Mua-sam/2009/05/3BA0EB2A/

Lịch sử hình thành logo của những thương hiệu lớn (2)

Logo hiện nay của hãng điện thoại nổi tiếng Nokia khác "một trời một vực" so với logo nguyên thủy, ấn tượng và dễ nhớ hơn. Nhưng cũng có khá nhiều nhãn hiệu vẫn giữ được bóng dáng từ thời đầu tiên.
> Phần 1












Tâm Anh (theo Best-ad, Logoorange)

source

http://vnexpress.net/GL/Doi-song/Mua-sam/2009/05/3BA0EB65/

Tuesday 11 August 2009

nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Trung Quốc


- Sạt lở nghiêm trọng ở đường dẫn khiến cầu Bùi Hữu Nghĩa (phường 2, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị đóng hơn tuần qua chưa kịp khắc phục, nay lại tiếp tục… sạt lở trong lúc đơn vị thi công đang khắc phục sự cố.

Ngày 10/8, hai ngày sau khi đơn vị thi công cam kết khắc phục xong sự cố sạt lở đường dẫn lên cầu Bùi Hữu Nghĩa, đoạn đường này lại tiếp tục sạt lở, nứt toác hở hàm ếch…

Như VietNamNet đã đưa tin, 3/8 trong lúc nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Trung Quốc (dự án Vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) là đóng cọc bê tông thi công gói thầu số 10 đã làm sạt lở đường dẫn lên cầu Bùi Hữu Nghĩa (phía phường 2, quận Bình Thạnh). Đồng thời, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (thi công gói thầu 12B2) cũng làm sạt lở, lún phần đường dẫn còn lại trước đó nhưng chưa khắc phục xong khiến cầu Bùi Hữu Nghĩa bị đóng.

Sau đó, trong biên bản làm việc do UBND quận Bình Thạnh chủ trì, đơn vị thi công cam kết đến 7/8 sẽ khắc phục xong sự cố và nhanh chóng trả lại lưu thông cho cây cầu này. Tuy nhiên, ngày 10/8 thay vì trả lại phần đường dẫn nguyên trạng ban đầu để người dân qua lại, chính đơn vị này tiếp tục làm phần đường dẫn nứt toác ngay chỗ sạt lở cũ, lộ ra hàm ếch bị khoét sâu phía dưới.

3.jpg 5.jpg

Cầu Bùi Hữu Nghĩa bị sạt phần đường dẫn chưa khắc phục xong (ảnh trái) và nay bị nứt toác, hở hàm ếch. Ảnh: Thái Phương

Ông Trần Lê Xuân, Phó Chủ tịch UBND phường 2 cho biết, sau khi phát hiện ra sự cố, UBND phường 2 đã yêu cầu đơn vị thi công ngưng thi công và về phường lập biên bản.

“Quan trọng nhất là an toàn tính mạng và tài sản của người dân nên chúng tôi buộc phải yêu cầu ngừng thi công để báo cáo sự việc lên Sở GTVT và UBND quận”.

Nhiều người dân cho rằng, khắc phục sự cố mà làm sạt lở nặng hơn khiến tuyến đường Nguyễn Văn Giai - Bùi Hữu Nghĩa không biết khi nào mới lưu thông trở lại cần phải được xử lý nghiêm.

Trước đó, ngày 6/8, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM đã quyết định đình chỉ thi công đối với Tổng Công ty Xây dựng Trung Quốc (gói thầu số 10) và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (gói thầu 12B2) do thi công làm sạt lở mái taluy cầu Bùi Hữu Nghĩa. “Đến 2/8, trong lúc đóng cừ lasen để chống sạt lở lại tiếp tục gây sạt lở phần lan can và mặt đường dẫn vào cầu Bùi Hữu Nghĩa; dù lực lượng thanh tra nhắc nhở, xử lý song nhà thầu vẫn chưa khắc phục” - quyết định nêu rõ.

Trong biên bản do ông Lê Văn Phương, Công ty Thanh Tuấn, nhà thầu phụ của Tổng Công ty Xây dựng Trung Quốc tường trình về sự cố sạt tiếp đường dẫn lên cầu vào 10/8, đơn vị này có thi công đóng cọc bê tông cốt thép gần cầu Bùi Hữu Nghĩa.

“Ngày 7/8, sau khi khắc phục sự cố xong, anh Thống (Tổng Công ty Xây dựng Trung Quốc - PV) đã yêu cầu đơn vị thi công tiếp tục làm. Đến trưa 7/8, Công an phường 2 ra cho ngừng thi công nhưng anh Thống đã có quyết định tiếp tục thi công. Ngày 8/8, chúng tôi đã hoàn tất phần thi công đóng cọc bê tông cốt thép” - anh Phương nêu rõ trong biên bản.

Trong khi đó, quyết định đình chỉ của Thanh tra Sở GTVT khẳng định việc tiếp tục thi công chỉ được thực hiện khi có quyết định giải tỏa đình chỉ và sau khi nhà thầu khắc phục xong hậu quả vi phạm, có sự kiểm tra, xác nhận của chính quyền địa phương…

Vậy mà đơn vị thi công vẫn tiếp tục việc đóng cừ cọc bê tông cốt thép bất chấp sự can thiệp của người dân, UBND phường 2. Kết quả là đường dẫn vào cây cầu này càng bị sạt lở nặng.

  • Thái Phương
  • source
  • http://www.vietnamnet.vn/xahoi/dothi/2009/08/862888/
  • Cầu sạt lở khắc phục xong lại nứt toác

    Cập nhật lúc 10:19, Thứ Ba, 11/08/2009 (GMT+7)

Saturday 8 August 2009

Dự án vành đai Tân Sơn Nhất bị tố cáo nhiều sai phạm


Dự án vành đai Tân Sơn Nhất bị tố cáo nhiều sai phạm

Từ một đường thẳng được Chính phủ phê duyệt, TP HCM đã biến vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi thành 2 nhánh rẽ đi vòng. Nhiều người dân khiếu nại cho rằng việc thay đổi này nhằm hợp thức hóa nhà xây dựng, lấn chiếm trái phép.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, thời gian gần đây, Bộ nhận được nhiều đơn khiếu nại của tập thể nhân dân hai tổ 82 và 89, phường 2, quận Tân Bình, về việc TP HCM không tuân thủ quy hoạch của Chính phủ. Đồng thời, Bộ cũng liên tục tiếp nhận khiếu kiện đông người về việc thành phố tự ý điều chỉnh dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi làm thiệt hại tài sản nhân dân.

Đường nét đậm ngang là quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt năm 1997, 2 đường phía dưới là theo Quy hoạch của TP HCM năm 2005 và đang triển khai. Ảnh: Kiên Cường

"Người dân cho rằng việc thay đổi hướng tuyến đường nhằm mục đích hợp thức hóa các nhà xây dựng, lấn chiếm đất đai trái phép, có tiêu cực. Sau khi nghiên cứu các tài liệu, Thanh tra Bộ cho rằng việc khiếu kiện của nhân dân là có cơ sở", ông Phạm Gia Yên, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng nêu rõ trong vản bản gửi UBND TP HCM ngày 29/7.

Lật lại hồ sơ vụ việc, đoạn tuyến số 2 từ nút giao Trường Sơn đến công viên Gia Định, một trong 7 đoạn của đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/9/1997, là một đường thẳng qua khu phố 8 phường 2, quận Tân Bình. Hướng đi thẳng này phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển cụm cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất. Các chuyên gia giao thông đánh giá đó là phương án đúng đắn vì đất khu vực này chưa giao cho bất cứ công trình nào.

Nhưng khi khởi công dự án ngày 9/6 năm ngoái, TP HCM lại bẻ cong hướng tuyến này thành 2 nhánh rẽ: Một là đi vòng đường Bạch Đằng 2 (qua tổ 82 và 89, khu phố 9 phường 2) và hai là đường Hồng Hà quận Tân Bình.

"Con đường lộ giới 60 m thuộc hướng tuyến thẳng ban đầu được nhiều hộ dân mượn đất xây nhà. Một số hộ được cấp sổ hồng trái phép trên đất đã quy hoạch này. Tại sao UBND TP HCM lại thay đổi quy hoạch từ đường thẳng thành 2 nhánh rẽ, có gì liên quan ở đây?", ông Nguyễn Hồng Hải, số 9 đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, bức xúc trong đơn gửi các cơ quan chức năng ngày 23/7.

Dự án hiện đang được thực hiện theo hướng tuyến 2 nhánh rẽ. Ảnh: Kiên Cường

Trước những phản ứng của người dân, TP HCM liên tục có văn bản trả lời. Ngày 7/10/2002, tức hơn 1 năm sau khi kiến trúc sư trưởng Lê Văn Năm "bẻ" đường vành đai thẳng thành đường cong, trước những kiến nghị của người dân, ông Trần Quang Phượng, Phó giám đốc Sở Giao thông công chính lúc đó (nay là Giám đốc Sở Giao thông vận tải) khẳng định cơ bản hướng tuyến vành đai này hoàn toàn trùng khớp với hướng đã được phê duyệt.

Hơn 2 năm sau, ngày 1/11/2004, văn bản do ông Nguyễn Việt Sơn, Phó giám đốc Sở Giao thông công chính ký vẫn khẳng định hướng tuyến vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1997.

Ngày 30/8/2008, TP HCM căn cứ vào văn bản của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đó, là đồng ý chủ trương giảm 4 tuyến vành đai xuống còn 3 tuyến tại TP HCM. Bộ Giao thông được giao cùng TP HCM nghiên cứu trình Thủ tướng quyết định. Và như vậy, đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình lợi sẽ là đường đô thị, thuộc toàn quyền quyết định của TP HCM.

Tuyến đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi được phê duyệt năm 1997, dài 13,63 km. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 8.000 tỷ đồng (năm 2007).
Để làm sáng tỏ mọi việc, Bộ Xây dựng đã vào cuộc thẩm định dự án. Kết quả được công bố ngày 20/12/2006: Thiết kế cơ sở đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi đã đi theo hướng mà UBND TP HCM phê duyệt thành 2 nhánh rẽ.

Ngày 29/7 năm nay, Thanh tra Bộ Xây dựng kết luận quyết định "nắn" con đường này là sai phạm của TP HCM. Bởi theo Thanh tra Bộ, tuyến đường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1997 là phù hợp với sự phát triển đô thị theo hướng hiện đại.

Bộ cũng cho hay, trước đó, ngày 27/11/2007, UBND TP HCM đã có một báo cáo về việc thực hiện dự án, trong đó cũng nêu về cơ bản chỉ có một nhánh rẽ và vẫn nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt trước đây, chứ không có 2 nhánh rẽ như hiện tại.

Bộ Xây dựng đã đề nghị TP HCM tổ chức kiểm tra làm rõ việc thay đổi hướng tuyến này nhằm chấm dứt khiếu kiện.

Kiên Cường

------------------------------------------------

source

http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/08/3BA121DE/

Wednesday 5 August 2009

Tại sao GM phá sản?

June 11, 2009

Tại sao GM phá sản?

Đỗ Quý Toàn-Việt Tribune

Chiếc xe mới đầu tiên tôi mua sau khi định cư ở Canada, là một chiếc xe Chevrolet do công ty General Motors chế tạo. Trong bốn năm trước đó tôi lái một chiếc xe cũ mua lại, do người bà con có lòng tốt bán rẻ cho. Mua xe mới là một quyết định rất ghê gớm trong thời gian đó; tôi vào thư viện nghiên cứu các số báo Consumer Reports rất kỹ, rồi mua. Khi lái chiếc xe mới từ dealer ra, nổi lên niềm hãnh diện của một người di dân mới, từ nay cảm thấy bắt đầu an cư lạc nghiệp.

Giám đốc điều hành GM, ông Fritz Henderson phát biểu phá sản ngày 1 tháng 6, 2009.SPENCER PLATT/GETTY IMAGES

Xe tự động bốc cháy
Cái xe đó, lái chưa được ba năm, đi chưa tới 80 ngàn cây số (50 ngàn miles) một bữa tự dưng bốc cháy! Bữa đó chúng tôi đi xa về, đang lái trên xa lộ thì nhìn thấy khói tỏa ra từ đầu máy. Táp xe lại đậu ven đường, mở cái nắp ra xem có cái gì lạ không (vô cùng dại dột, đừng bao giờ làm thế!) bỗng lửa bật phừng lên, may không bị cháy mặt! Khi cảnh sát xa lộ đến giúp, hỏi ra mới biết là mỗi ngày họ vẫn thấy hàng chục chiếc xe tự động cháy như thế.
Từ đó tôi không bao giờ mua xe Chevrolet nữa. Lúc sang ở California tôi lại có dịp lái xe Mỹ, một chiếc xe cũ do người anh tặng cho. Chiếc xe Mỹ thứ hai này do hãng Ford làm, lúc tôi bắt đầu dùng nó đã bẩy tám tuổi, chạy hơn 135,000 miles rồi; nhưng nó bền lạ lùng, chẳng bao giờ bị bệnh vặt cả. Tôi lái chiếc xe Ford đó suốt 12 năm, khi đồng hồ chỉ gần 200,000 miles mới ngưng. Phải ngưng vì một bữa cái xe đó cũng tự nhiên bốc cháy! Lần thứ nhì này, 25 năm sau lần đầu, tôi khám phá ra xe đang cháy khi mới đậu xe bên cột xăng và đang chuẩn bị đổ xăng vô bình đã mở nắp! Khi thoáng nhìn thấy có làn khói nhè nhẹ bốc lên ở đầu xe, nhớ kinh nghiệm cũ, tôi bình tĩnh cài cái vòi xăng trở lại cột, đóng nắp bình xăng cái xe lại; rồi vẫy tay kêu mấy người đang đứng gần giúp đẩy cái xe ra thật xa. Mọi người ai cũng hết lòng đẩy giúp!
Không phải vì những kinh nghiệm trên mà tôi bớt tin tưởng vào xe Mỹ. Nhưng cũng giống nhiều người Việt sống ở Bắc Mỹ, hiện nay tôi đang lái xe Nhật. Đây là một vấn đề tâm lý xã hội mà các công ty xe Mỹ sẽ phải đương đầu: Làm sao chinh phục được các người đã bỏ họ ra đi, làm sao khiến họ lại tin tưởng vào xe Mỹ. Vì đa số người Mỹ thuộc thế hệ trẻ hơn 60 và những người di dân mới tới thường có thành kiến đối với xe Mỹ. Việc phá sản của hai trong ba công ty xe lớn nhất ở Detroit càng làm cho người ta ngần ngại khi mua xe Mỹ. Nhưng đằng sau những vụ phá sản đó thì ta biết các công ty Mỹ thực sự đều có khả năng chế tạo những chiếc xe rất tốt, với hiệu năng cao không kém gì xe Nhật, trong đó có Chevrolet Volt, loại xe chạy cả điện lẫn xăng mà các chuyên viên cho là có nhiều kỹ thuật đi trước Prius của Toyota rất xa. Sự thất bại của các công ty xe hơi Mỹ không phải do khả năng kỹ thuật thua kém, mà do chính sách quản lý, tiếp thị và sản xuất thường chỉ nhắm vào lợi lộc ngắn hạn. Ngoài ra, cơ cấu tổ chức tản quyền quá rộng, khó thay đổi. Có thể nói là trong 40 năm qua họ không chú ý đến khách hàng như các công ty Nhật Bản, Đức hoặc Thụy Điển. Nếu họ rút được bài học này mà thay đổi thì chỉ trong vòng 5 đến 10 năm sẽ chinh phục được khách hàng trở lại.
Trong trường hợp công ty General Motors phá sản, có người thấy nguyên do là từ những quyết định sai lầm từ những năm 1990. Có người tìm ra nguyên nhân xa hơn, bắt nguồn từ mấy chục năm trước, vì cơ cấu tổ chức của GM kềnh càng quá, một công ty mà có 5, 7 phân bộ tách biệt với những nhãn xe nhắm vào đủ các loại túi tiền, đủ các loại sở thích. Nhưng có một nguyên cớ từ bên ngoài góp phần gây nên là chính trị làm hại kinh tế..
Ai cũng biết kỹ nghệ xe hơi Mỹ bắt đầu bị xe nhập cảng cạnh tranh ráo riết nhất từ thập niên 1970, sau vụ khủng hoảng dầu lửa đầu tiên do các nước Á rập sản xuất dầu gây ra. Trước đó, công ty General Motors chiếm một nửa thị trường xe hơi ở Mỹ – so với bây giờ chỉ còn khoảng 19%. Khi xăng lên giá, những chiếc xe Nhật, Đức bán vào Bắc Mỹ bán chạy vì ít hao xăng. Sau đó, người tiêu thụ còn thấy là những chiếc xe ngoại nhập này cũng bền nữa. Người ta mua vì biết là sau khi lái xe ba bốn năm đem bán lại được giá cao hơn xe Mỹ cũ. Tuy nhiên, với những người tiêu thụ có tiền thì họ vẫn thích đi xe Mỹ vì trông xe đẹp mắt hơn, xe được quảng cáo gây ấn tượng giầu sang hơn, trong khi các xe nhập cảng thường thấp, bé, giản dị, không lôi cuốn.

CAFE có lỗ hổng
Sau vụ khủng hoảng dầu lửa 1973, cả nước Mỹ ý thức được vấn đề tiêu thụ hoang phí năng lượng của họ, đi đôi với tình trạng lệ thuộc vào dầu nhập cảng từ Trung Đông. Để giảm bớt tình trạng lãng phí trên, chính phủ và quốc hội Mỹ làm luật bắt buộc các nhà sản xuất xe phải chế xe hơi với hiệu năng sử dụng xăng cao hơn. Họ đặt ra những tiêu chuẩn, gọi là CAFE, thí du, bắt đầu từ năm nào đó thì mỗi ga lông xăng phải chạy trung bình được bao nhiêu dặm (mile), không được thấp hơn. Dân Mỹ ủng hộ đường lối kiểm soát này vì giá xăng lên cao ai cũng muốn tiết kiệm.
Nhưng bước sang thập niên 1980 thì giá xăng, giá dầu thô lại xuống. Các hãng xe Mỹ vẫn theo đúng tiêu chuẩn CAFE không dám bỏ. Nhưng đồng thời họ thấy là những loại xe nhỏ và ít hao xăng đó không kiếm ra tiền nhiều, không phải là nguồn lợi tức tốt nhất cho công ty. Trong thị trường xe nhỏ, họ phải cạnh tranh với xe Nhật. Những xe Nhật thường bán giá đắt hơn nhưng vẫn có nhiều người mua vì họ thấy chúng bền, nghĩa là khi bán lại vẫn được giá. Những chiếc xe Mỹ loại tiết kiệm muốn cạnh tranh với Honda và Toyota phải dùng những kỹ thuật “Khuyến Mại” rất mạnh; như bớt giá, cho mua trả góp mà không tính tiền lời, vân vân. Những kỹ thuật chiêu mại đó có kết quả, xe bán được thêm, nhưng vì thế mà mức lời xuống quá thấp.
Cùng lúc đó, các hãng xe Mỹ khám phá ra một thị trường rất “béo bở,” là những xe to lớn kềnh càng lại được dân Mỹ ưa thích. Một là những chiếc xe “vận tải” nhỏ, hai là loại xe SUV. Cả hai loại xe “to béo” này bán chạy, nhất là bán cho đàn ông Mỹ. Loại xe tải nhỏ trước đây vẫn được các nông gia và các công nhân độc lập sử dụng, vừa để chở đồ khi làm việc, vừa dùng chạy hàng ngày. Ngoài hai lớp người đó, có những ông Mỹ cảm thấy cũng muốn tạo cho mình hình ảnh của những người công nhân và nông dân mạnh khỏe đó. Dù họ chỉ ngồi bàn giấy suốt ngày, họ cũng trở thành khách hàng của loại xe to lớn và tốn xăng này. Xe SUV với cái tên có chữ Sport nghe có vẻ thể thao, Utility Vehicle nghe có tính chất thực dụng. Loại xe SUV này mô phỏng theo những xe Jeep và xe Land Rover có từ nửa thế kỷ trước, bây giờ làm cho chúng trông bớt cục mịch đi một chút, tiện nghi hơn một chút, và vẫn giữ vẻ nghênh ngang. Trước kia chỉ những người đi rừng, leo núi mới cần dùng loại xe này; bây giờ các ông bà Mỹ nào muốn mang hình ảnh vừa thể thao vừa thực dụng cũng đua nhau lái SUV.
Các công ty xe Mỹ khám phá ra là sản xuất các xe tải nhỏ và SUV có lời cao hết xẩy. Vì chỉ cần đem những chiếc xe thường thay đổi chút đỉnh, thí dụ tốn thêm vài ba ngàn bạc, nhưng sau đó có thể bán với giá cao hơn năm bẩy ngàn đô la! Thế là các công ty ở Detroit dồn sức vào các loại xe hái ra tiền này; sau đó mấy năm các hãng xe Nhật và Đức cũng bắt chước để khỏi vắng mặt trong một thị trường béo bở.
Phong trào đi xe lớn và làm xe lớn này phát triển được là vì trong những luật lệ về tiêu chuẩn CAFE có những lỗ hổng. Lỗ hổng lớn nhất là điều luật nói rằng những xe được xếp vào loại “xe tải” có thể không cần theo đúng luật về hiệu suất khi dùng năng lượng.
Thế là các công ty ở Detroit kiếm bộn tiền nhờ sản xuất những chiếc xe tốn xăng đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu thụ Mỹ. Họ không cảm thấy thúc bách phải cải thiện những mặt khác. Và các nghiệp đoàn thợ xe hơi cũng không bị thúc bách phải nhượng bộ về những chi phí lao động mà các hãng xe Mỹ phải chịu. Vì những hợp đồng mà các hãng xe hơi ký với công đoàn UAW trong những năm thịnh vượng cam kết những khoản lương bổng và hưu trí quá lớn. Các hãng xe Nhật và xe Âu châu làm ở Mỹ không phải theo các hợp đồng đó vì các công nhân của họ không thuộc UAW, cho nên chi phí sản xuất mỗi chiếc xe Toyota hoặc BMW làm ở Mỹ rẻ hơn các xe Mỹ cùng loại khoảng 1,400 đô la!
Các nhà quản đốc chăm chú kiếm tiền ngay tức khắc nhờ bán những loại xe to lớn kềnh càng nên không lo tương lai lâu dài khi giá dầu lên. Lối làm ăn chỉ nhìn lợi nhuận ngắn hạn đó đã làm hại các công ty xe hơi Mỹ.

Không ai dám tăng thuế xăng
Khi quốc hội và chính phủ Mỹ làm những đạo luật CAFE ấn định tiêu chuẩn dùng xăng của máy xe, họ đã để chính trị can thiệp vào kinh tế, mà cuối cùng mục tiêu chính trị của họ không đạt được! Mục tiêu là tiết giảm việc sử dụng xăng dầu, rất đáng hoan nghênh. Nhưng cách giản dị nhất bắt toàn dân tiết kiệm xăng dầu là tăng thuế đánh trên giá xăng! Khi giá xăng tăng thì tự động cả nước tiết kiệm. Các nước Âu châu và Nhật Bản họ sống với giá xăng đắt gấp đôi ở Mỹ từ đời cha sang đời con, họ tự nhiên mua xe nhỏ, làm xe nhỏ.
Nhưng không một nhà chính trị nào ở Mỹ, cho đến bây giờ vẫn vậy, dám đụng vào thuế xăng! Để tránh né quyết định khó khăn đó, mà vẫn muốn dân tiết kiệm năng lượng, cho nên các nhà lập pháp làm ra những tiêu chuẩn nhiêu khê; mà vẫn để hở ra đầy những lỗ hổng! Các hãng xe Mỹ cứ sản xuất các loại xe to lớn hái ra tiền, chẳng thấy nhu cầu cải thiện hiệu năng là cấp bách.
Cho đến khi giá dầu lửa tăng vọt (năm ngoái có lúc lên tới 147 đô la một thùng) và xăng tăng giá tới 4 đô la một ga lông, thì người tiêu thụ bỏ chạy, các hãng xe Mỹ bắt đầu lỗ! Họa vô đơn chí, cuộc khủng hoảng nhà cửa khiến nhiều người hoãn không mua xe mới vì thiếu tiền. Khủng hoảng tín dụng khiến người ta khó vay tiền mua xe! Đó là những nguyên nhân trực tiếp đẩy Chrysler và GM vào cảnh phá sản! [ĐQT]

---------------------------------------------------

source

Viet Tribune Online

TGĐ CMC Infosec Triệu Trần Đức: 'Chúng tôi bị vạ lây!'

- Trước hiện tượng những nội dung lăng mạ, bôi xấu danh dự nhằm vào cá nhân ông Nguyễn Tử Quảng và phần mềm diệt virus BKAV tiếp tục xuất hiện trên trang chủ của mạng xã hội Facebook tiếng Việt (www.facebook.vn) và trên tiêu đề trạng thái cảm xúc của người dùng Facebook, để có thêm những đánh giá khách quan, VietNamNet đã phỏng vấn ông Triệu Trần Đức, Tổng giám đốc Công ty CMC InfoSec về vụ việc.

CMC Infosec bị
CMC Infosec bị "vạ lây" khi được nhắc đến trong nội dung bôi nhọ BKAV xuất hiện trên Facebook tiếng Việt. (Ảnh chụp màn hình chiều 05/08/2009).
VietNamNet: - Là một chuyên gia về an toàn thông tin, ông nhận định thế nào về nguyên nhân gây ra sự cố trên trang chủ Facebook tiếng Việt, do bị hacker tấn công hay do bị cộng tác viên chuyển ngữ lạm dụng?

- Ông Triệu Trần Đức: Rõ ràng là Facebook tiếng Việt bị cộng tác viên chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt tiếp tục lạm dụng như những sự cố đã từng xảy ra. Theo tôi việc làm như vậy không theo tinh thần của Facebook khi họ mở ra nền tảng của mình và cho mọi cá nhân tùy biến. Nguời dùng nên cân nhắc kỹ trước khi đưa các nội dung lên trang của mình.

- Việc lợi dụng kẽ hở trong quá trình chuyển ngữ để đưa các thông tin bôi xấu cá nhân lên Facebook tiếng Việt có khó hay không?

Về phương diện bảo mật, việc tham gia vào nhóm cộng tác chuyển ngữ của Facebook tiếng Việt không có gì là khó khăn, chỉ cần là một thành viên có nhiều hoạt động tích cực, được cộng đồng người dùng Facebook tiếng Việt đánh giá tốt và bỏ phiếu tín nhiệm, chứ không cần phải xâm nhập hệ thống bảo mật, thực hiện hành vi phá hoại gì.

- Một số thông điệp bôi xấu trên trang chủ Facebook tiếng Việt nhằm vào phần mềm diệt virus BKAV có so sánh CMC Infosec như một sản phẩm thay thế tốt hơn. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Kể từ khi sự cố xảy ra, chúng tôi đã bắt đầu bị "vạ lây", thiệt hại về uy tín với người sử dụng và không hề thu được một chút lợi ích nào. Rất nhiều người sử dụng Facebook cho rằng CMC InfoSec có liên quan và đã liên hệ với chúng tôi tỏ ra bức xúc vì CMC InfoSec làm thay đổi thông tin trạng thái trên trang chủ Facebook của họ.

Mô tả ảnh.
Nội dung bôi nhọ BKAV và so sánh với CMC Antivirus được nhiều người dùng Facebook vô tình phát tán tới bạn bè. (Ảnh chụp màn hình chiều 5/8/2009).
Một số bạn chưa hiểu rõ vấn đề còn có những lời lẽ phản cảm và thiếu tế nhị. Tuy rằng vụ việc không hề liên quan đến CMC InfoSec, chúng tôi luôn trân trọng người sử dụng và vì vậy chúng tôi rất lấy làm tiếc vì sự cố đã xảy ra với người dùng. Chúng tôi hi vọng ban quản trị Facebook sớm giải quyết mọi vấn đề.

Tôi khẳng định CMC Infosec không có bất cứ liên quan nào tới vụ việc này. Chúng tôi luôn tập trung mọi nỗ lực cho việc phát triển sản phẩm thật tốt, việc đánh giá chất lượng hoàn toàn do người dùng quyết định và cách tiếp thị bằng cách nói xấu đối thủ cạnh tranh đã, đang và sẽ không bao giờ là văn hóa của CMC Infosec.

- Xin cảm ơn ông.

Huy Phong
----------------------------------------------------
source
http://www.vietnamnet.vn/cntt/2009/08/861899/
Vụ bôi xấu BKAV trên Facebook tiếng Việt:

TGĐ CMC Infosec Triệu Trần Đức: 'Chúng tôi bị vạ lây!'

Cập nhật lúc 18:17, Thứ Tư, 05/08/2009 (GMT+7)

Monday 3 August 2009

Có hiện tượng lún cục bộ ở hầm hiện đại nhất VN

- Kết quả quan trắc từ tháng 4 đến tháng 7 cho thấy, hiện tượng lún cục bộ tại mấu nối là nguyên nhân gây ra hiện tượng rò rỉ, thấm ở các đốt hầm Kim Liên trong thời gian gần đây.

Xuất hiện thêm nhiều điểm rò rỉ

Nửa tháng sau ngày phát hiện vết rò rỉ đầu tiên tại điểm nối giữa đốt hầm 8-9, đến thời điểm này, tại hầm cơ giới Kim Liên, đã xuất hiện thêm 3 điểm rò rỉ nước.

Tại điểm nối giữa đốt hầm 8-9, nước tiếp tục thấm mang theo màu của phụ gia vàng sẫm, pha nhựa đen tràn ra ở khe co giãn phía tường hầm (theo hướng Đại Cồ Việt - Đào Duy Anh) tạo thành những vệt màu ố dài trên 2m.

Mô tả ảnh.
Điểm rò rỉ ở mối khe nối đốt hầm 8-9 cách nay nửa tháng vẫn chưa được xử lý

Cũng tại mấu nối này, ngay chính giữa trần hầm cũng xuất hiện một vệt đen sẫm dài gần 1m. Phía dưới, ngay trên dải phân cách hai làn hầm, nước tiếp tục nhỏ giọt rồi lan xuống mặt đường.

Mô tả ảnh.
Nay lại xuất hiện thêm nhiều điểm rò rỉ mới

Cách đó không xa, đi từ phía làn Đào Duy Anh sang Đại Cồ Việt, vừa đi hết phần hầm hở, vào hầm kín chừng 5m cũng dễ dàng bắt gặp những vệt ố vàng ở một khe nối khác.

Sẽ có hội đồng tư vấn độc lập

Ban Quản lý các dự án trọng điểm cho biết, kết quả quan trắc trong 4 lần gần đây nhất (từ tháng 4 đến tháng 7/2009) của tư vấn và nhà thầu báo cáo cho chủ đầu tư cho thấy, đã có hiện tượng lún cục bộ với độ lún từ 1mm-2mm tại mấu nối.

Nhà thầu Taisei đã đề xuất phương án chống thấm và đã được tư vấn JBSI (Viện Kết cấu và cầu Nhật Bản) phê duyệt, dự kiến thi công từ ngày 10/8 này.

Mô tả ảnh.
Vết thấm ở trần hầm

Mô tả ảnh.
Chảy xuống dải phân cách

Về phương án này, theo Ban Quản lý dự án các công trình trọng điểm Hà Nội (chủ đầu tư), đã có sự bàn bạc và thống nhất giữa tư vấn, nhà thầu với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam như Viện Bê tông - Viện Khoa học kỹ thuật xây dựng (Bộ Xây dựng), Viện Thủy công - Viện khoa học thuỷ lợi... trong một cuộc họp cuối tháng 7 vừa qua.

Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình trọng điểm, ông Nguyễn Sỹ Bảo cho biết, Chủ tịch UBND thành phố cũng đã xuống kiểm tra công trình và đã cáo cáo lên UBND TP.Hà Nội về phương án xử lý thấm của nhà thầu.

"Tuy nhiên, với tính chất của một công trình trọng điểm như thế này, ngoài tư vấn do nhà thầu thuê, Ban cũng thành lập một Hội đồng tư vấn độc lập gồm các chuyên gia của Cục Giám định, Viện Khoa học thuỷ lợi...cũng như những tổ chức đủ pháp nhân, năng lực để đánh giá, kiểm định kết quả xử lý thấm sắp tới và quan trắc lún phục vụ cho công tác nghiệm thu về sau", ông Bảo nói.

Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, ông Ngô Quý Tuấn thông tin thêm: "Để đảm bảo chất lượng lâu dài của công trình, Ban đã yêu cầu Tư vấn và nhà thầu phải hoàn chỉnh báo cáo biện pháp tổ chức thi công xử lý thấm triệt để, báo cáo tính chất cơ lý của vật liệu. Tới đây, Tư vấn cần kiểm tra, đánh giá kết quả thí nghiệm vật liệu mà nhà thầu đưa vào xử lý thấm, hoàn công các điểm xử lý, theo dõi thường xuyên kết quả sau xử lý. Riêng các khu vực xử lý thấm, nhà thầu sẽ tạm ngưng công tác hoàn thiện mặt đường nút này".

Ban Quản lý các dự án trọng điểm một lần nữa khẳng định, khi bàn giao chính thức vào ngày 31/12/2009, các hiện tượng rò rỉ trên sẽ không còn.

  • Chí Hiếu - H.Huy
------------------------------------------------
source
Hà Nội:

Có hiện tượng lún cục bộ ở hầm hiện đại nhất VN

Cập nhật lúc 06:36, Thứ Ba, 04/08/2009 (GMT+7)
http://www.vietnamnet.vn/xahoi/2009/08/861604/