Thursday 26 August 2010

Tiền, sex và tình yêu ở TP. HCM


Tiền, sex và tình yêu ở TP. HCM

Mại dâm và buôn người thường bị lên án (ảnh minh họa)

Nạn buôn người và sự liên hệ giữa HIV và mại dâm tại Việt Nam đã được nói đến nhiều. Mới tháng Sáu năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo, đưa Việt Nam vào danh sách loại 2 (cần được theo dõi). Trên thế giới, cả người theo quan điểm bảo thủ lẫn tự do đều cố gắng quyên tiền, xây dựng các tổ chức phi chính phủ (NGO) để cứu những phụ nữ bị buôn bán qua biên giới hoặc bị bắt bán dâm.

Tuy vậy, sự tập trung quá mức vào vấn nạn buôn người ở Việt Nam khiến chúng ta có thể bỏ qua cuộc sống của những cô gái không bị ép làm nghề bán dâm. Bài viết của tôi muốn hé lộ cuộc sống của những phụ nữ tự nguyện làm nghề bán dâm ở Việt Nam, và quan sát những người đàn ông – địa phương và nước ngoài – hưởng thụ sex.

Khách hàng thay đổi

Trong thập niên đầu tiên kể từ sau Đổi mới 1986, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến tiền kiều hối của Việt kiều tăng vọt. Ví dụ, thống kê năm 2005 của Ngân hàng Thế giới cho biết Việt Nam nhận gần 4 tỉ đôla kiều hối, chiếm 8% GDP đất nước. Luồng vốn và nhân lực nước ngoài đổ vào đất nước cũng gia tăng. Báo chí cũng tường thuật rằng đến năm 2009, nguồn vốn chủ yếu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã chuyển từ Mỹ, châu Âu sang các nước châu Á như Đài Loan, Nam Hàn, Malaysia, Nhật Bản, Singapore.

Những thay đổi kinh tế vĩ mô này đã biến đổi cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, và cũng ảnh hưởng cả ngành công nghiệp tình dục. Các khu vực mới trong ngành công nghiệp sex xuất hiện khi mà khách hàng nam giới cũng có những đổi thay về giai cấp và chủng tộc.

Ví dụ, giai đoạn 2006-07, tôi phát hiện rằng khách hàng trả tiền cao nhất chủ yếu là Việt kiều hưởng thụ trong khi về Việt Nam chơi hay thăm gia đình. Điều này không ngạc nhiên vì khi đó, tiền kiều hối còn cao hơn FDI.

Nhưng đến năm 2009, khu vực cao giá nhất trong ngành công nghiệp sex lại quay sang phục vụ các doanh nhân người Việt trong nước và châu Á. Trung bình một tháng họ bỏ ra 15000- 20000 đôla ở các quán bar cao cấp. Những quán bar này chỉ có hệ thống karaoke bình thường, nhưng điều duy nhất đưa chúng lên thành cao cấp là loại rượu whisky, Johnny Walker Blue Label. Các cô phục vụ cũng bán dâm cho nhiều khách hàng, và có thu nhập trung bình 2000 đôla một tháng nhờ tiền boa, và khoảng 150 – 200 đôla cho mỗi lần qua đêm với khách.

Trao đổi với các cô gái, tôi nhanh chóng nhận ra là rất ít cô ở TP. HCM xem mình là bị bắt đi bán dâm. Thực tế, nhiều cô gái nói rõ là họ xem công việc này còn ít bị bóc lột hơn là nghề bồi bàn, giúp việc hay làm trong xưởng may.

Những cô gái ở quê sợ sệt hay chậm chạp mới phải đi làm nhà máy, kiếm 700.000 đồng một tháng.

Vân, một cô gái bar

Vân, một cô gái 24 tuổi, nói: “Những cô gái ở quê sợ sệt hay chậm chạp mới phải đi làm nhà máy, kiếm 700.000 đồng một tháng. Họ sẽ luôn nghèo vì không đủ dũng cảm hay thông minh để đổi đời.”

“Những người thông minh bỏ nhà máy, đi làm ở bar vì số lương kia họ kiếm được chỉ sau một giờ, và khách hàng đối xử còn đàng hoàng hơn ông chủ nhà máy.”

Các quán bar cao cấp là không gian nơi đàn ông trong nước chứng tỏ cho đối tác Á châu thấy rằng mặc dù Việt Nam là đất nước nhỏ, nước này cũng là dân chơi máu mặt trong nền kinh tế toàn cầu. Sau khi nốc sáu chai whisky, Thắng, một doanh nhân 56 tuổi, giải thích: “Thời kỳ Việt kiều đã qua rồi. Dân trong nước nay đi xe Bentley giá nửa triệu đôla. Khi dân Việt Nam đã chơi, thì còn dữ hơn dân Á châu hay Việt kiều.”

Cho dù doanh nhân trong nước và Á châu chiếm lĩnh khu vực cao giá nhất của ngành công nghiệp sex, đàn ông Việt kiều cũng không kém mấy. Khách hàng Việt kiều thường đến các club mở cho công chúng. Bên trong là bàn ghế để ngồi, uống rượu, có khi xem nhạc sống và mời các cô PG (promotion girl) đến bàn. Đêm đến, khách hàng có thể chèo kéo một cô gái nào đó qua đêm với giá chừng 100 đôla.

Công việc 'thực sự'

Nhiều cô gái muốn từ nông thôn ra thành phố bằng nhiều cách khác nhau (ảnh minh họa)

Một buổi tối ở quán bar vắng khách, tôi nói chuyện với các cô về nghề của họ. Tôi hỏi họ có muốn tìm nghề khác không. Yến, 23 tuổi, nói: “Em xem đây là công việc thực sự. Nếu phục vụ trong nhà hàng hay quán cà phê, chỉ được khoảng 4 triệu đồng một tháng. Số tiền đó hai đêm ở đây là được, mà lại còn vui hơn. Em được gặp bao nhiêu người từ khắp thế giới.”

Thoại, 24 tuổi, nói thêm: “Người ta nghĩ em hẳn phải ngu lắm, em làm nghề này vì không tìm được việc. Nhưng ở đây em kiếm nhiều tiền hơn, thế ai ngu hơn? Khi em mới tới Sài Gòn, em làm ở xưởng có lương 1 triệu đồng một tháng. Ở Sài Gòn, lương vậy sao mà sống?”

Cũng có những quán bar phục vụ người Tây phương làm việc ở Việt Nam và du lịch ba lô. Chúng khác với các quán cho dân trong nước và Việt kiều ở chỗ đàn ông ở đây có thể mua bia rẻ tiền chỉ có 2 đôla. Năm 2007, tôi gặp Linh, 22 tuổi, làm ở khu dành cho các nhóm du lịch ba lô. Khi ấy, cô có quan hệ với 3 người khác nhau. Họ gửi tiền cho cô hàng tháng, rồi lại cả một khoản lớn để mở cửa hàng, giúp cô nuôi người cha đau yếu. Khi được hỏi cô có yêu người nào không, cô nói: “Khi mới vào nghề, em còn trẻ, không khôn ngoan lắm. Tôi yêu dễ dàng và rồi đau khổ. Nay em muốn thay đổi đời mình trước tiên, yêu là chuyện đi sau.”

Tình yêu

Vài tháng sau, Linh giới thiệu cho tôi gặp James, một người đàn ông 60 tuổi về hưu từ Úc. Tôi ngạc nhiên khi biết ông ta không chỉ tìm kiếm sex. Ông muốn yêu một cô gái mà ông mô tả là “trung thực, chăm làm, nhưng mắc kẹt ở đất nước thế giới thứ ba không có nhiều cơ hội.” James không đề cập chuyện lấy tiền đổi sex, mà ông xem quan hệ với Linh dựa trên tình yêu thật. Ông cũng tin rằng cô ấy yêu ông. Ông bày tỏ niềm tin rằng ông sẽ là người “cứu” cô ra khỏi cuộc đời làm gái bar.

Hai năm sau, 2009, Linh và James kết hôn và cô được cấp visa di cư sang Úc. Ở buổi tiệc chia tay, tôi hỏi: “Em có yêu anh ta không?”.

Cô trả lời: “Tụi em vất vả lắm để có visa, và ảnh rất cố gắng. Nay em yêu ảnh. Trong đời này hên sui thôi, em cảm thấy rất may mắn.”

Quan hệ của Linh và James minh họa cho cách mà các cô gái bán dâm đã có ý thức vượt qua lằn ranh giữa chuyện “ăn bánh trả tiền” và góc cạnh thân mật hơn. Những phụ nữ có vẻ yếu ớt lại có thể lợi dụng hệ thống áp bức họ, có lợi nhờ mối liên hệ đa quốc gia. Công việc bán dâm đôi khi chuyển hóa thành quan hệ thân mật, và nếu họ “may mắn”, họ còn có thể có những tình yêu chân thật.

Về tác giả:Kimberly Hoang là nghiên cứu sinh Khoa Xã hội học, Đại học California tại Berkeley. Cô viết riêng bài này cho BBC Việt ngữ, dựa trên bài nghiên cứu học thuật dài hơn đã đăng trên tạp chí Sexualities tháng Tư 2010.

source

BBC Vietnamese

Đàm Vĩnh Hưng trưng bằng chứng


Đàm Vĩnh Hưng trưng bằng chứng Gian Lận Visa - Trốn Thuế

Các trang mạng trong nước và trang mạng ĐVH ngày 5 tháng 8 đã đưa một tấm hình chụp Visa của Đàm Vĩnh Hưng dưới dạng P3 và kèm theo bài viết "Đàm Vĩnh Hưng khẳng định không hát 'chui'". Nhiều đọc giả trong nước tin rằng Đàm Vĩnh Hưng đã chứng minh được là anh không gian lận trốn thuế khi qua Mỹ hát . Sự thật như thế nào ? Xuân Nhi điện hỏi Ls Vũ Thành lập thì được ý kiến khác chiều !
Xuân Nhi : Kính thưa Ls Vũ Thành lập, ĐVH đã đưa lên mạng bản Visa P3 để chứng minh là anh không hát lậu khi vào Mỹ, xin Ls cho ý kiến .
Bức ảnh chụp visa đi Mỹ của Đàm Vĩnh Hưng đăng trên website của anh trong ngày 3/8. Ảnh: damvinhhung.ws.
Ls Vũ Thành lập: Đàm Vĩnh Hưng có khuynh hướng gian lận vì theo tôi được biết trong khỏang 4 của điều luật Visa P3 là người qua Mỹ hát, trình diễn về nghệ thuật có thể được làm việc để lãnh lương, tuy nhiên điều khỏang 4 của Visa P3 nói rõ là người được cấp Visa P3 chỉ được làm việc cho công ty đã bảo lãnh và nếu làm việc cho công ty khác thì phải xin Visa khác chứ không được dùng một Visa để làm việc cho nhiều công ty khác nhau.
Trong Visa Đàm Vĩnh Hưng đưa ra ghi rõ công ty Saigon Entertainment Inc bảo lãnh cho ĐVH qua Mỹ hát thì Đàm Vĩnh Hưng chỉ được hát cho các chương trình do công ty Saigon Entertainment Inc tổ chức mà thôi . Theo tôi được biết là Đàm Vĩnh Hưng đã hát cho nhiều chương trình do các Công Ty Khác Tổ Chức không có tên bảo lãnh trên Visa .
Nếu một ca sĩ được cấp Visa P3 qua Mỹ hát cho công ty Saigon Entertainment Inc mà lại hát chui (làm việc cho công ty khác không có tên trong Visa ) là phạm luật , hơn nữa trưng bằng chứng không hợp lệ , dùng Visa của công ty bảo lãnh để làm việc cho công ty khác (không có tên trong bảo lãnh) là hành động Fault có thể bị trục xuất nếu người mang Visa P3 cố tình đánh lừa pháp luật .
Xuân Nhi: Xin cám ơn Ls Vũ Thành Lập đã giải thích rõ là Đàm Vĩnh Hưng cố tình gian lận khi qua Mỹ bằng một Visa nhưng làm việc nhiều nơi khác nhau .
4. What are the limitations of P-3 visas?
The limitations of P-3 visa are:
• You may work only for the employer that sponsored you. If you change jobs, you must obtain a new visa
• P-3 visa petitions cannot be approved until the appropriate labor organization is consulted by the USCIS
• Dependents are allowed to stay in the U.S. with you, however they may not work.
source:
Hai Van News

Những cung đường nguy hiểm ở vùng ven Sài Gòn


Những cung đường nguy hiểm ở vùng ven Sài Gòn

Người đàn bà chừng 50 tuổi đang đứng bên đường chờ xe buýt, bất ngờ hai thanh niên cưỡi xe Air Blade ào tới giật phăng sợi dây chuyền trị giá gần 10 triệu đồng phóng mất dạng.

Gần đây, một số tuyến đường khu vực ngoại thành TP HCM thường xuyên xảy ra cướp giật khiến chính quyền địa phương phải treo bảng khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác.

Trưa 24/8, trong bộ quần áo khá sang trọng, bà Hoa (50 tuổi) đứng chờ xe buýt trên đường Nguyễn Thị Tú (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân). Thoáng phát hiện thấy sợi dây chuyền vàng lóng lánh đeo trên cổ, hai thanh niên cưỡi xe Air Blade lao tới giật phăng sợi dây chuyền trị giá gần 10 triệu đồng, phóng mất dạng về phía quốc lộ 1A.

“Dù đã cẩn thận đứng sát góc đường, nhưng vẫn bị bọn chúng giật mất. Sợi dây chuyền tôi mới đeo được vài tháng nay”, bà Hoa mếu máo nói.

Cũng trên tuyến đường này, chập tối 20/8, Nguyệt công nhân khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, hết giờ làm vừa đi bộ vừa gọi điện cho bạn. Bất chợt, hai thanh niên chừng 18 tuổi, đi trên chiếc sports mang biển số Long An đầu không đội mũ bảo hiểm áp sát giật phăng chiếc alo của nữ công nhân.

“Em biết là trên tuyến đường này hay xảy ra cướp giật, nên rất cảnh giác. Thế mà chỉ một thoáng lơ là em mất luôn điện thoại dành dụm gần một tháng lương”, Nguyệt ấm ức kể.

Theo bác Bảy, bán nước lâu năm tại đây, chuyện cướp giật ở đoạn đường này thường vào buổi tối đường vắng lại thiếu ánh sáng. Ngoài chuyện "ăn hàng" nóng, tình trạng trộm xe máy cũng xảy ra. Mùa World Cup vừa rồi, có ngày xảy ra 2, 3 vụ mất xe.

“Đường Nguyễn Thị Tú có nhiều quán cà phê nhạy cảm. Nhiều thanh niên “say” các em môi son, má phấn bên trong quán, xe thường để bên ngoài là mồi ngon cho bọn trộm tác nghiệp”, bác Bảy cho hay.

Nhiều người dân quanh khu vực cho biết thêm, do nằm giáp ranh giữa KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, các huyện Đức Huệ, Đức Hòa (tỉnh Long An) lại thông với quốc lộ 1A, tuyến đường này rất phức tạp. Công an địa phương cũng nhiều lần ra quân triệt phá, nhưng chỉ sau một thời gian bọn chúng lại hoạt động trở lại.

Bảng thông báo được cắm khá nhiều trên các tuyến đường. Ảnh: Vĩnh Phú.

Nằm liền kề với đường Nguyễn Thị Tú, tuyến đường Võ Văn Vân thuộc xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM cũng là điểm nóng của bọn cướp giật, trộm tài sản, xe máy.

Mới đây, tối 25/8, anh Phong đang lưu thông trên tuyến đường trên bỗng có hai thanh niên đi trên chiếc Dream cũ kỹ chạy ngược chiều tông thẳng vào. Bị ngã xuống đường, mặt mày còn choáng váng chưa biết chuyện gì xảy ra, anh Phong đã bị một trong hai tên hùng hổ lao tới chửi thề, dọa nạt: “Mày đi đứng thế à, xe tao mới sửa giờ lại hỏng”. Rồi chúng buộc người đàn ông đưa 500.000 đồng sẽ cho qua, bằng không "sẽ no đòn".

"Đường tối, vắng, thấy chúng có vẻ bặm trợn, đành nhắm mắt móc ví đưa cho chúng 400.000 đồng, năn nỉ cho qua", Anh Phong bức xúc.

Táo tợn hơn, bọn trộm cướp còn vào tận nhà của người dân, phòng trọ của công nhân để ra tay. Nếu vào nhà không thấy ai, chúng lục lọi lấy tiền và những vật dụng có giá trị… còn thấy người ở nhà, bọn chúng vờ mời mua vé số.

"Trộm vặt, xe máy để ngoài sân dù được khóa cổ, không người trông coi là bị cuỗm ngay giữa ban ngày… Cách đây 1 năm, nơi đây còn thường xuyên xảy ra cướp xe ôm”, chị Xuân, một người dân sống trong khi vực nói.

Còn anh Tài, chủ một quán nước giải khát nhận định, từ ngày cơ quan chức năng cắm bảng cảnh báo đỏ: “Chú ý: Khu vực thường xảy ra trộm - tài sản xe mô tô -gắn máy”, người dân đã đề cao cảnh giác hơn. Chính quyền và công an địa phương cũng ra sức tuyên truyền và rà soát địa bàn nên số vụ cướp giật đã giảm. Tuy nhiên, các thành phần bất hảo vẫn xuất hiện.

Tuyến đường Võ Văn Vân chỉ dài hơn 3 km nối với KCN Vĩnh Lộc nhưng có 3 bảng khuyến cáo tình trạng trộm cắp. Tuyến đường Nguyễn Thị Tú, các biển “đỏ” cũng được treo, dán trước nhiều cửa tiệm buôn bán và hộ dân.

Vĩnh Phú

source

http://www.vnexpress.net/GL/Phap-luat/2010/08/3BA1FB01/

Friday 13 August 2010

Huỳnh Ngọc Sĩ 7 lần nhận hối lộ từ nhà thầu Nhật


Huỳnh Ngọc Sĩ 7 lần nhận hối lộ từ nhà thầu Nhật

262.000 USD chỉ là một phần trong tổng số hàng triệu USD hối lộ mà ông Sĩ và PCI thỏa thuận với nhau. Ông này còn đồng ý cho nhà thầu Nhật tăng lương chuyên gia nước ngoài và “dìm” lương kỹ sư trong nước.
> Ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị đề nghị truy tố nhận hối lộ 262.000 USD

Theo cơ quan điều tra, để tiến hành đấu thầu gói thầu tư vấn thiết kế, Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây (TP HCM) mời 5 công ty gồm: PCI (công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương); Nippon Koie; Japan Overseas Consultants Co, Ltd; Nippon Engineering Consultants Co, Ltd và Yachio Engineering Consultants Co, Ltd tham gia.

Khi biết Nhật Bản sẽ tài trợ vốn ODA cho dự án này, các quan chức PCI quyết định phải đưa hối lộ cho các “sếp” phụ trách để nhận được các gói thầu tư vấn dự án. Để từ đó, PCI có thể rút tiền từ ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC - là cơ quan đại diện chính phủ Nhật Bản cho vay), làm vốn thực hiện gói thầu, cũng là nguồn thanh toán tiêu cực phí trên.

Theo đó, ban lãnh đạo PCI tìm cách tiếp cận ông Huỳnh Ngọc Sĩ (giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây, là người có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến dự án).

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ trong phiên tòa xử sai phạm về tài chính trong quản lý dự án đại lộ Đông - Tây. Ảnh: Vũ Mai.

Cơ quan điều tra cũng xác định, trong thời gian ở Việt Nam, các quan chức PCI đều ngụ tại khách sạn Norfolk (TP HCM) và quen biết với ông Nguyễn Thanh Hoàng (Tổng giám đốc công ty Norfolk), bạn đánh golf với ông Huỳnh Ngọc Sĩ.

Trong một lần gặp nhau tại nhà hàng của khách sạn, các quan chức đặt vấn đề “lo lót” cho ông Sĩ để được trúng thầu tư vấn thiết kế. Do có mặt ông Hoàng nên ông Sĩ đã làm ngơ. Tuy nhiên, ngay sau khi các quan chức PCI rời nhà hàng, ông Sĩ đã điện thoại nhận lời và yêu cầu: “Không được nói việc này với bất cứ ai. Chúng ta sẽ gặp nhau tại nơi khác”.

Tháng 2/2001, hai bên thống nhất gặp nhau ở một quán karaoke. Tại đây, ông Sĩ đòi phía PCI phải “chung” 20% giá trị hợp đồng nhưng sau nhiều lần kì kèo, ông Sĩ bớt còn 10%. Dứt giá xong, phía PCI đề nghị ông Sĩ phải cung cấp bản tiêu chuẩn đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu để phía PCI soạn thảo hồ sơ dựa trên tiêu chí này. Ngoài ra, PCI còn ra thêm điều kiện: “Mong ông hãy nhanh chóng thanh toán tiền trả trước cho hợp đồng tư vấn thiết kế này”. Đáp lại, ông Sĩ nói: “Đồng ý, tôi có thể”.

Kết quả điều tra còn cho thấy, khi lập hồ sơ dự thầu gói thầu này, phía PCI đã tính toán đưa đơn giá lương chuyên gia tư vấn nước ngoài ở mức cao để khi trừ khoản tiền đưa hối lộ cho ông Sĩ và khoản giảm trừ khi thương thảo hợp đồng với Ban quản lý thì PCI vẫn còn lãi cao. Biết chuyện này nhưng khi ký hợp đồng, ông Sĩ vẫn “vô tư” chấp thuận, tăng thêm lương chuyên gia nước ngoài lên gần 7 tỷ đồng, cắt hạ lương của chuyên gia trong nước 2,4 tỷ đồng so với dự toán đã được duyệt.

Sau khi trúng thầu tư vấn thiết kế với giá trị hợp đồng là 9 triệu USD, theo tính toán của PCI, công ty này sẽ phải đưa tiền hối lộ cho ông Sĩ là 900.000 USD.

Từ “phi vụ” này, PCI tiếp tục nhờ ông Sĩ chỉ định thực hiện gói thầu tư vấn giám sát mà không phải qua đấu thầu (theo phê duyệt dự án của Chính phủ, gói thầu này phải tổ chức đấu thầu quốc tế).

Tại cuộc gặp gỡ, họ đã hỏi thẳng vị giám đốc dự án Đại lộ Đông - Tây: “Bao nhiêu?”. Ông Sĩ “chốt” ngay: “Không đối thủ cạnh tranh, không danh sách ngắn, quá dễ để nhận được hợp đồng này, 15%”. Lại thêm một cuộc trả giá, ông Sĩ bớt còn 12%. Cuối cùng phía PCI đề nghị: “Ông nói 12%, tôi nói 10%, vậy lấy giá trung bình là 11%”. Ông Sĩ gật đầu.

Cũng theo tính toán của PCI, giá trị hợp đồng này khoảng 15,5 triệu USD và họ phải “chung” cho ông Sĩ 1,7 triệu USD.

Sau nhiều lần nhận “lót tay”, tháng 4/2003, ông Sĩ gọi điện cho PCI yêu cầu đưa tiếp 262.000 USD của hai lần “làm ăn” trên. Lúc này, do quỹ của Văn phòng PCI tại TP HCM không đủ nên PCI Nhật Bản phải chuyển tiền sang Việt Nam để “chung chi” cho ông Sĩ. Một tháng sau, các quan chức PCI phải gom góp nhiều nguồn mới đủ số tiền trên và giao cho ông Sĩ ngay phòng làm việc của ông này tại Ban quản lý dự án.

Về lần giao tiền này, cơ quan điều tra xác định, ngày 28/5/2003, đích thân ông Sakano Tsuneo (Trưởng Văn phòng đại diện PCI tại Việt Nam) và ông Takasu Kunio (thành viên HĐQT, nguyên giám đốc điều hành PCI) vừa từ Nhật Bản bay qua đã mang túi xách đựng 262.000 USD đến Ban QLDA. Trên đường đi, ông Sakano đã gọi điện thông báo với Sĩ là đang cùng một người bạn đến. Đến phòng ông Sĩ, ông Sakano gõ cửa và được ông Sĩ cho vào phòng để “nói chuyện”. Còn ông Takasu Kunio phải đứng ở ngoài vì ông Sĩ cho là “người lạ mặt”. Thấy vậy, vị trưởng Văn phòng đại diện PCI phải giải thích ông Takasu là bạn và là người trực tiếp “chung” tiền thì ông Sĩ mới cho vào.

Cũng theo cơ quan điều tra, với hàng loạt hành vi phạm pháp trên, ông Huỳnh Ngọc đã cố tình làm không đúng với nhiệm vụ được giao, làm theo yêu cầu có lợi cho PCI Nhật Bản để nhận hối lộ 262.000 USD (hơn 4 tỷ đồng). Việc các quan chức PCI đưa hối lộ cho ông Sĩ cũng bị phía Nhật Bản xử lý về tội “vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh” theo luật pháp nước sở tại.

Cơ quan CSĐT Bộ công an cũng xác định, ngoài lần “bỏ túi” 262.000 USD trên (chỉ chiếm 10% số tiền thỏa thuận giữa 2 bên) ông Huỳnh Ngọc Sĩ còn 6 lần nhận tiền hối lộ của PCI . Tuy nhiên, chứng cứ về các lần “lót tay” này phía Nhật Bản chưa cung cấp kịp nên cơ chức năng sẽ tách ra thành vụ án khác.

Ngoài vụ án này, ông Sĩ còn đang thụ án 6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ do có sai phạm về tài chính trong quản lý dự án đại lộ Đông - Tây.

Vũ Mai

source

http://www.vnexpress.net/GL/Phap-luat/2010/08/3BA1F33C/