Sunday 23 September 2012

Lồng đèn nhựa Trung Quốc có chất gây ung thư



Ngày 23.09.2012, 08:41 (GMT+7)
Lồng đèn nhựa Trung Quốc có chất gây ung thư
SGTT.VN - Kết quả phân tích cho thấy mẫu lồng đèn nhựa xuất xứ từ Trung Quốc có chứa chất cadimi (Cd) cao hơn 123 lần mức cho phép. Cd có thể gây ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dị tật thai nhi...
Đây là một trong ba kim loại (hai loại còn lại là chì và thủy ngân) độc hại nhất với cơ thể người.
Gấp 123 lần mức cho phép
Để tìm hiểu độ an toàn của lồng đèn, chúng tôi đã chọn ngẫu nhiên hai chiếc lồng đèn nhìn khá đáng yêu, một mua ở siêu thị và một ở tiệm bán lồng đèn trên phố. Mẫu thứ nhất là một chú chuồn chuồn có đôi cánh màu xanh, điểm vài bông hoa màu xanh da trời với đôi mắt xanh biếc. Khi lắp pin vào, lồng đèn chuồn chuồn đưa đôi cánh lên xuống nhịp nhàng. Mẫu thứ hai là một lồng đèn nhựa hình con chim vừa biết vỗ cánh lại biết chạy nhảy tung tăng nếu lắp pin vào sử dụng. Đẹp, giá không rẻ (từ 65.000-75.000 đồng/chiếc), lại được ghi xuất xứ rõ ràng, có nhà nhập khẩu hẳn hoi... là những lý do khiến nhiều ông bố, bà mẹ vô tư “rinh” về nhà những chiếc lồng đèn nhựa như trên.
Mẫu lồng đèn con chuồn chuồn đã được xét nghiệm có chất độc gấp 123 lần mức cho phép. Ảnh: tto
Hai mẫu lồng đèn này được đưa đến Viện Khoa học vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học kiểm tra. Theo kết quả kiểm nghiệm, thành phần nhựa trong hai mẫu lồng đèn nói trên không độc hại. “Dù sản phẩm của hai nhà phân phối khác nhau, của hai địa chỉ sản xuất khác nhau nhưng đều có chung một nguyên liệu sản xuất là nhựa APS (nhựa tái chế) và PE” - TS Trần Ngọc Quyển, phó trưởng phòng vật liệu - hóa dược Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, cho biết. Tuy nhiên, nhà phân phối chỉ ghi chung chung hoặc ghi không đúng thành phần như kết quả kiểm nghiệm. Lồng đèn con chuồn chuồn chỉ được ghi chung chung về thành phần là “nhựa”, còn lồng đèn con chim thì ghi sai thành phần gồm nhựa PP, PE mà không phải là APS và PE.
Đáng chú ý, kết quả kiểm nghiệm nói trên ở mẫu lồng đèn con chuồn chuồn cho thấy hàm lượng Cd trong sơn phủ rất cao: 7.390 microgram/kg (muối cadimi sử dụng như là chất tạo màu trong nhiều loại nhựa). Lượng Cd này gấp đến 123 lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em do Bộ Khoa học - công nghệ ban hành ngày 4-5-2011. Ông Hoàng Lâm, phó giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, cho biết: “Lượng Cd được phép có trong đồ chơi trẻ em theo tiêu chuẩn Việt Nam là 60 microgram/kg, nếu trên 7.000 là quá cao”.
Gây ung thư, dị tật thai nhi...
TS Quyển cho biết Cd là một trong ba kim loại được coi là nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người (hai thứ còn lại là chì và thủy ngân). Cd gây ngộ độc do cạnh tranh với một số kim loại (canxi, kẽm, sắt...) là thành phần chính của nhiều vi chất và men sinh hóa có tác dụng sinh học trong cơ thể. Quá trình tranh chấp - trao đổi của Cd với các kim loại khác có thể gây đảo lộn nhiều quá trình sinh học trong cơ thể và là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, thiếu máu và tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi (đối với phụ nữ có thai). Tổ chức Y tế thế giới cho phép ngưỡng tối đa đối với người lớn là từ 20-40 microgram/ngày (lượng Cd trong nước uống, thực phẩm khoảng 10 microgram/ngày/người lớn), nhưng chỉ có 5-10% trong số đó thật sự vào cơ thể.
Nguy hiểm nhất của đồ chơi, lồng đèn nhiễm Cd với hàm lượng quá cao là Cd tích lũy nhiều trong thận và chỉ phát bệnh sau nhiều năm tiếp xúc. “Màu sắc trong mấy cái lồng đèn nhựa này rất dễ bong tróc, chỉ cần tiếp xúc, cầm nắm là trẻ dễ bị thôi nhiễm Cd rồi. Nguy hiểm nhất là ở chỗ đó chứ không phải trẻ chỉ cắn, ngậm lồng đèn mới bị tác hại” - TS Quyển cảnh báo. Ngoài vấn đề có kim loại độc hại, các loại lồng đèn nhựa nói trên còn có cả pin, rất độc nếu trẻ nhỏ chơi, cắn, ngậm và nhựa cũng khó phân hủy, ảnh hưởng cho môi trường.
TUOITRE.VN
Lồng đèn Trung Quốc đội lốt Hàn Quốc
Gần đến Tết Trung thu, tại nhiều tiệm bán lồng đèn ở TP.HCM và trong các siêu thị, không khí mua bán các loại lồng đèn khá rôm rả. Tại tiệm bán lồng đèn trên đường Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú, mới hơn 9g ngày 22-9 nhiều ông bố, bà mẹ đã nhộn nhịp đưa con đi chọn lồng đèn. Ở đây có rất nhiều loại lồng đèn với nhiều chất liệu như bóng kính hình ngôi sao, hình cá chép rồi lồng đèn nhựa hình cá chép, hình thỏ, hình chim (Việt Nam) nhưng sinh động và đa dạng hơn là lồng đèn nhựa hình các loại thú, siêu nhân... chạy bằng pin có xuất xứ từ Trung Quốc.
Rất nhiều trẻ nhỏ vào mua đã chọn ngay chiếc lồng đèn siêu nhân, hình thú của Trung Quốc. Chị Minh, một khách hàng có hai bé trai nằng nặc đòi mua cho bằng được lồng đèn nhựa hình siêu nhân, phân trần: “Tôi cũng muốn mua cho con lồng đèn của Việt Nam làm, nhưng mấy đứa cứ đòi cái này thôi”. Và chị Minh cũng tự trấn an rằng các con chị đã lớn (khoảng 6, 8 tuổi) và hàng cũng có xuất xứ đàng hoàng nên “chắc an toàn”. Theo lời người bán hàng, năm nay những khách “đi một mình” (không có con nhỏ đi kèm) thì phần lớn chọn lồng đèn truyền thống của Việt Nam làm.
Khảo sát tại nhiều điểm bán lồng đèn khác cho thấy tình trạng các loại lồng đèn có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng người bán khẳng định là Hàn Quốc,Thái Lan khá phổ biến. Tại đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), hàng loạt dãy hàng bày bán lồng đèn bằng giấy, nhựa có giá 10.000-50.000 đồng được treo biển “đèn lồng Hàn Quốc”. Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng tôi, tất cả các loại lồng đèn dạng này đều được nhập từ Trung Quốc.
Còn tại Hà Nội, ngày 22-9 trên khắp dãy phố Hàng Mã lan sang cả phố Hàng Khoai, đồ chơi trung thu cho trẻ em được bày bán rất phong phú. Chị Hồng, một chủ hàng trên phố Hàng Mã, cho biết ngoài trống, mặt nạ, đèn ông sao..., lồng đèn là đa dạng nhất với đủ loại to nhỏ và màu sắc khác nhau. Không ngần ngại cung cấp xuất xứ sản phẩm, chị Hồng thẳng thắn cho biết 100% là hàng sản xuất ở Trung Quốc. Được làm bằng nhựa, các loại lồng đèn đều có chức năng như nhau là nhạc, đèn nhấp nháy... Giá tăng hơn 30% so với năm trước, mỗi loại lồng đèn một giá tùy theo kích thước và mẫu mã. Loại nhỏ có cán để cầm, thường chỉ dành cho các em từ 2-5 tuổi, có giá 25.000-80.000 đồng/chiếc. Loại to một chút được bán với giá 120.000-150.000 đồng/chiếc. Loại đặc biệt nhất năm nay là lồng đèn để treo hoặc để ở góc phòng khách, có giá 800.000 đồng/chiếc. Cũng được làm từ chất liệu nhựa, những chiếc lồng đèn này nổi bật do xung quanh có trang trí, chạm trổ hoa văn rất bắt mắt.
Siết chặt kiểm tra đồ chơi trẻ em
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết trong thời gian từ tháng 8 đến nửa đầu tháng 9, đơn vị thực hiện kiểm tra trên mười vụ liên quan đến các mặt hàng đồ chơi trẻ em ở địa bàn TP. Kết quả kiểm tra cho thấy còn nhiều vụ vi phạm liên quan đến việc đồ chơi nhập lậu, vi phạm việc dán tem nhãn nhập khẩu, hợp chuẩn hợp quy cũng như các đồ chơi bạo lực bị cấm như súng, kiếm.

Theo quản lý thị trường, hàng trăm sản phẩm nhập lậu, hàng cấm đều bị tịch thu, tiêu hủy theo quy định, tuy nhiên không tiến hành kiểm định hàm lượng chất độc hại có trong sản phẩm. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra các mặt hàng đồ chơi trẻ em tại khắp các điểm bày bán trên địa bàn TP. Đơn vị sẽ tổ chức lấy mẫu đem kiểm định nếu phát hiện những nghi ngại về chất lượng, hàm lượng độc tố có trong sản phẩm.

SOURCE
http://sgtt.vn/Thoi-su/168528/Long-den-nhua-Trung-Quoc-co-chat-gay-ung-thu.html

Tuesday 8 May 2012

Keangnam-Vina trả Keangnam cho thành phố Hà Nội


Keangnam-Vina trả Keangnam cho thành phố Hà Nội

(VOV) - Cho rằng việc thu mức phí 4.000 là lỗ, Keangnam-Vina đã có văn bản giao lại công tác quản lý chung cư cao cấp Keangnam cho thành phố điều hành.
Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Keangnam-Vina vừa có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội về việc, kể từ ngày 1/4/2012, Công ty Chestnut Vina xin rút không điều hành toà nhà chung cư cao cấp Keangnam "do không có kinh phí để trả cho nhân viên, duy trì tiện ích công cộng và vận hành trang thiết bị hiện đại cao cấp như Keangnam".
Tại văn bản này, Keangnam-Vina cho biết, Công ty đã mất khả năng thanh toán từ nhiều tháng do: Khi cư dân Keangnam đến ở vào tháng 3/2011, theo đề nghị của cư dân từ tháng 4 đến tháng 7, công ty này đã không thu phí.
Cho đến tháng 8, 9, 10, khi có khoảng 500/900 hộ đến ở thì Keangnam-Vina đã thu phí với mức giá 18.800 đồng/m2/tháng (bao gồm cả VAT) cộng phí xe ôtô 850.000 đồng/tháng. Về yêu cầu của UBND TP Hà Nội chỉ thu với mức phí 4.000 đồng/m2/tháng (bao gồm cả VAT), Keangnam-Vina cho rằng "công văn này đã ấn định nhà tiêu chuẩn cao cấp giống nhà chung cư bình thường".
Cho rằng việc thu mức phí 4.000 đồng (theo quy định của TP Hà Nội) thì phía doanh nghiệp phải chịu lỗ, Keangnam-Vina đã có văn bản "giao lại công tác quản lý chung cư cao cấp Keangnam cho thành phố điều hành với mức phí 4.000 đồng/m2/tháng (bao gồm cả VAT) và sẵn sàng chuyển giao miễn phí công nghệ trong thời gian 2 tháng đối với công ty được thành phố lựa chọn".
Theo Keangnam-Vina, hiện những người đã từng sống và làm việc ở nước ngoài hoặc đã ở chung cư cao cấp tiếp tục đóng mức phí 18.800 đồng/m2/tháng; còn đại đa số cư dân đóng mức phí 4.000 đồng/m2/tháng và một số ít không chịu đóng tiền./.
VOV online (Theo CAND, Dân trí)
source
http://vov.vn/Home/KeangnamVina-tra-Keangnam-cho-thanh-pho-Ha-Noi/20123/204555.vov 

Monday 9 April 2012

Đi bán vàng, ngỡ ngàng như... mất trộm


Báo Vietnamnet
Cập nhật 10/04/2012 12:22:44 PM (GMT+7)
Cập nhật 10/04/2012 09:54:26 AM (GMT+7)

Đi bán vàng, ngỡ ngàng như... mất trộm

Sự chênh lệch giữa các thương hiệu vàng không phải là SJC ngoài thị trường, sau khi Nghị định 24 về quản lý vàng ra đời, đã khiến người tiêu dùng “ngỡ ngàng”!

Người dân thiệt hại


Ngày Chủ nhật (8.4), chị Hương Giang - nhân viên một công ty dược tại Hà Nội “tá hỏa” khi có việc cần bán vàng mới biết vàng miếng thương hiệu AAA mà chị đang có rẻ hơn vàng SJC tới gần 2 triệu đồng/lượng. “Bán xong 5 lượng vàng, tôi như người vừa bị mất trộm” - chị Giang xót xa nói.

Giới chuyên gia dự báo, trong tuần này, giá vàng sẽ bám chặt diễn biến thị trường thế giới.

Nhân viên bán hàng của Công ty Bảo Tín Minh Châu cho biết: Hai ngày cuối tuần qua rất nhiều người mang vàng miếng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đi bán. Quy định mới về kinh doanh vàng miếng khiến cửa hàng bị tác động khá lớn.

Chủ cửa hàng Vàng bạc Đá quý Đức Nhân (145 Tôn Đức Thắng, Hà Nội ) cho biết, nhiều khách hàng đến hỏi về việc chuyển đổi từ các loại vàng khác sang SJC. “Chúng tôi cũng rất bối rối không biết xử lý thế nào. Với những khách hàng có giấy bảo hành của cửa hàng, chúng tôi vẫn mua lại. Còn khách không mua ở Đức Nhân cũng phải thông cảm bởi cửa hàng cũng chưa biết xử lý thế nào”- chủ cửa hàng Đức Nhân cho biết.

Sớm công bố lộ trình chuyển đổi vàng miếng

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối đã có ý kiến “trấn an” dư luận rằng: “Người dân cần bình tĩnh, thận trọng trước các thông tin thất thiệt liên quan đến vàng miếng khác để tránh các thiệt hại không đáng có”.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng: Chuyện các thương hiệu bán vàng miếng với giá chênh nhau cả triệu đồng mỗi lượng giống nhau về tuổi vàng là phi lý, gây thiệt thòi cho người dân...

Theo ông Huy, Nghị định 24 không phân biệt đối xử giữa vàng miếng SJC và các loại vàng miếng khác. Các loại vàng miếng thuộc sở hữu hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ sẽ được mua bán, trao đổi tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp phép. Vì vậy, trong thời điểm này, người dân không nên lo lắng, vội vàng bán vàng các thương hiệu “phi SJC”.

Tuy nhiên, phiên giao dịch đầu tuần (9.4), giá vàng Rồng Thăng Long vẫn ở quanh mức 41,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 41,9 triệu đồng/lượng (bán ra), thấp hơn giá vàng SJC 1,7-1,8 triệu đồng/lượng. Giới chuyên gia dự báo, trong tuần này, giá vàng sẽ bám chặt diễn biến thị trường thế giới và giao dịch lại trở về trạng thái cân bằng trong trầm lắng như trước khi có Nghị định 24. Đồng thời, khoảng cách với vàng thế giới có thể được thu hẹp.

(Theo Dân Việt)
source
http://vietnamnet.com.vn/vn/kinh-te/67671/di-ban-vang--ngo-ngang-nhu----mat-trom.html

TP Cần Thơ yêu cầu đại gia thủy sản về nước giải quyết nợ nần


Cập nhật lúc: 3/27/2012 11:07:32 PM
TP Cần Thơ yêu cầu đại gia thủy sản về nước giải quyết nợ nần

Diệu Hiền, người đàn bà một thời nổi tiếng giàu có

Bà Phạm Thị Diệu Hiền, một “đại gia” được cho là đang ở Mỹ để điều trị bệnh ung thư đến giai đoạn di căn nhưng lại có tin bà xuất ngoại để trốn nợ và đang rao bán căn nhà bạc triệu ở California.

Sáng 27/3 ông Võ Thành Thống - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng mời bà Diệu Hiền về nước để giải quyết các khó khăn của công ty.

Đến ngày 23/3, tổng các khoản nợ chung của bà Hiền là 1.560 tỉ đồng.

“Vì trong thời gian qua bà Diệu Hiền chưa có một sự ủy quyền hợp pháp nào. Nếu bà Hiền thực sự bị bệnh hiểm nghèo thì phải cung cấp bệnh án để chứng minh và phải có giấy ủy quyền cho người đại diện theo pháp luật ở Việt Nam để tiến hành đại hội cổ đông và tiến giải quyết vấn đề nợ nần của công ty” - ông Thống nói.

Cũng trong sáng 27/3, nguồn tin từ Tổ kiểm tra tình hình nợ của Bianfishco, sau khi làm việc với Ban giám đốc và kiểm soát viên công ty đã thống kê, đối chiếu các khoản nợ của Cty CP TS Bình An (Bianfishco) đến ngày 23/3/2012, tổng các khoản nợ gồm: nợ ngân hàng (9 ngân hàng và 1 tổ chức tín dụng), nợ tiền bán cá và các khoản nợ khác của Bianfishco, Cty TNHH Xây dựng Thương mại Diệu Hiền và cá nhân bà Phạm Thị Diệu Hiền là 1.560 tỉ đồng.

Trong đó, khoản nợ tiền cá nông dân đã trả được 16 tỉ đồng, giảm từ 261 tỉ đồng xuống còn 245 tỉ đồng. Tuy nhiên các khoản nợ khác như bao bì, cước phí vận chuyển, trang thiết bị…tiếp tục ghi nhận tăng thêm.

Trả lời việc “đại gia thủy sản” hiện đang ở Mỹ, ông Trần Văn Trí, chồng bà Phạm Thị Diệu Hiền vừa cho biết, vợ ông đang bị ung thư đến giai đoạn di căn và bị tai biến vì sức ép. Ông cũng khẳng định việc rao bán nhà ở California không liên quan đến Bianfishco vì đó là trụ sở công ty này thuê.

Bà Phạm Thị Diệu Hiền được cho là đang ở Mỹ để điều trị bệnh ung thư đến giai đoạn di căn

Theo ông Trần Văn Trí, căn nhà ở Alpine Drive, Beverly Hills, California 90210 chỉ là địa điểm công ty thuê làm văn phòng từ tháng 4/2009 với giá 15.500 USD/tháng. Đến tháng 7/2011, giá thuê hạ xuống còn 12.000USD/tháng, đến ngày 14/5/2012 thì hết hạn thuê nhà. Vì thế, ông Trí cho biết thông tin rao bán nhà không liên quan đến Bianfishco.

Trước mắt, Bianfishco sẽ đóng cửa văn phòng ở Mỹ để giảm chi phí hoạt động - ông Trí nói.

Cùng ngày, đại diện Bianfishco cho biết Công ty này đã đàm phán với phía đối tác Nhật Bản để đưa nhà máy trở lại hoạt động vào đầu tháng 4/2012 theo hình thức gia công sản phẩm cho Nhật Bản với giá trị hợp đồng 40 triệu USD, đồng thời xúc tiến thỏa thuận với các đối tác khác để đưa dây chuyền sản xuất cá phi lê trở lại hoạt động.

Theo Dân Trí

source

TiVi Tuan San

Tuesday 3 April 2012

AZ Land: Nguy cơ đổ bể hàng loạt dự án


Thứ Ba, 03/04/2012 - 16:33

AZ Land: Nguy cơ đổ bể hàng loạt dự án

Thông tin trụ sở AZ Land “bỗng dưng biến mất” đã khiến hàng trăm NĐT đã đóng tiền vào các dự án của công ty này như ngồi trên đống lửa.
Trước và sau khi trụ sở AZ Land “biến mất”
Được biết, do AZ Land cơ cấu lại nên toàn Công ty sẽ làm việc tại tầng 3 và 4 tòa nhà AP Buiding (số 58 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội), phần diện tích còn lại sẽ cho một ngân hàng thuê lại để tiết giảm chi phí. Tuy nhiên, câu chuyện AZ Land đã đặt ra câu hỏi quyền lợi của người mua nhà ra sao khi các công ty đầu tư và kinh doanh bất động sản không còn tồn tại?
AZ Land lừa dối khách hàng

Cách đây không lâu, các dự án của AZ Land được xếp đầu bảng các dự án bất động sản tại Hà Nội mà NĐT cần tránh xa. Lý do bởi sau gần 3 năm triển khai huy động vốn từ các NĐT, tất cả các dự án của công ty này đều đang còn dang dở hoặc vẫn nằm trên giấy.

Cụ thể, dự án AZ Lâm Viên Complex tại 107 Nguyễn Phong Sắc mặc dù đã được đổ trần tầng 2, nhưng từ cuối năm 2011 đã tạm dừng thi công mà không biết ngày nào mới tiếp tục. Dự án AZ Sky Định Công được quây tôn kín xung quanh và vẫn im lìm từ nhiều tháng nay. Dự án CT1 Vân Canh sau 2 lần khởi công, nay trong tình trạng cỏ mọc um tùm. Cám cảnh trước những dự án bất động, nhiều NĐT tìm hỏi chủ dự án nhưng đều chỉ nhận được những lời hứa hẹn.

Đặc biệt, dự án Vân Canh CT2 được Công ty Thái Sơn, công ty con của AZ Land huy động vốn từ hơn 100 khách hàng dưới dạng Hợp đồng vay vốn với khách hàng từ năm 2010, nhưng đến nay, vẫn hoàn toàn không có bất cứ giấy tờ mua bán nào từ chủ đầu tư là Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD). Theo giải thích của lãnh đạo AZ Land, ngay sau khi mua lại Dự án CT1 Vân Canh từ HUD, AZ Land đã thông qua công ty con của mình là Công ty Đầu tư phát triển nhà Thái Sơn để tiếp tục mua thêm từ HUD Dự án CT2 Vân Canh, nhưng do dự án này vướng vào quy hoạch nên chưa thực hiện được việc chuyển giao.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Nguyễn Thắng, Chánh văn phòng HUD khẳng định, HUD chưa từng chuyển nhượng Dự án CT2 Vân Canh cho doanh nghiệp nào cả. Những câu chuyện trên có thể thấy rất rõ dấu hiệu lừa dối khách hàng của AZ Land.
Đến nguy cơ mất trắng của NĐT

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, tính chung cả nước, đến 21/3 vừa qua, trên 2.200 DN làm thủ tục giải thể và trên 9.700 DN đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế. Như vậy, số DN gặp khó khăn phải giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Chuyện DN giải thể hay phá sản cũng là chuyện bình thường trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là quyền lợi của hàng trăm khách hàng đã nộp hàng trăm tỷ đồng vào các dự án bất động sản của những DN bị giải thể hay phá sản sẽ được giải quyết ra sao? Luật sư Phạm Liêm Chính, Trưởng Văn phòng luật sư Chính và cộng sự khẳng định, NĐT sẽ mất trắng nếu DN rơi vào tình trạng giải thể hoặc phá sản.
Trở lại câu chuyện tại AZ Land, cho đến thời điểm này, lòng tin của các NĐT đã lung lay dữ dội, trong khi chủ đầu tư cũng không thể có cách nào đẩy nhanh tiến độ các dự án trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay. Điều này cho thấy đang tiềm ẩn nguy cơ đổ bể hàng loạt tại các dự án do AZ Land làm chủ đầu tư và hệ lụy của nó sẽ vô cùng nặng nề với các NĐT và cả xã hội.
Theo ĐTCK
source
http://dddn.com.vn/20120403042431262cat173/az-land-nguy-co-do-be-hang-loat-du-an.htm

Thursday 29 March 2012

Nếu Bộ Giao thông quyết thu phí, ngân sách mất hàng tỷ USD


Thứ Năm, 29/03/2012 - 15:58

Nếu Bộ Giao thông quyết thu phí, ngân sách mất hàng tỷ USD

Đề xuất ra một loạt phí đánh vào xe gắn máy và ô tô cá nhân, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) một mặt muốn hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và mặt khác cũng muốn tăng nguồn thu để bảo dưỡng và xây dựng đường sá. Thế nhưng, đây lại là hai mục tiêu hoàn toàn mâu thuẫn nhau, nên việc kỳ vọng sẽ đạt được cùng lúc cả hai mục tiêu là không thể.

Khi đề xuất các loại phí, Bộ GTVT đồng thời cũng tính ra được những ngàn tỉ đồng sẽ thu được để bảo trì và xây dựng mạng lưới cầu, đường bộ. Thế nhưng, bộ lại không tính đến thiệt hại đối với nguồn thu ngân sách và cả nền kinh tế do chính sách phí này gây ra, mà nếu tính kỹ những thiệt hại đó có thể lớn gấp nhiều lần số tiền mà bộ kỳ vọng sẽ thu được.

Chúng ta nên biết rằng, dù muốn dù không, ô tô hiện đang là mặt hàng mang lại nguồn thu lớn thứ hai cho ngân sách nhà nước sau dầu thô. Năm ngoái, với lượng ô tô nguyên chiếc trị giá trên 1 tỉ đô la Mỹ nhập về Việt Nam, cộng với hơn 2 tỉ đô la Mỹ nhập dưới dạng linh kiện và trên 1 tỉ đô la cho các phương tiện vận tải và phụ tùng khác, chỉ riêng các khoản thu qua ba loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng đã đem về cho ngân sách không dưới 4 tỉ đô la Mỹ. Đó là chưa tính tới hàng chục ngàn tỉ đồng phí trước bạ, lệ phí cấp biển số và các khoản thu gián tiếp khác khi những chiếc ô tô này lưu thông. Như vậy một mặt nhập khẩu ô tô gây nhập siêu nhưng mặt khác đây là nguồn thu ngân sách đáng kể.

Nhưng từ đầu năm nay, với việc lệ phí trước bạ ô tô cá nhân tăng 5 điểm phần trăm, phí cấp bảng số tăng gấp 10 lần và nhiều loại phí khác chuẩn bị ra đời, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu và số xe lắp ráp trong nước tiêu thụ được đã giảm gần 50%. Nếu chiều hướng suy giảm này tiếp diễn, coi như mục tiêu giảm phương tiện giao thông cá nhân của Bộ GTVT bước đầu đã thành công, nhưng ngân sách cũng mất một khoản thu khổng lồ, lớn hơn rất nhiều so với số tiền mà bộ kỳ vọng thu được từ các loại phí. Khi ấy, liệu Bộ Tài chính có thể tăng kinh phí để Bộ GTVT làm đường sá nữa hay không?

Bên cạnh đó, chính sách áp đặt phí để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân còn mâu thuẫn ngay với chiến lược đa dạng hóa nguồn vốn để phát triển mạng lưới đường bộ của Bộ GTVT.

Theo tính toán của Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành rất lớn. Trong đó, chỉ riêng kinh phí để mở rộng quốc lộ 1 đã lên đến 126.415 tỉ đồng và ngân sách nhà nước (bao gồm cả tiền bán quyền thu phí) chỉ đảm nhận được 20.512 tỉ đồng. Phần còn thiếu, bộ dự tính phải huy động từ khu vực tư nhân thông qua các hình thức đầu tư xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và đối tác công tư (PPP). Nhưng đồng thời bộ lại muốn thi hành chính sách dùng các loại phí để hạn chế nhu cầu mua sắm ô tô cá nhân và điều này cũng đồng nghĩa với việc triệt tiêu tiềm năng phát triển nhu cầu thị trường của lĩnh vực kinh doanh này. Thử hỏi, với viễn cảnh thị trường như vậy, nhà đầu tư nào dám bỏ vốn ra xây dựng đường để thu phí nữa hay không?

Có thể, mức phí bảo trì đường bộ, cao nhất là 17 triệu đồng/năm, sẽ không tác động nhiều đến giá bán nếu đó là những sản phẩm có giá trị cao, như hàng điện và điện tử, mỹ phẩm... nhưng với nhiều mặt hàng nông sản thì rất khác. Hiện nay, mỗi tấn mía người nông dân chỉ bán được 900.000-1 triệu đồng, một tấn lúa cũng chỉ được 4,2-5 triệu và nhiều mặt hàng rau quả khác cũng vậy. Chỉ cần giá thành vận tải tăng một chút, cỡ trăm ngàn một tấn thôi, cũng có thể gây sức ép ghê gớm lên người nông dân.

Giải quyết ùn tắc giao thông, phát triển đường sá là rất cần thiết. Nhưng nếu đặt vấn đề giải quyết ùn tắc bằng cách đưa ra biện pháp nhằm triệt tiêu dần phương tiện giao thông cá nhân thì e là không ổn. Điều Bộ GTVT cần làm hiện nay là tìm ra một giải pháp để sự phát triển nhu cầu phương tiện giao thông cá nhân có thể song hành với các mục tiêu chống ùn tắc và huy động được nguồn vốn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng.

Suy cho cùng, giải quyết ùn tắc hay những yếu kém của cơ sở hạ tầng giao thông là để tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Nếu giải quyết được ùn tắc mà nền kinh tế bị tổn thương thì kết quả liệu có còn ý nghĩa không.

Phát triển kinh tế là để góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao chất lượng sống và sự sung túc của người dân. Mà một trong những hình ảnh cho thấy mức sống người dân của một quốc gia sung túc hay không là số lượng ô tô cá nhân lăn bánh trên đường. Nếu giải quyết được ùn tắc giao thông mà chất lượng cuộc sống của người dân bị kéo lùi trở lại, nếu đường sá thông thoáng với toàn xe đạp và xe buýt thì có nên không.

Vì vậy, rất mong Bộ GTVT đừng nên vội vàng ra quyết định, mà hãy bình tĩnh tham khảo ý kiến các chuyên gia kinh tế, để nghe họ phản biện. Lắng nghe càng nhiều, càng hạn chế được sai sót và trả giá.

Theo TBKTSG

source

http://dddn.com.vn/2012032903435250cat183/neu-bo-giao-thong-quyet-thu-phi-ngan-sach-mat-hang-ty-usd.htm

Friday 2 March 2012

6 chung cư xây vượt tầng tại "đảo Kim Cương"



source
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/480413/Dao-Kim-Cuong-Xay-sai-phep-hon-3500m2.html
Thứ Bảy, 03/03/2012, 07:48 (GMT+7)
Đảo Kim Cương: Xây sai phép hơn 3.500m2
TT - Một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết ngày 2-3, Sở Xây dựng TP.HCM đã báo cáo UBND TP.HCM về vụ xây dựng sai phép tại đảo Kim Cương (P.Bình Trưng Tây, Q.2).
Theo đó, mỗi chung cư xây vượt từ 1-2 tầng so với dự án được phê duyệt và tổng diện tích xây dựng sai phép tại sáu chung cư lên đến 3.528m2.
>> 6 chung cư xây vượt tầng tại "đảo Kim Cương">> Xây vượt tầng tại đảo Kim Cương: Buộc chủ đầu tư ngưng thi công>> Xây dựng sai phép vì chủ quan!
Trong khi đó tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 1-3, đại diện chủ đầu tư cho biết tuy các chung cư xây vượt tầng nhưng tổng diện tích sàn xây dựng giảm 34.000m2 (từ 122.000m2 xuống còn 88.000m2), đồng thời số lượng căn hộ giảm 64 căn (từ 313 căn xuống 249 căn).
Cũng theo nguồn thông tin trên, Sở Xây dựng TP đã đề xuất phạt chủ đầu tư 35 triệu đồng do tổ chức xây dựng công trình sai thiết kế đã được phê duyệt và tháo dỡ toàn bộ phần diện tích xây sai phép.
Trước đó, Sở Xây dựng TP đã đồng ý cho cơ quan chức năng cung cấp nguồn điện lại cho công trình trên trong vòng ba ngày (từ 1 đến 3-3) để chủ đầu tư vận hành các thiết bị, dọn dẹp máy móc, vật liệu xây dựng trên công trường... tránh gây tai nạn.
P.HUY - D.NGỌC HÀ
source
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/479822/6-chung-cu-xay-vuot-tang-tai-dao-Kim-Cuong.html
Thứ Tư, 29/02/2012, 08:00 (GMT+7)
6 chung cư xây vượt tầng tại "đảo Kim Cương"
TT - Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM vừa phối hợp Thanh tra xây dựng Q.2, P.Bình Trưng Tây lập biên bản công trình tại “đảo Kim Cương” xây sai phép. Đây là dự án do Công ty bất động sản Bình Thiên An làm chủ đầu tư.
Dự án tại “đảo Kim Cương” (quận 2, TP.HCM) xây vượt 1-2 tầng so với quy định - Ảnh: MINH ĐỨC
Điều đáng nói là cả sáu block chung cư đang triển khai tại “đảo Kim Cương” trên đều xây vượt tầng so với quy định.
Vượt 1-2 tầng
Theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Sở Xây dựng TP ngày 29-6-2009, dự án khu dân cư phức hợp giai đoạn 1 tại khu đảo ngã ba sông Sài Gòn - Giồng Ông Tố, P.Bình Trưng Tây, Q.2 (còn gọi là đảo Kim Cương) được xây dựng trên khu đất gần 8ha. Dự án gồm sáu block chung cư quy mô 16-25 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng trên 122.000m2. Tại đây sẽ có 313 căn hộ và một phần diện tích sử dụng làm khách sạn, thương mại... Tổng vốn đầu tư dự án gần 1.900 tỉ đồng, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2009-2011.
Vào thời điểm triển khai (cuối năm 2009) có những thông tin cho biết giá mỗi căn hộ tại dự án “đảo Kim Cương” dao động từ 300.000 - 3 triệu USD và nhiều tiêu chuẩn cao cấp khác. Còn chỗ đậu du thuyền tại đảo được rao bán với giá lên đến 500.000 USD... Không biết thực hư ra sao, nhưng những thông tin liên quan đến dự án từng có thời gian tạo sự quan tâm của nhiều người, của giới kinh doanh địa ốc vào thời điểm triển khai.
Qua kiểm tra ngày 21-2-2012 của cơ quan chức năng cho thấy tất cả các block chung cư này đều xây vượt tầng so với quy định. Cụ thể là block 16 tầng được chủ đầu tư xây thành 17 tầng, block 18 tầng xây thành 19 tầng, block 19 tầng cơi lên 21 tầng, block 20 xây thành 21, block 24 tầng xây lên 25 và block 25 tầng thì chủ đầu tư xây lên 26 tầng. Như vậy chủ đầu tư đã xây vượt 1-2 tầng so với quy định.
Cao ốc xây sai phép tại “đảo Kim Cương”, Q.2, TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC
Yêu cầu ngưng, vẫn thi công
Tại biên bản kiểm tra công trình xây dựng do các đơn vị liên quan lập ngày 21-2, thanh tra Sở Xây dựng TP đã yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị thi công tại dự án ngưng thi công toàn bộ công trình. Đồng thời phải thực hiện theo đúng các nội dung tại quyết định phê duyệt dự án của Sở Xây dựng. Thanh tra Sở Xây dựng cũng đề nghị TTXD Q.2 và TTXD P.Bình Trưng Tây giám sát việc chấp hành của chủ đầu tư và các đơn vị thi công.
Theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư của Sở Xây dựng TP.HCM, tổng vốn đầu tư khu dân cư phức hợp tại “đảo Kim Cương” gần 1.900 tỉ đồng. Trong số này vốn của chủ đầu tư là 327 tỉ đồng, vốn vay gần 486 tỉ đồng và vốn ứng trước của khách hàng mua căn hộ gần 1.070 tỉ đồng.Thế nhưng theo ghi nhận sáng 28-2, tại công trình vẫn thi công bình thường. Hiện tại sáu block chung cư đã xây dựng xong phần thô, riêng các hạng mục còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện. Lãnh đạo UBND P.Bình Trưng Tây cho biết chiều cùng ngày, lực lượng TTXD thuộc các đơn vị liên quan đã đến công trình lập biên bản vi phạm hành chính. “Tùy theo mức độ sai phạm của công trình, các đơn vị liên quan sẽ có đề xuất xử lý thích hợp” - vị lãnh đạo UBND phường này nói.
Vì sao công trình xây dựng sai phép với quy mô như trên nhưng không được TTXD P.Bình Trưng Tây phát hiện ngay từ đầu? Lãnh đạo UBND P.Bình Trưng Tây cho biết lực lượng TTXD quận và phường vẫn kiểm tra công trình thường xuyên. Nhưng do lực lượng TTXD phường còn mỏng (gồm ba người, trong đó có hai cộng tác viên) và thời điểm trước, sau tết do phải tập trung một số nhiệm vụ khác như kiểm tra một số công trình xây dựng khác, phối hợp kiểm tra trật tự lòng lề đường... nên chủ đầu tư đã tranh thủ thời gian này để xây vượt tầng tại các block chung cư.
Được biết, vụ xây vượt tầng trên cũng đã được thanh tra Sở Xây dựng TP báo cáo giám đốc Sở Xây dựng TP. Tuy nhiên theo một nguồn tin cho hay, chủ đầu tư dự án trên đang tiến hành các bước thủ tục để xin Bộ Xây dựng cho điều chỉnh thiết kế cơ sở dự án. Đây được xem là bước đi nhằm hợp thức hóa cho sáu block chung cư xây vượt tầng sai phép tại “đảo Kim Cương”!
PHÚC HUY
source
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/480088/Xay-vuot-tang-tai-dao-Kim-Cuong-Buoc-chu-dau-tu-ngung-thi-cong.html

Thứ Năm, 01/03/2012, 08:22 (GMT+7)
Xây vượt tầng tại đảo Kim Cương: Buộc chủ đầu tư ngưng thi công
TT - Ngày 29-2, lãnh đạo thanh tra xây dựng (TTXD) Q.2, TP.HCM cho biết UBND P.Bình Trưng Tây đã ra quyết định đình chỉ thi công sáu chung cư xây vượt tầng tại “đảo Kim Cương”.
>> 6 chung cư xây vượt tầng tại "đảo Kim Cương"
TTXD Q.2 cho hay trước đó chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần bất động sản Bình Thiên An đề nghị TTXD Q.2, UBND P.Bình Trưng Tây... cho công trình được thi công đến 17g, tuy nhiên cơ quan chức năng đã ngưng cung cấp điện, nước lúc 15g45 cùng ngày.
Lãnh đạo TTXD Q.2 khẳng định đã bố trí lực lượng giám sát việc ngưng thi công của chủ đầu tư.
Về hướng xử lý công trình, TTXD Q.2 cho biết do đây là công trình có quy mô lớn, quận sẽ phối hợp với thanh tra Sở Xây dựng TP đề xuất hướng xử lý công trình xây sai phép. Theo Sở Xây dựng, sở đang thu thập hồ sơ dự án và đề xuất UBND TP xử phạt vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó sẽ đề xuất hướng xử lý phù hợp.
Đề cập trách nhiệm của các đơn vị liên quan, theo Sở Xây dựng TP, việc chậm phát hiện công trình xây dựng sai phép, trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND P.Bình Trưng Tây. Với trường hợp công trình xây dựng sai phép tại “đảo Kim Cương”, thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra, phát hiện vụ việc và phối hợp TTXD P.Bình Trưng Tây và TTXD Q.2 lập biên bản xử lý vào ngày 21-2-2012.
Vì sao sáu chung cư đều xây vượt từ 1-2 tầng nhưng địa phương không phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo TTXD Q.2 cho biết địa bàn Q.2 khá rộng và thời điểm cận Tết Nguyên đán các lực lượng TTXD quận, phường lo tập trung kiểm tra một số công trình khác, lập lại trật tự lòng lề đường...
Quá trình kiểm tra cũng khá khó khăn (phải xuất trình giấy tờ, bảo vệ phải xin ý kiến lãnh đạo công ty mới được vào...) nên lực lượng TTXD phải phối hợp với lực lượng công an mới vào kiểm tra được. Trong thời gian này, chủ đầu tư đã tranh thủ thi công công trình vượt tầng.
PHÚC HUY

Tuesday 14 February 2012

2 năm thành 1 tháng: Úm ba la, nhà thầu TQ hô biến



Như tin đã đưa, do tình trạng chậm tiến độ thi công tại dự án DAP số 1 Đình Vũ (Hải Phòng)-dự án có tổng mức đầu tư trên 172 triệu USD, nhà thầu EPC (Trung Quốc) nhận thầu dự án này đã bị chủ đầu tư -tập đoàn Hóa chất Việt Nam phạt 6 triệu USD. Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kết luận đầy đủ về việc thực hiện dự án này.

Theo TTCP, cho đến ngày 12.4.2009, nhà máy DAP Đình Vũ-Hải Phòng đã vận hành, sản xuất. Sau 3 năm vận hành, nhà máy đã đạt doanh thu 3.700 tỷ đồng, đạt mức lợi nhuận gộp 280 tỷ đồng, đã trả nợ gốc cho ngân hàng đến 10.2011 được 635 tỷ đồng.

Cũng theo kết luận thanh tra, đáng chú ý, về tiến độ hợp đồng, TTCP khẳng định, tính đến ngày 5.8.2010, dự án chưa thể nghiệm thu và 2 bên đã xác định tổng số ngày chậm tiến độ là 766 ngày. Đáng chú ý, theo TTCP, do "phương pháp và cách tính khác nhau" nên nhà thầu chỉ chấp nhận số ngày chậm tiến độ là 29,5 ngày và bồi thường giá trị tương ứng là 2.052.983 USD, chỉ bằng 1/3 số tiền chủ đầu tư đề nghị.

Đây là điều đáng ngạc nhiên vì việc xác định chậm tiến độ lẽ ra phải do chủ đầu tư, căn cứ theo hợp đồng 2 bên nhưng không hiểu sao, người ta lại có thể chấp nhận theo nhà thầu với số ngày chậm tiến độ ban đầu xác định hơn 2 năm mà chỉ còn bằng 1 tháng? Chẳng lẽ chỉ vì đây là một nhà thầu Trung Quốc?

Một trong lý do phạt vi phạm hợp đồng với nhà thầu trên còn do sản phẩm không đạt chất lượng theo thiết kế. Điều này cũng được tái khẳng định trong kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ: sản phẩm DAP Hải Phòng mới đạt tổng dinh dưỡng là 61% và đến nay, công ty TNHH MTV DAP - Vinachem đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên mẫu bao bì sản phẩm để bán ra thị trường là 16-45 (61%). Theo giải thích của tập đoàn Hóa chất Việt Nam thì nguyên nhân không đạt hàm lượng dinh dưỡng theo yêu cầu đó là do quặng apati của công ty Apatit Lào Cai cung cấp không đúng với yêu cầu thiết kế.

Do đó, cho đến nay, vẫn chỉ có sản phẩm nước ngoài nhập khẩu mới đạt tiêu chuẩn của Việt Nam 64%). Theo TTCP thì việc chất lượng phân bón DAP Hải Phòng chỉ đạt mức trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá bán sản phẩm của công ty này thấp hơn so với DAP của Trung Quốc khoảng 200-300 ngàn đồng/tấn. Như vậy, hậu quả của nó là còn làm giảm doanh thu, hiệu quả đầu tư dự án có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.

Ảnh: Giaoduc.net.vn

Không chỉ có tình trạng chậm tiến độ, sản phẩm không đạt chất lượng theo yêu cầu, mà qua thanh tra, cơ quan thanh tra còn phát hiện tại nhà máy này, một số chỉ tiêu công nghệ và tiêu hao lớn hơn so với thiết kế. Chính vì điều này, ngay trong quá trình chạy thử, nhà thầu EPC đã phải chấp nhận bồi thường mức tiêu hao cao hơn theo hợp đồng đã ký giữa 2 bên là 203.219 USD và trên 1,52 tỷ đồng cho tổng số sản phẩm chạy thử.

Theo tập đoàn Hóa chất, mức chi phí tiêu hao trong quá trình chạy thử như tiêu hao điện cao hơn thiết kế là 2.108 đồng/tấn sản phầm; tiêu hao dầu FO là 24.322 đồng/tấn sản phẩm...tương ứng làm giảm giá trị lợi nhuận trên 8,7 tỷ/năm. Hay như việc thực hiện hạng mục bãi thải gyps thì ban quản lý dự án, chủ đầu tư đã phải ra tới 19 văn bản yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng thiết kế.

Có thể trích dẫn một nội dung văn bản cho thấy, nhà thầu Trung Quốc thiếu trách nhiệm như thế nào: "Nhà thầu để nguyên lớp đất sét (lẫn nhiều đá)...do đó không đảm bảo yêu cầu chất lượng" (văn bản số 623/DAP-KTGS ngày 18.6.2009 của ban quản lý dự án).

Do đó, đến nay, mặc dù nhà máy này đã đi vào hoạt động, nhưng nhìn lại toàn bộ quá trình triển khai dự án, có thể thấy, đây là một bài học lớn trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cho một dự án có tầm quan trọng lớn trong lĩnh vực sản xuất phân bón của nước ta.

Mạnh Quân

source

Friday 3 February 2012

UBND phường xin lỗi tài xế taxi bị đập vỡ kính


Thứ Sáu, 03/02/2012, 19:34 (GMT+7)

UBND phường xin lỗi tài xế taxi bị đập vỡ kính

TT0 - Ngày 3-2 ông Võ Văn Hai - phó chủ tịch P.Cô Giang, Q.1 (TP.HCM) - đã thay mặt UBND phường có buổi làm việc với tài xế và đại diện hãng taxi Vinasun liên quan vụ thanh tra xây dựng đập vỡ kính xe taxi.

>> Thanh tra xây dựng đập vỡ kính xe taxi

Hiện trường vụ việc - Ảnh: Hoàng Lộc

Tại buổi làm việc, ông Hai thay mặt phường xin lỗi tài xế Lê Hoàng Anh về hành vi “nóng nảy” của thanh tra viên Nguyễn Phi Tiên - người đập vỡ kính xe taxi.

Theo đó, phường sẽ bồi thường kính xe bị vỡ trị giá 800.000 đồng. Đồng thời, yêu cầu công an xem xét xử phạt hành vi không chấp hành hiệu lệnh của tổ thanh tra xây dựng đối với tài xế Lê Hoàng Anh.

Nhiều người dân chứng kiến vụ việc đã rất bức xúc trước hành động của thanh tra xây dựng và can ngăn sự việc.

Khi bản tin đăng lên TTO tối qua, rất nhiều bạn đọc cũng tỏ ra bất bình với hành động của thanh tra viên.

HOÀNG LỘC

source

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/475934/UBND-phuong-xin-loi-tai-xe-taxi-bi-dap-vo-kinh.html

Tuesday 10 January 2012

Mâu thuẫn dẫn đến nổ súng chống đối ở Hải Phòng


Mâu thuẫn dẫn đến nổ súng chống đối ở Hải Phòng

Cho rằng bị UBND huyện Tiên Lãng "bội ước", một số người trong gia đình ông Vươn tuyên bố sẽ phản kháng. Sự chống đối sau đó khiến vụ việc ngày 5/1 trở thành tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế tại Hải Phòng với 6 cảnh sát, bộ đội bị bắn trọng thương.
> 'Vụ nổ súng ở Hải Phòng ly kì hơn phim hành động'/ Cận cảnh vụ cố thủ trong nhà, bắn trọng thương 4 cảnh sát

Hơn 20 năm trước, cống Rộc, vùng đất ven sông cửa biển thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phong vẫn còn hoang hóa. Theo người dân địa phương, mỗi mùa mưa bão đến, sóng biển thường xuyên đánh vỡ tuyến đê đất, gây ngập lụt.

Khu đất nhà ông Vươn. Ảnh: Hà Anh

Với bằng đại học nông nghiệp, năm 1992 ông Đoàn Văn Vươn đã về đây xin khai khẩn đất hoang. Năm 1993 UBND huyện Tiên Lãng có quyết định giao đất tại vùng ven biển xã Vinh Quang cho hàng chục hộ có nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản, thời gian dưới 20 năm. Gia đình ông Vươn được nhận 20 ha.

Sau khi nhận đất, các hộ dân đã đào đắp đất đá, lấn biển, trồng rừng chắn sóng che chắn cho đê... Hàng chục ha đất bãi bồi ven biển hình thành, trở thành các đầm thủy sản. Nhiều bậc cao niên tại xã Vinh Quang cho biết, hộ ông Vươn là những người đầu tiên đấu thầu nuôi trồng thủy sản. Gia đình này sống hòa đồng với hàng xóm, chủ đầm Vươn được hàng xóm đánh giá là hiền lành, chẳng mất lòng ai.

Khi cuộc sống của các hộ dân bắt đầu ổn định thì từ năm 2004 đến 2007, UBND huyện Tiên Lãng đã ra các quyết định thu hồi gần 100 ha đầm nuôi trồng thủy sản của các hộ dân do “hết thời hạn giao đất”. Nhiều chủ đầm đã kiến nghị với các cấp, đề nghị UBND huyện Tiên Lãng giao đất nuôi trồng thủy sản có thời hạn tối thiểu 20 năm như Luật Đất đai.

Cuộc chiến pháp lý giữa UBND huyện Tiên Lãng và các chủ đầm bắt đầu. UBND huyện Tiên Lãng tiếp tục ra văn bản cương quyết thực hiện việc thu hồi đất, trong khi ông Vũ Văn Luân, Đoàn Văn Vươn khởi kiện các quyết định thu hồi đất của UBND huyện ra tòa án cùng cấp. Sau khi bị TAND huyện bác bỏ cuối năm 2009, ông Vươn và ông Luân tiếp tục kháng cáo lên cấp thành phố

Bước ngoặt của vụ kiện xảy ra khi các chủ đầm và chính quyền địa phương đồng ý ký vào “Biên bản tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án” do ông Ngô Văn Anh, thẩm phán TAND Hải Phòng lập, ký đóng dấu. Theo biên bản trên, đại diện UBND huyện Tiên Lãng đã thỏa thuận: "Nếu nguyên đơn rút đơn kháng cáo, UBND huyện sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê đất để nuôi trồng thủy sản".

Ngay sau khi các chủ đầm rút đơn kháng cáo, ngày 20/4/2010 thẩm phán Ngô Văn Anh đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, bản án hành chính sơ thẩm của TAND huyện có hiệu lực. Tuy nhiên, thay vì thực hiện thỏa thuận "tạo điều kiện để người dân được tiếp tục thuê đất", UBND huyện Tiên Lãng đã liên tục ra công văn, hối thúc việc thu hồi đất.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Luân - người cùng khởi kiện quyết định của UBND huyện Tiên Lãng như ông Vươn, cũng là người nhận được quyết định cưỡng chế thu hồi đất cùng ngày với ông Vươn - bức xúc: “UBND huyện Tiên Lãng đã bội ước với tôi. Sau thỏa thuận ở TAND Hải Phòng, tôi rất tin tưởng chính quyền huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục giao mảnh đất mà chúng tôi đã gắn bó. Nào ngờ họ đã bội ước, thỏa thuận đặt bút ký vào rồi mà về địa phương thì họ bảo cứ phải giao đất rồi mới giải quyết sau”.

Sau 4 tiếng giằng co, 12h trưa ngày 5/1, các lực lượng mới tiếp cận được ngôi nhà. Lúc này, Vươn cùng người thân đã kịp bỏ trốn, ngôi nhà trống không.
Sau 4 tiếng giằng co, 12h trưa ngày 5/1, các lực lượng mới tiếp cận được ngôi nhà của Đoàn Văn Vươn. Ảnh: Báo Hải Phòng.

Cho rằng đã bị UBND huyện Tiên Lãng bội ước, các hộ dân không chấp hành. Khi thông báo cưỡng chế được phát đi, một số người dân nằm trong diện phải thu hồi đất đã thể hiện tinh thần không chấp thuận bằng những tuyên bố sẽ có phản kháng.

Và ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. 4 cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng.

Hai trung đội cảnh sát đặc nhiệm cùng nhiều lực lượng cảnh sát bảo vệ được điều xuống Tiên Lãng tăng cường. Giám đốc, 4 phó giám đốc CA thành phố Hải Phòng trực tiếp có mặt hiện trường. Tuy nhiên, khi cảnh sát tiếp cận ngôi nhà, những người nổ súng đã biến mất.

Ngay sau đó ông Đoàn Văn Vươn (52 tuổi) đã bị bắt giữ. Chiều 7/1, ông Đào Văn Quý (46 tuổi), em trai ông Vươn, được công an xác định là nghi can nổ súng - đã trình diện.

7 người liên quan hiện đã bị bắt giữ, 2 người đang bị truy bắt. Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca thừa nhận, đã không lường được hết tính chất phức tạp của vụ cưỡng chế.

Trao đổi với VnExpress về tính pháp lý trong quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành từ chối bình luận. "Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm đã có kết luận cụ thể về vấn đề này rồi", ông Thành nói.

Bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND Hải Phòng cho biết, sẽ yêu cầu thẩm phán Ngô Văn Anh, người đã lập và ký "Biên bản tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án" giải trình vụ việc.

Luật tố tụng hành chính không có điều luật nào cho phép trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, thẩm phán được phép lập “biên bản thỏa thuận”. Nếu căn cứ vào biên bản thỏa thuận này để “vận động” nguyên đơn rút đơn kháng cáo, đi đến việc ra quyết đình đình chỉ giải quyết vụ án là vi phạm thủ tục tố tụng hành chính.

Xuân Hoa

source

http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2012/01/mau-thuan-dan-den-no-sung-chong-doi-o-hai-phong/

Thursday 5 January 2012

'Thu phí lưu hành xe là đổ gánh nặng cho dân'


'Thu phí lưu hành xe là đổ gánh nặng cho dân'

Trước việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu phí lưu hành xe máy 500.000-1 triệu đồng và ôtô 20-50 triệu mỗi năm, các chuyên gia cho rằng việc này không hiệu quả mà chỉ thêm gánh nặng cho người dân.

Ngày 30/12/2011, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Theo đó, cả ôtô và xe máy đều phải đóng thêm một loại phí gọi là "phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ". Ôtô tùy theo dung tích xilanh sẽ phải đóng thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất 50 triệu đồng mỗi năm. Với môtô, xe máy tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) phải đóng 500.000 đồng cho xe có dung tích dưới 175 cm3 và 1 triệu đồng cho xe có dung tích lớn hơn.

Ngoài thu phí lưu hành, Bộ cũng đề xuất thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm (buổi sáng là từ 6h đến 8h30, buổi chiều từ 16h đến 19h hằng ngày, trừ ngày nghỉ, ngày lễ), trong đó miễn thu phí với xe công và xe buýt. Việc thu phí áp dụng tại khu vực nội đô thành phố, thu qua các trạm thu phí ở chiều vào với mức dự kiến là 30.000 đồng một lượt xe ôtô đến 7 chỗ và 50.000 đồng với các loại ôtô còn lại. Khu vực thu và mức thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định.

ịlty
Các chuyên gia cho rằng, việc thu phí chỉ có thể tăng nguồn thu chứ không thể hạn chế được sự gia tăng của các loại phương tiện cá nhân...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP HCM, trước hết phải đặt câu hỏi đề xuất thu phí "lưu hành phương tiện giao thông đường bộ" với mục đích gì? Nếu để hạn chế xe cá nhân và giảm ùn tắc giao thông thì không thực tiễn bởi hiện nay tình trạng kẹt xe do rất nhiều nguyên nhân chứ không chỉ vì gia tăng các loại phương tiện.

Theo ông Phúc, nếu chỉ để hạn chế xe cá nhân thì không hiệu quả. "Đa số người dân có thói quen thích đi xe riêng hơn xe công cộng. Nếu thu 1 triệu đồng mỗi năm, tức là mỗi tháng khoảng 80.000 đồng thì tôi nghĩ 99,9% người dân sẵn sàng đóng để được đi xe của mình", ông Phúc nhận định.

Còn việc chỉ thu phí ôtô cá nhân vào nội đô mà không thu tiền xe công là sai luật và bất bình đẳng. Hơn nữa, người sử dụng ôtô là người giàu nên vào trung tâm phải đóng 30.000-50.000 đồng không là gì đối với họ. Họ sẽ vẫn đi xe ôtô chứ không sử dụng phương tiện công cộng. "Như thế Nhà nước chỉ thu được nhiều tiền nhưng không thể đạt được mục tiêu hạn chế xe cá nhân", ông Phúc phân tích.

Cùng quan điểm, luật sư Lê Hiếu Đằng, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP HCM cho rằng, việc thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân và giảm kẹt xe trong thời điểm này là không hợp lý vì tình trạng kẹt xe còn do đường sá chật hẹp, ý thức người tham gia giao thông...

"Người dân đã phải chịu quá nhiều loại phí trong khi giá cả mọi thứ đều tăng cao. Giờ phải đóng thêm phí lưu hành thì chẳng khác nào tăng gánh nặng cho họ", ông Đằng bức xúc.

...và dù có thu phí, việc ùn tắc giao thông cũng không thể thuyên giảm. Ảnh: H.C.

Cũng theo ông Đằng, giao thông công cộng hiện chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân mà cứ muốn hạn chế phương tiện cá nhân là không đúng. "Bộ GTVT thu phí như vậy chẳng khác nào đẩy khó khăn của ngành sang cho người dân gánh hộ. Đó không phải là một giải pháp hay, không thể giảm phương tiện cá nhân và kẹt xe", ông Đằng đánh giá.

Còn tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC) cho rằng, với đặc thù của các đô thị Việt Nam hiện nay nếu chỉ đơn thuần đánh thêm phí lưu hành và phí lưu thông giờ cao điểm thì không thể giảm được xe cá nhân. Đó là loại phương tiện đi lại và làm ăn hiệu quả nhất của người dân. Do vậy có thu phí cũng không cản trở nhu cầu này, mà chỉ là một điều kiện để người dân lựa chọn phương tiện đi lại.

Trong khi đó, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM nhận định, nhà nước thu phí cao chưa chắc người dân từ bỏ phương tiện cá nhân. Họ không có lựa chọn nào khác bởi xe buýt không đáp ứng đủ nhu cầu mà tàu điện ngầm thì còn lâu mới có.

Hữu Công

source

http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/01/thu-phi-luu-hanh-xe-la-do-ganh-nang-cho-dan/