Friday 8 January 2010

Không cấm nhập khẩu hạt nix nhưng… không được dùng?



Về chuyện UBND tỉnh Khánh Hoà cho phép Hyundai Vinashin (HVS) nhập khẩu 20 nghìn tấn hạt nix trong khi đó doanh nghiệp này vẫn chưa xử lý số lượng gần 1 triệu tấn hạt nix đã qua sử dụng, Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Kế Sơn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) - Trưởng đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT) xung quanh sự việc gây ồn ào dư luận này.

Hyundai Vinashin: Khuyết điểm lớn, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng!

- Sau khi báo chí lên tiếng về việc HVS nhập khẩu một lượng lớn hạt nix thì đoàn thanh tra của Bộ TN-MT đã vào cuộc kiểm tra. Vậy, kết quả kiểm tra ra sao, thưa ông?

- Về việc sử dụng hạt nix trong thời gian vừa qua thì báo chí cũng đã đề cập đến nhiều rồi. Vấn đề để tồn lưu một số lượng lớn hạt nix hơn 800 nghìn tấn được lưu giữ ở bãi thải ngoài khuôn viên của HVS là hậu quả của việc chấp hành không nghiêm chỉnh pháp luật về bảo vệ môi trường của HVS. Cái đó chúng ta đã công bố và có những biện pháp cứng rắn đối với HVS.

Núi hạt nix lộ thiên của HVS tại Khánh Hoà. Ảnh: VNN

Chúng tôi đã tổ chức một cuộc họp có sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan trong đó có cả Vinashin, đại diện HVS và có cả đại diện UBND tỉnh Khánh Hoà. Trong cuộc họp đó, chúng tôi đã đánh giá những cái được và cái không được của HVS. Dù là ở cương vị hay cách phát biểu nào thì cũng phải khẳng định rằng đấy là một khuyết điểm rất lớn, kéo dài và gây hậu quả nghiêm trọng của HVS. Và vì thế, Bộ TN-MT kết luận cũng như đã đề nghị Chính phủ, tỉnh Khánh Hoà và HVS rằng:

Thứ nhất là phải khu trú lượng nix khổng lồ đó lại với nhau, có cả bê tông lót ở dưới, có tường bao quanh, bạt che ở trên. Thu gom, xử lý nước thải và tuyệt đối không phát tán ra ngoài. Đến bây giờ vẫn giữ yêu cầu đấy.

Thứ hai là phải tìm mọi cách xử lý hạt nix thải này và hiện nay có nhiều cách xử lý. Cách xử lý mà người ta đã làm là dùng hạt nix này để làm vật liệu xây dựng hay là trộn với bê tông để làm đường. Nhưng với cách làm đó thì có cái dở...

Cho nên phải chọn giải pháp thứ hai là HVS hợp đồng với Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim (Cty CPKS&LK) Hà Nội xây dựng một nhà máy ngay cạnh để xử lý hạt nix này. Nhà máy đó có quy mô khá lớn, khi vận hành theo lý thuyết là 300 nghìn tấn mỗi năm. Như vậy, phải mất gần 3 năm mới xử lý hết đống hạt nix này. Và nhà máy có thúc đẩy nhanh thì cũng phải mất 15 tháng.

Đề nghị thứ 3 là HVS không dùng hạt nix để phá rỉ nữa mà thay thế bằng bi sắt và phun nước để làm sạch.

"Bộ TN-MT chưa bao giờ có một văn bản hay tuyên bố cho nhập hay cấm nhập hạt nix cả. Chỉ yêu cầu xử lý xong 800 nghìn tấn hạt nix kia và có các biện pháp thì mới cân nhắc là cho nhập hay không cho nhập. Và Bộ TN-MT không có quyền hạn cho nhập hay không cho nhập. Trong danh mục hàng hoá cấm nhập thì không có hạt nix" - ông Lưu Kế Sơn cho biết.

Thứ tư là Vinashin đang hợp tác với Hyundai để thành HVS vậy thì HVS đang khó khăn về đơn đặt hàng, về doanh thu, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đề nghị Vinashin tạo điều kiện hỗ trợ HVS trong thời kỳ khó khăn này. Và, Bộ TN-MT đề nghị tiếp tục sử dụng hạt nix khi mà đã xử lý xong số hạt nix kia và có biện pháp bảo vệ môi trường, không để tác động ra môi trường xung quanh khi sử dụng hạt nix. Đề nghị này thể hiện quan điểm của Bộ TN-MT nữa nên trước sau không thay đổi.

Và cái thứ 5 là không chỉ hạt nix, còn rác thải, nước thải, tiếng ồn, bụi... yêu cầu HVS phải chấp hành nghiêm chỉnh. Từ thu gom, xử lý, thực hiện quan trắc môi trường. Và điều đó cho đến nay HVS làm được.

Thứ 6 là yêu cầu Sở TN-MT (tỉnh Khánh Hoà - PV), Tổng cục Môi trường thường xuyên giám sát để yêu cầu HVS chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật bảo vệ môi trường.

Sáu điểm này là yêu cầu của Bộ TN-MT trong thời gian vừa qua đối với HVS và hạt nix.

Hạt nix "không độc" và Bộ TN-MT "không cấm nhập" (?)

Ông Lưu Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT, dẫn đầu đoàn kiểm tra vụ HVS nhập khẩu 20 nghìn tấn hạt nix gây xôn xao dư luận thời gian qua. Ảnh: Duy Tuấn

- Quan điểm của Bộ như thế nào về việc khi Bộ đã yêu cầu HVS ngừng nhập hạt nix và phải giải quyết dứt điểm số lượng hạt nix gần 1 triệu tấn đang để ở Khánh Hoà nhưng tỉnh này vẫn cho phép nhập. Trong lúc đó, Bộ TN-MT cấm. Vậy thì đây có phải là tình trạng trên bảo dưới không nghe giữa các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương hay không?

Đối với việc xử lý hiện nay, chúng ta phải đánh giá cho đúng vị trí của hạt nix. Bản thân hạt nix là một hỗn hợp các kim loại, riêng nó thì không độc. Vì thế trong danh sách cấm nhập khẩu thì không có.

Nó chỉ độc khi mình dùng nó phun vào các tàu cũ thì hạt nix bị vỡ ra và nó bị lẫn vào mỡ, dầu, sơn và phát tán ra môi trường xung quanh. Và lúc đó hạt nix thải, qua sử dụng có lẫn với các thứ đó thì mới là độc, nguy hại đến môi trường.

Bộ TN-MT khẳng định chừng nào mà chưa xử lý hết đống hạt nix thải kia và không có các giải pháp bảo vệ môi trường khi sử dụng hạt nix thì không được sử dụng. Bộ TN-MT không cấm nhập hạt nix, trong luật có cấm đâu. Hiện nay, công luận có nhầm lẫn chỗ đó.

Chúng tôi đã có một số đồng thuận với Khánh Hoà. Quan trọng số một là phải tập trung mọi nguồn lực có thể để thúc đẩy nhà máy xử lý hạt nix vào vận hành. Khi nhà máy vận hành rồi thì bằng mọi cách phải cô lập, xử lý thật tốt đống hạt nix hiện nay...

Núi hạt nix cũ đã được HVS "vội vàng" che bạt lại "đón" các cơ quan kiểm tra. Ảnh: TTO

Vừa rồi báo chí có đưa tin nhưng mình chỉ căn cứ vào thông tin thế mà kết luận cho hạt nix là không đúng đâu. Vì từ tháng 8/2007 đến nay là không dùng hạt nix. Có thể là có tiếng ồn, bụi... Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh có nghiên cứu, đánh giá cho chính xác và công bố cho nhân dân biết.

Những thoả thuận, trao đổi giữa chúng tôi với Khánh Hoà thì yêu cầu Khánh Hoà có một văn bản, có thể họp báo, thông cáo báo chí gửi cho các bạn để biết được đầy đủ chính xác về việc hạt nix hiện nay, về tác động môi trường của HVS.

Chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hoà có công văn gửi cho Bộ TN-MT nói về việc này. Và sau đó Bộ TN-MT cũng sẽ có công văn để báo cáo Chính phủ.

"Không khó xử lý hạt nix!"

Theo giới khoa học thì chất thải xỉ đồng rất khó xử lý triệt để. Với giải pháp vừa rồi HVS báo cáo Khánh Hoà xử lý. Theo Bộ TN-MT thì có thể xử lý triệt để hay không?

Thực ra, theo dân kỹ thuật thì đưa hạt nix đi phá các rỉ sắt trong bong tàu là tốt nhất và sạch nhất, khi sơn lên thì cũng tốt nhất. Cho nên các chủ tàu đều muốn người sửa tàu sử dụng hạt nix. Thực ra tôi nghĩ xử lý hạt nix không khó về mặt kỹ thuật, chỉ là yếu tố thời gian và tiền.

Cái vi phạm của HVS là hệ thống kéo dài, để lại một số lượng quá lớn hạt nix và phải mất thời gian lâu mới xử lý xong được. Tôi nghĩ rằng, hạt nix đã qua sử dụng có tác hại môi trường thì xử lý không khó. Và nó tác hại đến môi trường xung quanh không nhiều, không lớn như các chất khác đâu.

- Việt Nam đã có bài học nhãn tiền về việc Vedan "bức tử" sông Thị Vải. Cái giá cho sự phát triển chúng ta phải chấp nhận nhưng việc Bộ đã "cấm" mà địa phương vẫn "giúp đỡ" doanh nghiệp để nhập về thì cần có cơ chế kiểm soát như thế nào của các cơ quan TƯ đối với địa phương? Trách nhiệm của tỉnh Khánh Hoà và cơ quan chức năng chuyên môn là Sở TN-MT trong việc này như thế nào?

- Việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát là công việc thường niên của các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở TƯ và địa phương. Sở TN-MT phải có trách nhiệm giám sát. Tổng cục Môi trường cũng có nhiệm vụ đó. Chính vậy nên tháng 3/2009, chúng tôi có đoàn vào kiểm tra rồi.

Tàu Atlantic Star đã cập bến chở theo 20.000 tấn hạt nix cho Hyundai Vinashin. Ảnh: VNN

Đợt này vào kiểm tra, một là cũng định kỳ, hai là dư luận xung quanh việc nhập hạt nix như thế chúng tôi phải vào xem như thế nào. Nhất là việc khu trú hạt nix đã sử dụng thế nào, tiến độ của nhà máy xử lý ra sao, các biện pháp bảo vệ môi trường khác như thế nào...

Thực ra thì Bộ TN-MT chưa bao giờ có một văn bản hay tuyên bố cho nhập hay cấm nhập hạt nix cả mà chỉ yêu cầu xử lý xong 800 nghìn tấn hạt nix kia và có các biện pháp thì mới cân nhắc là cho nhập hay không cho nhập.

Và Bộ TN-MT không có quyền hạn cho nhập hay không cho nhập. Trong danh mục hàng hoá cấm nhập thì không có hạt nix.

Nhập khẩu nhưng không được dùng!

- Thực trạng của việc chất thải hạt nix ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân ở xung quanh như thế nào, thưa ông?

Những câu hỏi này sẽ giúp dân nhiều hơn. Thứ nhất là chỗ khu trú, lưu giữ hạt nix thì nó ở ngoài khuôn viên của HVS, trên sườn một quả đồi, hoàn toàn không có dân cư và việc nó phát tán gây ô nhiễm môi trường xung quanh là không có. Khi nào nước mưa chảy xuống nó thu gom chảy về bể xử lý bằng hoá chất thì nước thải ra ngoài là sạch. Cái này có giám sát.

Còn khi sử dụng nó bắn thì bản thân công nhân có bảo hộ lao động nhưng nếu bụi phát tán ra ngoài chẳng hạn, không gian rộng hơn chẳng hạn thì chắc chắn ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Và ta cấm, phạt, yêu cầu họ làm nghiêm là ở chỗ đấy.

Còn việc 20 nghìn tấn hạt nix nằm đấy thì không phải là độc. HVS sẽ mất công để lưu giữ.

Và việc nhập hạt nix là việc của HVS nhưng HVS không được sử dụng. Lại một bài học nữa đối với Vinashin. Đấy là quan điểm nhất quán rõ ràng của Bộ TN-MT.

**************

source

http://www.tuanvietnam.net/2010-01-08-khong-cam-nhap-khau-hat-nix-nhung-khong-duoc-dung-

No comments:

Post a Comment