Tuesday 28 July 2009

Thịt bẩn hay kinh doanh bẩn?

Ngày 27.07.2009 Giờ 14:07

Thịt bẩn hay kinh doanh bẩn?

SGTT - Thừa nhận Vinafood có hành vi dán chồng nhãn trên sản phẩm quá hạn, ông Cáp Văn Thái, tổng giám đốc công ty Vinafood đề nghị sử dụng các lô hàng quá đát cho thức ăn gia súc. Theo ý kiến của bạn đọc gửi về Sài Gòn Tiếp Thị, ranh giới giữa thực phẩm và thức ăn gia súc với doanh nghiệp như Vinafood, không phải ở hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm hay đạo đức kinh doanh, mà là sự phát hiện của cơ quan chức năng. Dưới đây là 7 trong số hàng trăm ý kiến gởi về toà soạn trong mấy ngày qua

Lê Chí Thiện: người tiêu dùng có quyền được cung cấp thông tin trung thực

Những ý kiến của các đại gia trong ngành thực phẩm tại cuộc họp sáng 23.7 do trung tâm Thú y vùng VI tổ chức đã xem thường người tiêu dùng. Họ đã “bỏ quên” đạo đức kinh doanh, đặt sức khoẻ và sinh mệnh người tiêu dùng (NTD) dưới quyền lợi nhỏ nhen của công ty, thậm chí họ còn cố tình vi phạm pháp luật khi tự ý lấy hàng đang bị niêm phong đem bán ra thị trường.

NTD có quyền được cung cấp thông tin trung thực. Chúng tôi rất hoan nghênh và ủng hộ các ý kiến và quan điểm rõ ràng của lãnh đạo chi cục Thú y TP.HCM bác bỏ các thái độ “cố lỳ”, các ý kiến thiếu trách nhiệm và thiếu cả lương tâm của các công ty này. Hình ảnh của các công ty này sẽ bị đánh mất, và niềm tin của NTD sẽ không còn đối với những đại gia này. Rõ ràng khi bước vào cuộc chơi lớn của kinh tế thị trường đã có nhiều tên tuổi lớn nhưng vẫn mang trên mình nhiều suy nghĩ nhỏ. NTD thông minh sẽ tỏ rõ thái độ ứng xử tương xứng!

(thientailor.mt...@gmail.com)

Trần Thị Phương Vân, phường 12, quận 10: người dùng có thể tẩy chay hàng hoá

Mấy hôm nay tôi không dám mua thịt mà chỉ mua cá cho cả nhà ăn. Người bán tinh vi lắm, nhìn thịt đâu biết sạch hay không sạch. Đây là doanh nghiệp có tên tuổi lớn vậy mà làm mất uy tín. Người tiêu dùng mất lòng tin thì hàng hóa sẽ dễ bị tẩy chay. Nghe nói lúc trước miền Bắc đã bị thịt bẩn nhập khẩu, vậy mà trong Nam cũng nhập tiếp để làm hại dân mình.

Võ Thị Thanh Kiều, phường 2, quận 6: chạy theo lợi nhuận, bất chấp lợi ích người tiêu dùng

Nghe vụ thịt bẩn tôi thấy bức xúc vô cùng. Làm kinh doanh mà không có đạo đức. Vì lợi nhuận mà không nghĩ chút gì đến những NTD. Không biết trước giờ tôi đã ăn loại thịt quá đát này chưa? Về lâu dài phát sinh bệnh làm sao biết được. Trách nhiệm này thuộc về ai?

Ông Nguyễn Chí Nguyện, tổng thư ký hội Lương thực phẩm TP.HCM: kinh doanh không thể bất chấp

Tôi cảm thấy sốc về cái gọi là kinh doanh ở đây đang chà đạp lên tất cả. Đứng về mặt khoa học, không thể có loại thức ăn nào mà sau khi đông lạnh có thời hạn sử dụng mãi mãi. Đông lạnh chỉ là quá trình ngăn cản vi khuẩn xâm nhập và làm chậm quá trình phân huỷ, phát triển của những vi khuẩn trong thực phẩm.

Đứng về khía cạnh tâm lý, người châu Á, và nhất là người Việt Nam xưa nay phân định rõ thức ăn cho người và cho gia súc. Vậy thì Vinafood đang bán loại thực phẩm gì mà ranh giới giữa thức ăn cho người và thức ăn cho con vật chỉ khác nhau ở chỗ có bị cơ quan chức năng phát hiện ra hay không: chưa phát hiện thì bán cho người còn nếu bị phát hiện thì bán làm thức ăn gia súc.

Ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc trung tâm Thú y vùng VI: quy định có, thực hiện khó

Theo quy định, các mẫu phải được lấy ngẫu nhiên từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên, nhưng cán bộ thú y không thể chui sâu vào container lạnh, rồi đảo lộn cả container lên để lấy hết được, mà chỉ lấy vài mẫu tượng trưng bên ngoài. Trong khi, một container có khi “độn” nhiều sản phẩm khác nhau, ghi ngày sản xuất, hạn dùng khác nhau. Nếu chỉ lấy được mẫu phía ngoài để xét nghiệm, cấp giấy chứng nhận cho cả container thì phần còn lại chưa chắc đã đạt. Giải pháp đưa hàng về kho doanh nghiệp rồi mới tiến hành lấy mẫu, cấp giấy thì lại sợ khi phát hiện sai phạm, khó có thể buộc tái xuất, hàng dễ bị tẩu tán.

Quy định nêu rõ: thú y địa phương có trách nhiệm giám sát từng ký thịt đưa vào, xuất ra, bán đến tay người tiêu dùng. Thế nhưng, do doanh nghiệp nhập về quá nhiều, trữ hàng ở nhiều địa điểm khác nhau; trong một kho lại có nhiều đợt hàng, nhiều chủng loại ghi ngày sản xuất, hạn dùng khác nhau. Có khi chưa bán hết đợt hàng này, doanh nghiệp đã nhập về “tấp” thêm vào nên thú y địa phương không tài nào nắm hết lượng hàng đã ký giấy cho xuất đi là bao nhiêu, hàng tồn còn lại là bao nhiêu? Vì bất lực trong kiểm tra, giám sát nên những trường hợp doanh nghiệp gian dối, cố tình tìm cách tuồn hàng quá đát như Vinafood đã thừa nhận là không tránh khỏi.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: vi phạm nghiêm trọng, có thể tước giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Khi Vinafood cố tình vi phạm, dán nhãn thêm hạn sử dụng cho sản phẩm là hành vi vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Vinafood biện hộ việc làm đó là do kinh tế khó khăn, hàng chậm tiêu thụ… đó là câu trả lời đối phó, trả lời cho qua chuyện. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cần phải vào cuộc, thanh tra sự việc này. Đây là hành vi coi thường pháp luật của Vinafood. Khó khăn về kinh tế là khó khăn chung, nhưng không phải vì vậy mà công ty coi thường người tiêu dùng.

Về hình thức xử lý, trước hết, sở Công Thương cần xử phạt hành chính với Vinafood. Nếu có dấu hiệu ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng thì có thể khởi tố về mặt hình sự đối với Vinafood. Các cơ quan thanh tra phải vào cuộc để thanh tra toàn diện các hoạt động của công ty này xem công ty có nhập lậu thực phẩm hay không, các sản phẩm nhập về có đủ vệ sinh an toàn thực phẩm hay không.

Cần phải thanh tra liên ngành: công an, quản lý thị trường, chi cục thú y,… Xem xét hành vi nếu vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực thương mại theo nghị định 08 của Chính phủ có thể sử dụng hình phạt bổ sung, như tước giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Hải, chủ siêu thị Hà Nội: xã hội có hành động kiên quyết mới triệt tiêu các hành vi làm ăn gian dối

Vụ Vinafood một lần nữa cho thấy giữa giấy tờ chứng nhận của cơ quan chức năng với thực tế chất lượng sản phẩm của các công ty luôn có sự khác biệt. Khi nhà cung cấp cố ý luồn lách, các cơ quan chức năng lơ là thì siêu thị cũng đành bó tay, vì hầu hết các mặt hàng vào siêu thị từ trước đến nay đều có giấy tờ hợp lệ. Do vậy, giấy tờ chỉ là thủ tục hành chính, điều quan trọng là sự quyết định riêng của nhà kinh doanh siêu thị.

Đã từng có các vụ siêu thị tẩy chay không bán sữa nhiễm melamine, không bán nước tương chứa 3MCPD và mới đây là đẩy hàng của Tân Hiệp Phát ra khỏi quầy vì nghi dùng hương liệu quá hạn… Với vụ thực phẩm quá hạn của Vinafood này, nếu các cơ quan chức năng tìm ra nhà chế biến, cơ sở sản xuất nào tiêu thụ thì nhanh chóng công bố, để các siêu thị cùng nhau đẩy sản phẩm ra khỏi quầy. Xã hội có hành động kiên quyết, thì các hành vi làm ăn gian dối mới bị triệt tiêu được.

Nhóm PV

source
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=54726&fld=HTMG/2009/0726/54726

No comments:

Post a Comment