June 11, 2009
Tại sao GM phá sản?
Đỗ Quý Toàn-Việt Tribune
Chiếc xe mới đầu tiên tôi mua sau khi định cư ở Canada, là một chiếc xe Chevrolet do công ty General Motors chế tạo. Trong bốn năm trước đó tôi lái một chiếc xe cũ mua lại, do người bà con có lòng tốt bán rẻ cho. Mua xe mới là một quyết định rất ghê gớm trong thời gian đó; tôi vào thư viện nghiên cứu các số báo Consumer Reports rất kỹ, rồi mua. Khi lái chiếc xe mới từ dealer ra, nổi lên niềm hãnh diện của một người di dân mới, từ nay cảm thấy bắt đầu an cư lạc nghiệp.
Giám đốc điều hành GM, ông Fritz Henderson phát biểu phá sản ngày 1 tháng 6, 2009.SPENCER PLATT/GETTY IMAGES
Xe tự động bốc cháy
Cái xe đó, lái chưa được ba năm, đi chưa tới 80 ngàn cây số (50 ngàn miles) một bữa tự dưng bốc cháy! Bữa đó chúng tôi đi xa về, đang lái trên xa lộ thì nhìn thấy khói tỏa ra từ đầu máy. Táp xe lại đậu ven đường, mở cái nắp ra xem có cái gì lạ không (vô cùng dại dột, đừng bao giờ làm thế!) bỗng lửa bật phừng lên, may không bị cháy mặt! Khi cảnh sát xa lộ đến giúp, hỏi ra mới biết là mỗi ngày họ vẫn thấy hàng chục chiếc xe tự động cháy như thế.
Từ đó tôi không bao giờ mua xe Chevrolet nữa. Lúc sang ở California tôi lại có dịp lái xe Mỹ, một chiếc xe cũ do người anh tặng cho. Chiếc xe Mỹ thứ hai này do hãng Ford làm, lúc tôi bắt đầu dùng nó đã bẩy tám tuổi, chạy hơn 135,000 miles rồi; nhưng nó bền lạ lùng, chẳng bao giờ bị bệnh vặt cả. Tôi lái chiếc xe Ford đó suốt 12 năm, khi đồng hồ chỉ gần 200,000 miles mới ngưng. Phải ngưng vì một bữa cái xe đó cũng tự nhiên bốc cháy! Lần thứ nhì này, 25 năm sau lần đầu, tôi khám phá ra xe đang cháy khi mới đậu xe bên cột xăng và đang chuẩn bị đổ xăng vô bình đã mở nắp! Khi thoáng nhìn thấy có làn khói nhè nhẹ bốc lên ở đầu xe, nhớ kinh nghiệm cũ, tôi bình tĩnh cài cái vòi xăng trở lại cột, đóng nắp bình xăng cái xe lại; rồi vẫy tay kêu mấy người đang đứng gần giúp đẩy cái xe ra thật xa. Mọi người ai cũng hết lòng đẩy giúp!
Không phải vì những kinh nghiệm trên mà tôi bớt tin tưởng vào xe Mỹ. Nhưng cũng giống nhiều người Việt sống ở Bắc Mỹ, hiện nay tôi đang lái xe Nhật. Đây là một vấn đề tâm lý xã hội mà các công ty xe Mỹ sẽ phải đương đầu: Làm sao chinh phục được các người đã bỏ họ ra đi, làm sao khiến họ lại tin tưởng vào xe Mỹ. Vì đa số người Mỹ thuộc thế hệ trẻ hơn 60 và những người di dân mới tới thường có thành kiến đối với xe Mỹ. Việc phá sản của hai trong ba công ty xe lớn nhất ở Detroit càng làm cho người ta ngần ngại khi mua xe Mỹ. Nhưng đằng sau những vụ phá sản đó thì ta biết các công ty Mỹ thực sự đều có khả năng chế tạo những chiếc xe rất tốt, với hiệu năng cao không kém gì xe Nhật, trong đó có Chevrolet Volt, loại xe chạy cả điện lẫn xăng mà các chuyên viên cho là có nhiều kỹ thuật đi trước Prius của Toyota rất xa. Sự thất bại của các công ty xe hơi Mỹ không phải do khả năng kỹ thuật thua kém, mà do chính sách quản lý, tiếp thị và sản xuất thường chỉ nhắm vào lợi lộc ngắn hạn. Ngoài ra, cơ cấu tổ chức tản quyền quá rộng, khó thay đổi. Có thể nói là trong 40 năm qua họ không chú ý đến khách hàng như các công ty Nhật Bản, Đức hoặc Thụy Điển. Nếu họ rút được bài học này mà thay đổi thì chỉ trong vòng 5 đến 10 năm sẽ chinh phục được khách hàng trở lại.
Trong trường hợp công ty General Motors phá sản, có người thấy nguyên do là từ những quyết định sai lầm từ những năm 1990. Có người tìm ra nguyên nhân xa hơn, bắt nguồn từ mấy chục năm trước, vì cơ cấu tổ chức của GM kềnh càng quá, một công ty mà có 5, 7 phân bộ tách biệt với những nhãn xe nhắm vào đủ các loại túi tiền, đủ các loại sở thích. Nhưng có một nguyên cớ từ bên ngoài góp phần gây nên là chính trị làm hại kinh tế..
Ai cũng biết kỹ nghệ xe hơi Mỹ bắt đầu bị xe nhập cảng cạnh tranh ráo riết nhất từ thập niên 1970, sau vụ khủng hoảng dầu lửa đầu tiên do các nước Á rập sản xuất dầu gây ra. Trước đó, công ty General Motors chiếm một nửa thị trường xe hơi ở Mỹ – so với bây giờ chỉ còn khoảng 19%. Khi xăng lên giá, những chiếc xe Nhật, Đức bán vào Bắc Mỹ bán chạy vì ít hao xăng. Sau đó, người tiêu thụ còn thấy là những chiếc xe ngoại nhập này cũng bền nữa. Người ta mua vì biết là sau khi lái xe ba bốn năm đem bán lại được giá cao hơn xe Mỹ cũ. Tuy nhiên, với những người tiêu thụ có tiền thì họ vẫn thích đi xe Mỹ vì trông xe đẹp mắt hơn, xe được quảng cáo gây ấn tượng giầu sang hơn, trong khi các xe nhập cảng thường thấp, bé, giản dị, không lôi cuốn.
CAFE có lỗ hổng
Sau vụ khủng hoảng dầu lửa 1973, cả nước Mỹ ý thức được vấn đề tiêu thụ hoang phí năng lượng của họ, đi đôi với tình trạng lệ thuộc vào dầu nhập cảng từ Trung Đông. Để giảm bớt tình trạng lãng phí trên, chính phủ và quốc hội Mỹ làm luật bắt buộc các nhà sản xuất xe phải chế xe hơi với hiệu năng sử dụng xăng cao hơn. Họ đặt ra những tiêu chuẩn, gọi là CAFE, thí du, bắt đầu từ năm nào đó thì mỗi ga lông xăng phải chạy trung bình được bao nhiêu dặm (mile), không được thấp hơn. Dân Mỹ ủng hộ đường lối kiểm soát này vì giá xăng lên cao ai cũng muốn tiết kiệm.
Nhưng bước sang thập niên 1980 thì giá xăng, giá dầu thô lại xuống. Các hãng xe Mỹ vẫn theo đúng tiêu chuẩn CAFE không dám bỏ. Nhưng đồng thời họ thấy là những loại xe nhỏ và ít hao xăng đó không kiếm ra tiền nhiều, không phải là nguồn lợi tức tốt nhất cho công ty. Trong thị trường xe nhỏ, họ phải cạnh tranh với xe Nhật. Những xe Nhật thường bán giá đắt hơn nhưng vẫn có nhiều người mua vì họ thấy chúng bền, nghĩa là khi bán lại vẫn được giá. Những chiếc xe Mỹ loại tiết kiệm muốn cạnh tranh với Honda và Toyota phải dùng những kỹ thuật “Khuyến Mại” rất mạnh; như bớt giá, cho mua trả góp mà không tính tiền lời, vân vân. Những kỹ thuật chiêu mại đó có kết quả, xe bán được thêm, nhưng vì thế mà mức lời xuống quá thấp.
Cùng lúc đó, các hãng xe Mỹ khám phá ra một thị trường rất “béo bở,” là những xe to lớn kềnh càng lại được dân Mỹ ưa thích. Một là những chiếc xe “vận tải” nhỏ, hai là loại xe SUV. Cả hai loại xe “to béo” này bán chạy, nhất là bán cho đàn ông Mỹ. Loại xe tải nhỏ trước đây vẫn được các nông gia và các công nhân độc lập sử dụng, vừa để chở đồ khi làm việc, vừa dùng chạy hàng ngày. Ngoài hai lớp người đó, có những ông Mỹ cảm thấy cũng muốn tạo cho mình hình ảnh của những người công nhân và nông dân mạnh khỏe đó. Dù họ chỉ ngồi bàn giấy suốt ngày, họ cũng trở thành khách hàng của loại xe to lớn và tốn xăng này. Xe SUV với cái tên có chữ Sport nghe có vẻ thể thao, Utility Vehicle nghe có tính chất thực dụng. Loại xe SUV này mô phỏng theo những xe Jeep và xe Land Rover có từ nửa thế kỷ trước, bây giờ làm cho chúng trông bớt cục mịch đi một chút, tiện nghi hơn một chút, và vẫn giữ vẻ nghênh ngang. Trước kia chỉ những người đi rừng, leo núi mới cần dùng loại xe này; bây giờ các ông bà Mỹ nào muốn mang hình ảnh vừa thể thao vừa thực dụng cũng đua nhau lái SUV.
Các công ty xe Mỹ khám phá ra là sản xuất các xe tải nhỏ và SUV có lời cao hết xẩy. Vì chỉ cần đem những chiếc xe thường thay đổi chút đỉnh, thí dụ tốn thêm vài ba ngàn bạc, nhưng sau đó có thể bán với giá cao hơn năm bẩy ngàn đô la! Thế là các công ty ở Detroit dồn sức vào các loại xe hái ra tiền này; sau đó mấy năm các hãng xe Nhật và Đức cũng bắt chước để khỏi vắng mặt trong một thị trường béo bở.
Phong trào đi xe lớn và làm xe lớn này phát triển được là vì trong những luật lệ về tiêu chuẩn CAFE có những lỗ hổng. Lỗ hổng lớn nhất là điều luật nói rằng những xe được xếp vào loại “xe tải” có thể không cần theo đúng luật về hiệu suất khi dùng năng lượng.
Thế là các công ty ở Detroit kiếm bộn tiền nhờ sản xuất những chiếc xe tốn xăng đáp ứng đúng nhu cầu người tiêu thụ Mỹ. Họ không cảm thấy thúc bách phải cải thiện những mặt khác. Và các nghiệp đoàn thợ xe hơi cũng không bị thúc bách phải nhượng bộ về những chi phí lao động mà các hãng xe Mỹ phải chịu. Vì những hợp đồng mà các hãng xe hơi ký với công đoàn UAW trong những năm thịnh vượng cam kết những khoản lương bổng và hưu trí quá lớn. Các hãng xe Nhật và xe Âu châu làm ở Mỹ không phải theo các hợp đồng đó vì các công nhân của họ không thuộc UAW, cho nên chi phí sản xuất mỗi chiếc xe Toyota hoặc BMW làm ở Mỹ rẻ hơn các xe Mỹ cùng loại khoảng 1,400 đô la!
Các nhà quản đốc chăm chú kiếm tiền ngay tức khắc nhờ bán những loại xe to lớn kềnh càng nên không lo tương lai lâu dài khi giá dầu lên. Lối làm ăn chỉ nhìn lợi nhuận ngắn hạn đó đã làm hại các công ty xe hơi Mỹ.
Không ai dám tăng thuế xăng
Khi quốc hội và chính phủ Mỹ làm những đạo luật CAFE ấn định tiêu chuẩn dùng xăng của máy xe, họ đã để chính trị can thiệp vào kinh tế, mà cuối cùng mục tiêu chính trị của họ không đạt được! Mục tiêu là tiết giảm việc sử dụng xăng dầu, rất đáng hoan nghênh. Nhưng cách giản dị nhất bắt toàn dân tiết kiệm xăng dầu là tăng thuế đánh trên giá xăng! Khi giá xăng tăng thì tự động cả nước tiết kiệm. Các nước Âu châu và Nhật Bản họ sống với giá xăng đắt gấp đôi ở Mỹ từ đời cha sang đời con, họ tự nhiên mua xe nhỏ, làm xe nhỏ.
Nhưng không một nhà chính trị nào ở Mỹ, cho đến bây giờ vẫn vậy, dám đụng vào thuế xăng! Để tránh né quyết định khó khăn đó, mà vẫn muốn dân tiết kiệm năng lượng, cho nên các nhà lập pháp làm ra những tiêu chuẩn nhiêu khê; mà vẫn để hở ra đầy những lỗ hổng! Các hãng xe Mỹ cứ sản xuất các loại xe to lớn hái ra tiền, chẳng thấy nhu cầu cải thiện hiệu năng là cấp bách.
Cho đến khi giá dầu lửa tăng vọt (năm ngoái có lúc lên tới 147 đô la một thùng) và xăng tăng giá tới 4 đô la một ga lông, thì người tiêu thụ bỏ chạy, các hãng xe Mỹ bắt đầu lỗ! Họa vô đơn chí, cuộc khủng hoảng nhà cửa khiến nhiều người hoãn không mua xe mới vì thiếu tiền. Khủng hoảng tín dụng khiến người ta khó vay tiền mua xe! Đó là những nguyên nhân trực tiếp đẩy Chrysler và GM vào cảnh phá sản! [ĐQT]
---------------------------------------------------
source
Viet Tribune Online
No comments:
Post a Comment