Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam không đạt tiến độ chạy thử 100% công suất vào ngày 25/8 trong khi Quốc hội Việt Nam tới giám sát.
Nhà máy đã tạm dừng hoạt động từ hôm 18/08, trong khi dự kiến ban đầu là Dung Quất sẽ được đưa vào vận hành 100% công suất vào ngày 25/08.
Ban Quản lý dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất nói với đoàn giám sát thuộc Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội rằng lý do là một van dầu bị rò rỉ. Ngoài ra báo chí trong nước cũng nói nhà máy ''thiếu dầu thô để pha trộn nguyên liệu'' và nhiều vấn đề kỹ thuật đã được phát hiện.
Trang tin VnExpress nói:
''Trong quá trình thi công các nhà thầu đã xác nhận tại nhà máy lọc dầu Dung Quất có trên 172.000 vấn đề tồn tại về kỹ thuật và trong quá trình chạy thử cũng đã nảy sinh một số sự cố kỹ thuật.''
Tuy nhiên giới chuyên gia nói rằng một công trình như Dung Quất có thể có tới hàng chục triệu chi tiết kỹ thuật và số lượng các vấn đề kỹ thuật không quan trọng bằng mức độ nghiêm trọng của các vấn đề đó.
Bàn giao nhà máy
Liên quan tới sự cố mới nhất, một nguồn tin từ dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất nói với BBC:
''Hiện tại nhà máy gặp sự cố của van, nó bị rò rỉ dầu ra ngoài và nhà thầu Technip đề nghị tạm ngưng để khắc phục sự cố."
''Chỉ là cái van trên đường ống, nhưng nó là một phần của hệ thống và phải dừng lại để sửa chữa."
''Thiết kế này là của nước ngoài nên không có sản phẩm ở trong nước thay thế; phải tạm ngưng hoạt động để chờ thiết bị về.''
Nguồn tin này nói kế hoạch bàn giao nhà máy để đưa vào hoạt động sẽ vẫn diễn ra vào cuối tháng 10 năm nay như theo hợp đồng ban đầu.
Trang tin VnExpress trích lời ông Đặng Vũ Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Trưởng đoàn giám sát của quốc hội vừa tới Dung Quất nói:
''Nhà thầu cần tập trung sớm tìm ra nguyên nhân, khắc phục sự cố nhanh vận hành 100% công suất nhà máy đúng tiến độ kế hoạch đề ra.''
Tăng vốn đầu tư
Thông Tấn xã Việt Nam mới đây cũng đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có quyết định tăng vốn đầu tư cho dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất lên ba tỷ đô la từ con số 2,5 tỷ đô la.
Một số chuyên gia trong và ngoài nước từ lâu đã cảnh báo về tính phi kinh tế của dự án và có người cho rằng nhà máy sẽ có lợi nhuận âm với mức đầu tư như hiện nay.
Cũng chính vì hiệu quả kinh tế bấp bênh của dự án mà các nhà đầu tư nước ngoài từ Pháp, tới Nga và các nước khác đã lần lượt ra đi và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phải đứng ra một mình làm chủ đầu tư dự án.
----------------------------------------
source
BBC Vietnamese
No comments:
Post a Comment