August 21, 2009
Đỗ Quý Toàn-Việt Tribune
Hồi 1994, Quận Cam ở tiểu bang California, là đơn vị quận (county) giầu nhất nước Mỹ phải tuyên bố phá sản. Lý do: Vì đầu tư vào derivatives. Năm 1998 công ty đầu tư Long-Term Capital Management (LTCM) bị mất gần hết vốn 4 tỷ đô la trong một năm, cũng vì chuyên mua bán derivatives. Trong cuộc khủng hoảng tín dụng và tài chánh năm 2008, 2009, nhiều công ty đầu tư phá sản cũng vì những derivatives. Năm ngoái “đại công ty” bảo hiểm AIG lớn nhất thế giới bị sập vì bán quá nhiều giấy bảo hiểm cho các trái khoán, những “swap” đó cũng là những derivatives. Nên gọi derivatives là cái gì trong tiếng Việt? Chúng tôi thấy không nên dịch mà nên phiên âm thành “đê ri va ti” cho nó gọn. Bởi vì dịch ra chữ ta hay chữ Tầu thì nó cũng khó hiểu chẳng khác gì phiên âm. Cũng giống như ngày xưa Hoàng Xuân Hãn đề nghị gọi tên chất át xít, chất ba dờ, thay vì gọi bằng tên chữ Hán vậy. Nếu tra tự điển kinh tế tài chánh của người Trung Hoa thì có thể dịch là “phái khoán,” hoặc “diễn khoán,” những chữ này cũng cần giải thích mới hiểu được.
Vậy đê ri va ti là cái gì?
Cái tên derivative do động từ “derive” tức là nó do một thứ nào khác mà vẽ ra, từ một “cái gì” khác sinh ra. “Cái gì” đó có thể là bất cứ cái gì có giá trị và giá trị có thể thay đổi theo thời gian.
Một nhân viên chứng khoán gãi đầu khi thị trường xuống hôm 17 tháng 8, 2009. Chris Hondros/Getty Images
Những giấy bảo hiểm cho trái khoán (credit deafault swap) của AIG chỉ là một trong nhiều thứ hợp đồng do thế giới tài chánh sáng chế ra. Nó là một trong nhiều thứ “đê ri va ti” bùng phát trong giới đầu tư ở Mỹ, chẳng hạn các options (tạm dịch là hứa phiếu), futures (lai phiếu), vân vân. Nói chung, những hợp đồng này được tạo ra thêm trong thị trường sau khi đã có những chứng khoán khác đã hiện hành, tức là mua bán rồi. Việc sáng chế ra các đê ri va ti đó là để chia sẻ rủi ro cho nhiều người cùng chịu. Tất nhiên, trong thị trường nếu muốn ai chia sẻ bớt rủi ro với mình thì phải trả tiền người ta! Số tiền đó là cái giá của các đê ri va ti.
Chẳng hạn, hứa phiếu là một hợp đồng mà người ta trả tiền để được hứa hẹn sẽ có quyền mua (call option) hoặc bán (put option) một thứ cổ phiếu nào đó với giá cố định, trong một khoản thời gian có hạn định. Người ta mua hoặc bán các hứa phiếu để giảm bớt rủi ro về các cổ phiếu mình đang giữ.
Thí dụ, nếu tôi đang làm chủ cổ phiếu của công ty BGE, bây giờ giá 43 đồng nhưng tôi lo trong tháng tới giá nó xuống dưới 40 đồng, thì làm sao đây? Tôi có thể mua thêm một hứa phiếu cho tôi có quyền bán cổ phiếu BGE với một giá cố định (thí dụ 40 đồng) trong tháng tới. Nếu tới kỳ hạn mà giá GE xuống dưới 40 đồng, thí dụ 37 đồng, thì tôi thi hành quyền của mình, bán cổ phiếu GE cho người kia lấy 40 đồng, nếu bị lỗ cũng lỗ ít hơn. Còn nếu giá GE cao hơn 40 đồng thì tôi vứt bỏ cái hứa phiếu, chịu mất một số tiền nhỏ lúc mua hứa phiếu. Như vậy người bán hứa phiếu (đây là một put option) sẽ chia bớt rủi ro với tôi, và tôi cũng chia bớt một chút lợi nhuận cho người đó khi tôi trả tiền mua hứa phiếu.
Có thể “viết” các thứ đê ri va ti dựa trên các món hàng không phải cổ phần hay các chứng khoán. Các nhà viết sách Tài chánh học (Finance) thường kể một câu chuyện trong Kinh Cựu Ứơc làm thí dụ. Có một lão trượng Do Thái hứa hẹn với một thanh niên rằng nếu anh ta làm việc không công cho ông ta trong ba năm thì sau đó anh có quyền cưới con gái ông mà chỉ cần trả một con cừu thôi.
Các chuyên gia tài chánh học, rất nhiều người gốc Do Thái, mô tả câu chuyện trên là một “call option.” Xin lập lại, nếu bạn mua một call option (hứa phiếu mua) thì bạn có quyền mua một cổ phiếu với một giá ấn định sẵn, vào một thời điểm ấn định trước. Có quyền, tức là bạn thấy lợi thì mua, nếu không thì thôi.
Trong thí dụ Jacob cưới vợ trên đây, cô gái con ông trưởng lão cũng giống như cái cổ phiếu, kỳ hạn thi hành hứa phiếu là 3 năm, giá mua cổ phiếu là một con cừu. Và cái giá anh Jacob phải trả để nắm được tờ hứa phiếu trong tay là 3 năm lao động sản xuất! Nếu sau ba năm anh thấy không ưng cô gái thì anh cứ “bye bye” còn nếu ưng, anh chỉ trả một con cừu cũng cưới được vợ.
Người mua một lai phiếu dựa trên một món hàng nào đó thì có quyền mua thứ hàng đó với giá cố định khi đáo hạn, và giá trị của lai phiếu mua bán trong thị trường sẽ được điều chỉnh liên tục từ khi ký kết. Gọi là “món hang” cho tổng quát, nhưng nó có thể là ngũ cốc, kim loại, thịt bò hoặc là những trái khoán, tức giấy nợ, vân vân. Thế giới đê ri va ti ngày càng phát triển, vì khi thấy cần là người ta đặt ra những đê ri va ti mới.
Một thí dụ về đê ri va ti rất lạ
Những hứa phiếu hoặc lai phiếu là các đê ri va ti quen thuộc, có mua bán trong thị trường ở Chicago. Người ta chỉ cần vô thị trường này, bảo mình muốn mua (hay muốn bán) một đê ri va ti nào đó, thị trường sẽ thấy có một “đối tác” (counterpariy) để hai bên mặc cả và trao đổi. Vai trò của thị trường là bảo đảm các hợp đồng trên được thi hành, chứ không phải cứ hứa bừa đi rồi chạy làng.
Nhưng có nhiều loại hợp đồng đê ri va ti rất lạ, có thể do một người nào đó mới đặt ra, không theo quy thức nào cả. Khi đó, họ phải đi tìm đối tác để trao đổi. Xin kể một thí dụ trong câu chuyện công ty Long-Term Capital Management (LTCM) bị phá sản, theo cuốn sách do Roger Lowenstein kể.
Năm 1995 công ty Westinghouse đề nghị sẽ mua cả công ty CBS (gọi là merger, hợp nhất) với giá 82 đô la một cổ phần. Tin vừa đưa, giá CBS tăng vọt thêm 20%, thành 78 đô la. Nếu ai đánh cá rằng việc mua bán sẽ thành, mua ngay CBS thì đến khi hợp nhất sẽ lời 4 đô la mỗi cổ phần, được 5% trên giá mua. Nhưng nếu việc hợp nhất không thành thì giá CBS có thể tụt xuống dưới 65 đô la.
Thí dụ công ty đầu tư CM muốn đánh cá. Họ sẽ “mua” các cổ phiếu của CBS với 100 triệu đô la để hy vọng kiếm lời. Nhưng bỏ ra 100 triệu đô la cũng khó, mà nếu đi vay thì phải theo luật, khi đi cổ phiếu chỉ được vay một nửa số tiền đó thôi, ngoài ra phải bỏ tiền túi. Cho nên các người lãnh đạo CM nghĩ ra một hợp đồng đê ri va ti để không cần mua cũng giống như mua 100 triệu đô la cổ phiếu của CBS. Họ điều đình với một ngân hàng ký một cái “swap.” Chữ này, có nghĩa là “trao đổi” thường dùng cho các hiện vật hơn là dùng tiền bạc. Xin gọi là “soap” trong tiếng Việt cho tiện.
Theo cái swap này, CM sẽ trả cho một ngân hàng mỗi tháng một số tiền tương đương với tiền lãi nếu vay 100 triệu đô la, từ nay cho đến ngày việc kết hợp của Westinghoue ngã ngũ (thành, hoặc bại), lãi suất bao nhiêu hai bên mặc cả rồi thoả thuận. Tới ngày biết kết quả vu kết hợp, ngân hàng và CM sẽ tính toán với nhau. Nếu thành công, thì ngân hàng sẽ trả cho LTCM 5 triệu đô, số tiền tương đương với tiền lời nếu CM mua cổ phiếu CBS bây giờ, tức là 5% của 100 triệu đô la. Còn nếu cuộc lương duyên không thành thì giá cổ phiếu CBS xuống, CM sẽ bù cho ngân hàng số tiền bị lỗ.
Đối với CM, ký hợp đồng này không khác gì họ đi vay 100 triệu đô la để mua cổ phiếu của CBS, mà trong thực tế họ không phải mua thật. Do đó, không phải bỏ ra đồng xu vốn nào mà vẫn giống như có mua; họ cũng không bị chính phủ hoặc ngân hàng nhòm ngó vào sổ sách tài chánh của họ nữa.
Đối với ngân hàng, họ không cần cho vay mà vẫn được trả tiền lãi trên 100 triệu đô la. Họ có thể bị mất tiền nếu vụ kết hợp CBS thành công, và được lợi nếu nó thất bại. Như vậy cũng giống như họ đánh cá nguợc lại với LTCM. Nhưng các ngân hàng thường rất bảo thủ, không đi đánh cá rủi ro như vậy. Để loại trừ mọi rủi ro, ngân hàng này có thể đi mua đúng 100 triệu đô la cổ phiếu của CBS! Nếu cổ phiếu lên, họ có lời, đem trả cho CM. Nếu giá nó tụt xuống vì kết hợp không thành, ngân hàng bị lỗ nhưng lại được CM trả tiền bù vào, tứclà đằng nào cũng hoà vốn! Cuối cùng họ được lời với số tiền lãi mà CM trả trên 100 triệu đô la trong mấy tháng, mà không thực sự phải cho vay đồng nào cả.[ĐQT]
---------------------------------------------
source
Viet Tribune Online
No comments:
Post a Comment