| ||
Thứ Tư, 10/03/2010, 07:19 (ANTĐ) - Thừa nhận tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến phố mới mở “làm xấu đi bộ mặt đường phố, gây phản cảm và bất bình trong dư luận”, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, đơn vị được giao quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn để chấm dứt thực trạng này.
1km, 70 trường hợp đất “kẹt” Từ vài năm trở lại đây, nhà siêu mỏng, siêu méo được xây dựng trên những miếng đất chỉ vài mét vuông đang làm biến dạng bộ mặt đô thị ở nhiều tuyến phố đẹp của Hà Nội. Kỷ lục được ghi nhận là “nhà” 2 tầng được xây trên diện tích đất... 2,8m2 ở đường Lê Thanh Nghị, phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng). Là một trong những quận có khá nhiều nhà siêu mỏng trên các tuyến đường mới mở, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, ông Trần Đức Học cho biết sau khi mở đường, đoạn đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa chỉ dài hơn 1km nhưng ở hai bên tuyến đã xuất hiện hơn 70 thửa đất “kẹt” (có kích thước hình học không bình thường). Nhiều trường hợp sau GPMB làm đường đã kịp xây dựng những ki-ốt với bề ngang chỉ vài chục centimét, chắn ngang mặt tiền của những ngôi nhà phía sau. Theo UBND quận Đống Đa, đến nay, mới chỉ có chủ sử dụng của hơn 40 thửa đất kẹt chấp nhận hợp khối. 30 thửa còn lại các chủ đất vẫn chưa thống nhất hợp khối được vì chủ đất mặt tiền thì “đòi” giá bán quá cao, ngược lại chủ đất ở phía trong cũng gây sức ép không mua. Ông Trần Đức Học cho rằng, với cách làm cứ mở đường đi giữa khu dân cư, GPMB theo quy hoạch kẻ vạch thẳng thì tuyến đường nào cũng phát sinh những thửa đất “kỳ dị” sau khi mở đường. Ngay cả tuyến vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, sắp tổ chức thi công cũng rất khó tránh được tái xuất hiện nhà siêu mỏng. Không chỉ ở quận Đống Đa, các quận nội thành khác như Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Ba Đình... cũng rất sẵn nhà siêu mỏng mỗi khi có dự án xây dựng hạ tầng được triển khai. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Khắc Thọ nhìn nhận, nạn nhà siêu mỏng đang làm xấu đi bộ mặt đô thị, nhất là những tuyến phố mới mở. Phân tích nguyên nhân làm phát sinh nhà siêu mỏng, ông Nguyễn Khắc Thọ cho rằng, ngoài lý do lịch sử để lại hay chính sách đền bù, GPMB thì sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cũng “góp” vai trò không nhỏ. Phải kiểm điểm trách nhiệm! Theo Sở Xây dựng Hà Nội, đối phó với nạn nhà siêu mỏng, từ nhiều năm trước, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Trung ương tới thành phố đều đã đề cập biện pháp ngăn chặn, xử lý. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã kiến nghị cụ thể phương án xử lý đối với từng dạng vi phạm, trong đó, riêng nhà siêu mỏng xây dựng từ năm 2005 tới nay được xác định là vi phạm trật tự xây dựng, cần được xử lý theo quy định của pháp luật... Thế nhưng, thực tế là các dạng nhà siêu mỏng khác nhau bám dọc theo những công trình hạ tầng giao thông của thành phố vẫn mọc lên, bất chấp hệ thống pháp luật hiện hành. Nhấn mạnh tới trách nhiệm của chính quyền địa phương, đại diện Sở Xây dựng nêu quan điểm: “Các công trình siêu mỏng đều không đủ điều kiện cấp phép xây dựng. Do vậy, việc cấp phép, kể cả giấy phép xây dựng tạm hoặc để tồn tại, không xử lý triệt để các công trình vi phạm kiên cố thuộc trách nhiệm của UBND quận huyện, phường xã và lực lượng thanh tra xây dựng ở cơ sở. Các đơn vị này thực hiện chưa tốt các quy định hiện hành về quản lý trật tự xây dựng cũng như ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội...”. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Nguyễn Khắc Thọ, để có thể chấm dứt tình trạng buông lỏng quản lý dẫn tới “tái phát” nhà siêu mỏng, UBND các cấp cần tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các đơn vị, cá nhân được giao quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Đồng thời, có kế hoạch cụ thể xử lý các công trình siêu mỏng, siêu méo theo đúng quy định hiện hành. Bên cạnh đó, cần sớm có quy định về quản lý kiến trúc công trình xây dựng hai bên tuyến đường mới mở. Ngoài ra, phải thực hiện nghiêm việc đền bù, GPMB, không để phát sinh các thửa đất, ngôi nhà có kích thước hình học không hợp lý cũng như nghiên cứu triển khai các dự án xây dựng đồng bộ đường và công trình mặt phố. Trong khi đó, một số quận lại cho rằng, khả thi nhất để hạn chế nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn là vận động để người dân hợp khối bởi giải pháp thu hồi các thửa đất “kẹt” không thể triển khai được. Lãnh đạo một quận nội thành than khó: “Muốn thu hồi đất phải có dự án, trong khi những thửa đất nhỏ đó chẳng thể làm được dự án gì và quận cũng không đủ thẩm quyền thu hồi!”. Chính Trung |
Sunday, 11 April 2010
Bó tay với nhà siêu mỏng
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment