Ngày 03.02.2010 Giờ 13:50
Vĩnh Long
SGTT - Đất thổ cư được bồi thường 45.000 đồng/m2, đất vườn 27.000 đồng/m2… Theo những người dân bị thu hồi đất để làm tuyến công nghiệp Cổ Chiên ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, số tiền đó không mua được một ký thịt heo.
Ông Dương Hồng Sơn bên con rạch vừa là đường vận chuyển nguyên liệu sản xuất, vừa là nguồn nước của cả xóm, nay đã bị bơm cát san lấp |
Ông Dương Hồng Sơn, chủ ba miệng lò nung gốm, là một trong số 35 hộ ở ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức (Long Hồ) bị chính quyền Vĩnh Long thu hồi đất đai, nhà cửa, lò gốm để xây dựng tuyến công nghiệp Cổ Chiên. Gia đình ông vốn làm nghề gạch, gốm từ năm 1982, doanh thu hàng năm hơn một tỉ đồng, trị giá cơ ngơi sản xuất khoảng trên ba tỉ đồng, nhưng tổng số tiền được bồi thường (tính luôn vườn cây ăn trái, ao cá) chỉ có 2,6 tỉ đồng. “Với số tiền này đi chỗ khác mua đất, tui chỉ xây được một miệng lò là hết vốn, nên chúng tôi không ai chịu nhận tiền”, ông Sơn cho biết.
Đất rẻ như bèo
Những người bị thu hồi đất nói, họ sẵn lòng chấp hành chủ trương lấy đất xây dựng khu công nghiệp của tỉnh nếu họ được đền bù thoả đáng để có đủ điều kiện tái định cư, khôi phục sản xuất. Trong khi đó, chủ lò Thái Văn Hí cho chúng tôi xem bảng tính tiền đền bù đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật kiến trúc do hội đồng đền bù giải toả tỉnh Vĩnh Long ban hành: đất thổ cư 45.000 đồng/m2, đất vườn 27.000 đồng/m2 (trợ cấp thêm 13.500 đồng/m2), đất ruộng 23.000 đồng/m2 (trợ cấp thêm 11.500 đồng/m2), nhà ở cao nhất 518.000 đồng/m2, thấp nhất 285.750 đồng/m2. Ông Hí nói: “Giá đất theo thị trường hơn 400.000 đồng/m2 đất ruộng, đất vườn hơn 500.000 đồng/m2 mà UBND tỉnh chỉ bồi thường cho chúng tôi với giá rẻ như bèo, tiền bồi thường một mét vuông đất mua không được một ký thịt heo thì làm sao chúng tôi chấp nhận”.
Trong khi đó chủ lò Hồ Minh Châu cho biết UBND tỉnh chi trả cho việc phá dỡ, di dời lò gạch gốm chưa đến 75 triệu đồng một miệng lò, trong khi xây mới một lò nung tốn không dưới 200 triệu đồng, chưa tính tiền mua đất lấy mặt bằng xây lò.
Theo những tài liệu mà chúng tôi có được, từ tháng 4.2004, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định thu hồi hơn 300.000m2 đất ở xã Thanh Đức huyện Long Hồ để xây dựng tuyến công nghiệp Cổ Chiên (khu 4), nhưng cho đến nay vẫn không giải toả được vì người dân đòi được đền bù thoả đáng và UBND tỉnh phải ra quyết định thu hồi đất cho từng hộ gia đình. Sự việc nhùng nhằng suốt nhiều năm, đến trung tuần tháng 10.2009 UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành thông báo số 79 cho rằng “giá trị bồi hoàn đã hợp lý” và “huyện Long Hồ không ra quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân là đúng pháp luật”. Giải thích trên không được người dân đồng tình nên họ cương quyết không nhận tiền bồi thường và không giao đất.
Lò nung bị cô lập
Suốt nhiều năm, do bị quy hoạch treo nên những chủ lò gạch, gốm, ở ấp Sơn Đông bỏ hoang ruộng vườn, lò nung hoạt động cầm chừng. Hai năm gần đây do khủng hoảng kinh tế, nghề gốm ở Thanh Đức suy sụp. Cuối năm 2009, nhiều chủ lò ký được hợp đồng giao hàng cho năm 2010. Tuy nhiên, mới đầu năm 1.2010, các lò nung bị cô lập khi UBND huyện Long Hồ cho người kéo đường ống bơm cát san lấp ruộng, vườn, đường nước của người dân.
Chủ lò Thái Văn Hí gương mặt hằn sâu nét âu lo, nói: “Mấy năm gần đây nghề gốm suy sụp, nay chúng tôi mới ký được hợp đồng giao hàng, UBND huyện Long Hồ và tỉnh Vĩnh Long cho bơm cát san lấp đất đai và sắp tới sẽ lấp cả lò nung để đuổi chúng tôi đi. Không sản xuất được, phải bồi thường hợp đồng là sạt nghiệp”.
Chủ lò Dương Hồng Sơn cùng tâm trạng: “Ngày 15.3 tới tui phải giao lô hàng gốm mỹ nghệ đầu tiên của năm 2010 cho khách, nhưng mấy bữa nay chẳng làm ăn gì được. Năm nay tui ký được hợp đồng trị giá hơn 860 triệu đồng, nhưng sắp tới phải bỏ lò chạy… cát, sản xuất đình đốn, không có hàng giao, khó tránh khỏi chuyện bồi thường cho khách”.
bài và ảnh Hùng Anh
source
http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=62782&fld=HTMG/2010/0202/62782
No comments:
Post a Comment