Friday, 18 December 2009

Bộ Xây dựng né trách nhiệm


Vụ thay đổi hướng tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài:
Bộ Xây dựng né trách nhiệm
19/12/2009 0:10
Hướng tuyến bị điều chỉnh đi qua khu dân cư tổ 82, 89 (P.2, Q.Tân Bình) đã sống ổn định hơn 20 năm qua, gây xáo trộn cuộc sống người dân và tăng chi phí giải tỏa - Ảnh: P.Thanh
Ngày 29.7.2009, Bộ Xây dựng có văn bản nhận định: Khiếu kiện của người dân về việc tùy tiện điều chỉnh hướng tuyến dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN - BL - VĐN) là có cơ sở. Thế nhưng đến ngày 17.12.2009, Bộ này lại có văn bản khác.

Bất nhất

Trong văn bản ngày 17.12, thay vì nhận định các giải trình của UBND TP.HCM xu­­ng quanh khiếu kiện tại dự án TSN - BL - VĐN là đúng hay sai, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân lại cho rằng: "Trong tình hình hiện tại, một số quy định pháp luật chưa đồng bộ, thậm chí còn chồng chéo; đặc biệt trong chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, gây khiếu kiện trong dân. Mặt khác, do thời gian thực hiện dự án kéo dài, các quy định về pháp luật xây dựng có sự thay đổi qua các thời kỳ, cũng gây lúng túng trong quá trình thực hiện dự án ở các cấp cơ sở. Do đó, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP.HCM hệ thống lại toàn bộ văn bản pháp luật của từng thời kỳ liên quan đến việc thực hiện dự án này, công khai giải thích cho người dân biết để người dân thực hiện".

Bên cạnh đó, dù khẳng định hiện nay Bộ Xây dựng đang tiếp tục nhận được nhiều đơn thư khiếu kiện của người dân về việc tùy tiện điều chỉnh dự án, song Bộ trưởng lại cho rằng chưa giao cho cơ quan thanh tra hoặc một cơ quan nào thuộc Bộ thu thập những tài liệu liên quan đến dự án này, cho nên không đủ cơ sở để giải thích cho người dân.

Thái độ này của Bộ trưởng hoàn toàn bất nhất với văn bản 205 do Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên ký ngày 29.7.2009. Trong đó, ông Yên nhận định: "Tuyến đường vành đai TSN - BL đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1997 có chiều dài hơn 13km, mặt cắt 60 - 65m là phù hợp với sự phát triển đô thị TP.HCM theo hướng hiện đại". Về việc triển khai xây dựng dự án, theo ông Yên, thiết kế cơ sở đã được Bộ Xây dựng thẩm định không có việc bẻ cong tuyến đường thành 2 nhánh như hiện nay. Ngoài ra, để thực hiện dự án, UBND TP cũng có văn bản 8145 (ngày 27.11.2007) báo cáo Thủ tướng xin điều chỉnh đoạn từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn, trong đó có nêu "về cơ bản chỉ có một nhánh rẽ rộng 20m đi theo hướng tuyến và nằm trong phạm vi quy hoạch rộng 60m của đường vành đai trong đã được phê duyệt trước đây". Ông Yên còn viện dẫn các văn bản 250 (ngày 25.6.2005) và 254 (ngày 25.2.2009) của Bộ Xây dựng xung quanh việc điều chỉnh dự án để cho thấy Bộ này chưa từng chấp thuận bẻ cong hướng tuyến. Từ đó, ông chánh thanh tra đi đến kết luận "khiếu kiện của người dân là có cơ sở", và khẳng định với báo chí sẽ kiến nghị Bộ trưởng thanh tra toàn dự án.

Thế nhưng, văn bản trả lời mới đây của Bộ trưởng khiến dư luận thắc mắc: Có gì đằng sau sự bất nhất của Bộ Xây dựng?

TP.HCM "qua mặt" các bộ?

Từ những tài liệu Thanh Niên thu thập được, không thể không đặt câu hỏi, phải chăng có sự khác nhau giữa những văn bản mà TP.HCM trình các cấp trung ương với những gì mà TP.HCM triển khai trong thực tế. Hay nói cách khác, TP.HCM đã báo cáo một đằng nhưng làm một nẻo?

Ngay trong hồ sơ thiết kế cơ sở trình Bộ Xây dựng thẩm định, UBND TP.HCM đã có sự nhập nhằng về hướng tuyến, gây sự ngộ nhận rằng TP.HCM chỉ đề xuất giảm lộ giới đường TSN - BL - VĐN đoạn qua Q.Tân Bình từ 60m xuống còn 20m (do thiếu kinh phí), chứ hoàn toàn không có chuyện bẻ cong đi hướng tuyến đã được phê duyệt. Do đó, trong kết quả thẩm định của Bộ Xây dựng có nêu "đoạn đầu tuyến từ nút giao Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn dài 1,5 km, rộng 20m (3 làn xe)", hoàn toàn không thẩm định thành 2 nhánh đường cong như TP.HCM đang triển khai giải tỏa trong thực tế.

Nghiêm trọng hơn, Quyết định 3585 (ngày 19.7.2005, về phê duyệt quy hoạch phương án tuyến dự án TSN - BL -VĐN) mà UBND TP.HCM trình Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế cơ sở lại dựa trên bản đồ 1/10.000 của đơn vị thiết kế là Công ty KCI (Hàn Quốc). Trong khi đó, vào thời điểm năm 2005, nhà thầu này chưa được cấp giấy phép thầu tại VN. Do đó, Quyết định 3585 hoàn toàn không đảm bảo về tính pháp lý. Dư luận đặt câu hỏi, có hay không việc nhà thầu "lậu" KCI cố tình thiết kế lệch hướng tuyến cắt vào đất công (khoảng 1,2 ha của Đoàn bay 919, Trung tâm huấn luyện bay, Đoàn tiếp viên) và đất Công viên Gia Định (khoảng 1 ha), để giảm chi phí cho đơn vị thi công là Công ty GS (cũng của Hàn Quốc)? Và phần tiết giảm này đã "chạy" đi đâu, trong khi TP vẫn phải đổi cho GS 7 khu đất "vàng"?

Một vấn đề khác nữa là sự mập mờ trong báo cáo tác động môi trường mà nhà thầu GS trình Bộ Kế hoạch - Đầu tư vào năm 2006. Báo cáo này hoàn toàn không nhắc gì đến việc bẻ đường thẳng thành 2 nhánh đường cong, càng không nói gì đến việc "xẻo" hơn 1 ha Công viên Gia Định làm đường và những tác hại từ việc cắt đất công viên. Văn bản 1878 (ngày 30.11.2007) của Thủ tướng yêu cầu phải có đánh giá tác động môi trường của dự án. Sau đó, trong giấy chứng nhận đầu tư cấp cho GS (ngày 14.12.2007), Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng nhấn mạnh chỉ triển khai dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án vẫn được khởi công mà chưa có đánh giá tác động môi trường về việc điều chỉnh hướng tuyến cắt vào đất Công viên Gia Định - lá phổi xanh của TP.

Cơ quan nào giải quyết khiếu nại cho dân?

Từ khi phát sinh khiếu kiện của người dân vào năm 2002 đến nay, đã có nhiều văn bản chỉ đạo đích danh các bộ, ngành giải quyết khiếu nại cho người dân, song các đơn vị này đều thể hiện thái độ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm:

- Ngày 16.1.2009, Văn phòng Chính phủ có văn bản 55 chuyển khiếu nại đến UBND TP.HCM và Bộ GTVT giải quyết.

- Ngày 6.3.2009, Bộ GTVT lại có phiếu chuyển 1252 đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét giải quyết khiếu nại, vì cho rằng thẩm quyền thuộc Thanh tra Chính phủ.

- Ngày 3.8.2009, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước có công văn 457 gửi Bộ Xây dựng, nêu rõ: do đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại nhưng UBND TP.HCM không ban hành quyết định giải quyết, do đó thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo thuộc Bộ trưởng Bộ Xây dựng (theo điều 25 và 39, Luật Khiếu nại Tố cáo)

- Ngày 10.8.2009, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản 5446 truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu UBND TP.HCM phối hợp Bộ GTVT xem xét, xử lý khiếu kiện cho người dân.

Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc: Người dân có quyền kiện ra tòa

Theo Luật Khiếu nại Tố cáo, trong dự án này, việc giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của UBND TP.HCM. UBND TP có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của người dân trong thời hạn 30 ngày, không quá 45 ngày. Nếu quá thời hạn nói trên, người dân có quyền khởi kiện ra tòa. Luật Khiếu nại Tố cáo cũng quy định, nếu người có thẩm quyền (trong trường hợp này là Chủ tịch UBND TP) không ra quyết định giải quyết khiếu nại thì phải bị xem xét kỷ luật. Người khiếu nại có quyền kiến nghị lên cấp trên trực tiếp của người không giải quyết khiếu nại để xem xét, kỷ luật người đó.

Kiến trúc sư Lưu Trọng Hải, Hội Kiến trúc sư TP.HCM: Làm chuyện ngược đời!

Chỉ xét trên góc độ quy hoạch, việc điều chỉnh đường TSN - BL - VĐN từ một đường rộng 60m thành 2 nhánh (mỗi nhánh rộng 20m, lưu thông một chiều) là không hợp lý. Đây là tuyến đường vành đai, có chức năng giải tỏa một lượng phương tiện khổng lồ từ sân bay quốc tế TSN đi các quận nên nhất thiết phải có lộ giới lớn để các phương tiện lưu thông hai chiều, thông suốt. Nếu vừa "thắt cổ chai" 20m, vừa phân luồng một chiều sẽ gây khó khăn cho việc lưu thông, vì các phương tiện phải đi vòng vèo làm tăng mật độ giao thông. Trên thế giới, không nước nào làm đường một chiều đối với dự án mới, mà chỉ áp dụng với các tuyến đường cũ, không có điều kiện mở rộng.

Phương Thanh

*******************

source

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200951/20091219001021.aspx

No comments:

Post a Comment