Kinh tế VN đã 'thoát hiểm'?
"Vượt nạn nhưng chưa thắng lợi" là ý chính của bài mới nhất trên The Economist về tình hình kinh tế Việt Nam.
Bài "V not yet for victory" trên tạp chí có uy tín của Anh 24/9/2009 cho rằng dù kinh tế Việt Nam phục hồi có ấn tượng nhưng còn hai nhiệm vụ rất cần thiết phải làm.
Một là chính phủ Việt Nam phải tìm cách kiềm chế mức chi công, giảm thâm hụt ngân sách, để không rơi vào cảnh lạm phát cao 28% như tháng 8/2008.
Hai là để thoái khỏi tầm của một quốc gia thu nhập dựa vào sản xuất hàng rẻ, Việt Nam cần giải quyết tệ nạn tham nhũng, cơ chế quan liêu bằng các cải cách.
Nói tóm lại, dù đã thoát hiểm trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu, Việt Nam đang trở lại với các vấn đề cơ cấu kinh tế y nguyên như cũ.
The Economist cũng cảnh báo rằng chính phủ có thể đã để mắt quá nhiều vào chương trình kích cầu mà lãng đi việc cải tổ.
Tờ báo này nhận định nhịp cải cách là "đáng thất vọng" kể từ khi Việt Nam vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hồi năm 2007.
Bài báo trích lời quan chức Ngân hàng Thế giới nói Việt Nam cần tập trung vào (giải quyết) "những cản trở mang tính cơ bản đối với sự cạnh tranh của nền kinh tế", thay vì bị "lạc đề" vào chuyện phục hồi.
Phục hồi có bền vững?
Nhìn chung, bài của tạp chí uy tín số một về kinh tế-chính trị quốc tế ra ở London nói kinh tế Việt Nam có dự báo tích cực trong vài năm tới.
Từ trước tới nay trung ương thường chi tiêu phóng khoáng trước đại hội đảng để lấy lòng đảng bộ cấp tỉnh
The Economist
Dù có các suy đoán về kinh tế tụt lùi, mức tăng GDP của Việt Nam được Credit Suisse dự báo ở mức 5,3% năm nay và 8,5% vào năm sau.
Gói kích cầu 1 tỷ USD của chính quyền đã thành công trong việc hạn chế làn sóng đóng cửa sản xuất.
Tất nhiên, bài báo cũng nói đến yếu tố chính trị trước đại hội 5 năm một lần của đảng Cộng sản Việt Nam vào 2011.
Theo tâm lý này thì việc tung tiền ra cho các địa phương còn có yếu tố 'đắc nhân tâm' trước kỳ họp.
Nhưng các nhà kinh tế lại lo ngại về nguy cơ chính quyền chi tiêu quá nhiều và việc cho vay tín dụng rẻ.
Theo Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), thâm hụt ngân sách Việt Nam tăng từ 4.1% GDP năm ngoái lên 10,3% năm nay.
Dự trữ ngoại hối thì sụt giảm từ 23 tỷ USD tháng 12/2008 xuống 17,3 tỷ vào cuối tháng 6 vừa qua.
Có vẻ như sự thiếu hiệu quả thể hiện qua việc các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn "nặng nề, bao trùm".
Để kết luận, có thể trích lời bài báo gợi ý rằng Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi hàng các nước nghèo nếu cải tổ cơ bản để vươn lên thành một nền kinh tế "đa dạng hơn, giàu có hơn".
Và theo The Economist thì Việt Nam "có thể trở thành" nền kinh tế như vậy.
*********************
source
BBC Vietnamese
No comments:
Post a Comment