Nhiều sản phẩm nhập từ Trung Quốc (nhất là qua con đường tiểu ngạch) bắt mắt và giá “rẻ đến bất ngờ” - chất lượng thấp và có thể không an toàn về mặt y tế. Người ta cứ mua và an ủi “Thôi thì tiền nào của ấy”.
Rau quả, thịt lợn, gia cầm (kể cả lục phủ ngũ tạng lợn và... chân gà) chứa những chất bảo quản với dư lượng cao, có hại cho sức khoẻ; đồ chơi trẻ em chứa các chất phẩm màu không an toàn, được sơn bằng sơn chứa chì, cadmi và crom; mỹ phẩm có chứa phẩm màu hữu cơ thế giới đã cấm từ lâu. Sữa bột trẻ em thêm melamin để qua mặt người kiểm tra hàm lượng đạm ... Và quần áo vải vóc chứa formaldehyd.
Chính Trung Quốc cũng thừa nhận :46,5% số quần áo trẻ em có formaldehyd và 32,3% số đồ chơi sản xuất từ Quảng Đông chứa các kim loại nặng có hại. Trong nước, họ đã chủ động thu hồi. Lúc này mới có những ý kiến “không chính thức” của những người có trách nhiệm ở ta.
Các sản phẩm tràn ngập trên thị trường này vẫn đang là mối nghi ngại cho khách hàng - Ảnh: Corbis, KH&ĐS |
Những cảnh báo từ New Zealand
Tháng 5/ 2007, các phương tiện truyền thông New Zealand đã đồng loạt đưa tin (sau đó rất nhiều nước đã kỉểm tra và xác nhận) quần áo bằng len và vải bông không rõ xuất xứ được nhập và bày bán rộng rãi tại nước này có hàm lượng những chất độc hại rất cao. Ví dụ về formađehyd có hàm lượng cao đến 500 lần cho phép theo tiêu chuẩn của New Zealand, chứa từ 290 đến 18.000 phần triệu (ppm), trong khi 20 ppm là đã coi là nguy hại cho sức khoẻ, độ pH từ 4 đến 7,5 là có hại cho da. Những mặt hàng cụ thể chứa formaldehyd được công bố là: Vải nhung kẻ may đồ phụ nữ: 290 ppm; Áo phông Người nhện: 1.400 ppm; Pijama: 3.400 ppm; Quần trẻ em: 16.000 ppm; Quần trắng không bị bám bẩn: 18.000 ppm.
Việc điều tra được tiến hành sau đó đã khẳng định bán thành phẩm (vải vóc) hoặc thành phẩm (quần áo) là mặt hàng “made in China” (lúc đó một số quan chức TQ không thừa nhận, cho rằng chính sách bảo hộ mậu dịch trá hình). Ngoài formaldehyd, người ta còn thấy 10% quần áo được thử nghiệm chứa 1 hoặc nhiều trong số 22 loại chất nhuộm thuộc họ amin thơm đã bị cấm sử dụng ở châu Âu vì có khả năng gây ung thư. Song thực sự đáng lo ngại vẫn là formaldehyd.
Formaldehyd đưa vào vải vóc làm gì?
Nếu trong thực phẩm, người ta dùng formaldehyd để bảo quản (chính vì tác dụng diệt khuẩn cao này mà formaldehyd được dùng làm chất ướp xác và giữ thi hài để được lâu hơn tại các phòng thực nghiệm giải phẫu cơ thể học hoặc khi bố mẹ chết “nằm xuống” mà các con cái chưa về kịp) thì trong ngành dệt, người ta đưa formaldehyd vào quần áo để chống mốc, để giữ được nếp, trông như vừa mới là, làm bề mặt vải không bám bẩn và chống nhăn. Formaldehyde tạo các cầu liên kết làm bề mặt vải ổn định. Về mặt này có thể coi như formaldehyd là chất hồ vải vóc quần áo và như vậy như mọi chất hồ vải khác như tinh bột chẳng hạn, cần giặt trước khi sử dụng. Nếu mặc ngay, formaldehyd sẽ làm quần áo có mùi khó ngửi, khi tiếp xúc với da có thể gây dị ứng, mẩn ngứa với người mẫn cảm.
Tuy nhiên formaldehyd không chỉ được dùng trong ngành dệt may. Nó còn có mặt ở nhiều sản phẩm gia dụng khác mà chúng ta phải luôn luôn để mắt tới. Đó là những sản phẩm như đồ gỗ (từ chất keo dán gỗ), đồ da, sơn, các chất sát trùng, và có thể cả những sản phẩm vệ sinh cá nhân. Như vậy, formaldehyd là một chất độc thường lẩn quất trong nhà.
“Nhân thân” của formaldehyd
Công nhân một nhà máy dệt ở TQ - Ảnh: AP |
Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) mô tả formaldehyd là chất hữu cơ bay hơi “có thể gây ung thư cho người”. Người ta thừa nhận nếu bị phơi nhiễm formaldehyd với hàm lượng vượt quá 20 phần triệu có thể gặp những vấn đề về hô hấp, hen xuyễn và dị ứng, phát ban. Formaldehyd kích thích mắt, da và niêm mạc mũi. Lượng formaldehyd từ quần áo thoát ra phụ thuộc vào độ ẩm và nhiệt độ. Nếu giặt quần áo nhiều lần (formaldehyd rất dễ tan trong nước), phơi dưới nắng và thoáng gió thì có thể giảm hàm lượng của formaldehyd đáng kể.
Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (International Agency for research of cancer), một tổ chức gồm 10 nước đã kết luận rằng formaldehyd góp phần vào bệnh ung thư vòm họng và có thể cả bệnh bạch cầu. Quần áo chứa formaldehyd mức cao như trên bị cấm từ lâu ở châu Âu và năm qua tại New Zealand.
Một vài đề xuất
1. Các cơ quan chức năng cần ban hành tiêu chuẩn formaldehyd trong vải sợi, công bố chính thức làm cơ sở cho việc kiểm tra xuất nhập khẩu các mặt hàng dệt may, tạo thuận lợi cho việc quản lý thị trường và hướng dẫn người tiêu dùng.
Xin nói thêm rằng tại Hà Lan tuy cấm đưa formalđehy vào các sản phẩm may mặc, nhưng đối với các mặt hàng không tiếp xúc trực tiếp với cơ thể vẫn được phép lưu hành với điều kiện sau lần giặt đầu, hàm lượng formaldehyf giảm xuống dưới 120mg/kg sản phẩm, nhưng nhất thiết phải dán nhãn “Giặt trước khi sử dụng”.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
source
http://vietnamnet.vn/khoahoc/2009/07/860246/
No comments:
Post a Comment